Nhà khoa học thành công trên đất Nhật sáng chế máy thở riêng cho Việt Nam
Nhà khoa học thành công trên đất Nhật Trần Ngọc Phúc đã sáng chế loại máy trợ thở dễ sử dụng, phù hợp với môi trường Việt Nam.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Ngọc Phúc - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, Chủ tịch HĐQT Công ty Metran cho biết: đang thử nghiệm máy thở JFLO, do Chính phủ Nhật tài trợ và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong các cơ sở y tế Việt Nam từ mùa thu năm 2020.
“
Đặc điểm nổi bật của JFLO trong máy có sẵn Battery, qua đó có thể kịp thời cấp cứu sơ bộ cho bệnh nhân trong xe cứu thương. Trong bệnh viện sẽ giúp bệnh nhân di chuyển nhẹ nhàng giữa các phòng khám với nhau, giúp bệnh nhân luyện tập phục hồi chức năng. Đáng kể, chiếc máy chỉ nặng 1,5kg (bằng 1/10 so với những thiết bị trợ thở thông thường trong bệnh viện) phù hợp với điều trị tại gia đình, bệnh viện. Bên cạnh đó, ngoài việc hỗ trợ thở 24 giờ, do không bị phụ thuộc vào điện lưới AC, máy JFLO còn giúp bệnh nhân linh hoạt trong vệ sinh cá nhân một cách dễ dàng.
”
Theo ông Phúc, máy thở JFLO giúp y bác sĩ kiểm soát lượng CO2 rất tinh tế để đưa lượng không khí vào phổi phù hợp với từng thể trạng, độ tuổi bệnh nhân. Đặc biệt, loại máy này chỉ có 1 nút điều chỉnh (tăng giảm lưu lượng không khí và nhiệt độ), rất dễ sử dụng, rút ngắn thời gian điều chỉnh máy cho đội ngũ y bác sĩ.
Cuộc khảo sát tại 43 quốc gia của ngành y tế thế giới cho thấy, tỷ lệ tử vong do lây nhiễm chéo tại Việt Nam hiện cao gấp 16 lần so với ở Mỹ, Nhật. Nguyên nhân phần lớn do các bệnh viện bị quá tải thường xuyên, giường bệnh, trang thiết bị không đủ dẫn đến bị nhiễm trùng bệnh viện. Có bệnh viện tỷ lệ viêm phổi liên quan đến thở máy là 30-40%. Do vậy, phương pháp “thở không xâm lấn, không nội khí quản của JFLO” kỳ vọng sẽ làm giảm tỷ lệ lây nhiễm chéo (nhiễm trùng bệnh viện), giảm nguy cơ và kết cục cho bệnh nhân.
“Ba năm qua tôi đã nỗ lực nghiên cứu để có thể sáng chế loại máy trợ thở dễ sử dụng, phù hợp với môi trường Việt Nam. Đây là một trong những tâm nguyện từ lâu tôi muốn thực hiện cho quê hương Việt Nam của người con xa xứ. Cái gì tốt nhất tôi đều muốn cống hiến cho quê hương Việt”, ông Phúc tâm sự.
Từ năm 1982, ông Phúc được vinh danh như “cha đẻ” của dòng máy trợ thở, với phát minh máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số Hummingbird (HFO) cho trẻ em sinh non. Phát minh này khắc phục tối đa hạn chế của máy thở thông thường với việc gây tử vong hoặc di chứng do oxy nồng độ cao, hay dãn nở phổi cho trẻ sinh non. Thống kê cho thấy, trước khi có Hummingbird, 90% trẻ sinh non tại Nhật Bản tử vong; sau khi có chiếc máy này, 99,7% trẻ sinh non được cứu sống.
Theo ông Phúc, với việc dùng phương thức Dòng khí rung tần suất caoHFO (High frequency oscillation), máy thở này làm không khí giàu oxy luồn lách đến tận phế nang mà không bị giãn nở phổi cục bộ và rất phù hợp với nhịp thở của trẻ sinh non. Lượng khuếch tán Oxy và CO2 (diffusion effect) được cung cấp cao gấp 10.000 lần so với máy thở thông thường.
Mang "tinh hoa" y tế Nhật về Bệnh viện Nhi Đà Nẵng
Không dừng lại ở những kết quả đạt được, ông Phúc hiện đã và đang sáng chế dòng máy trợ thở cho bệnh nhân ngưng thở về đêm (JPAP) để sử dụng điều trị tại gia đình, y tế học đường.
Những ngày 28-29/2 vừa qua, ông Phúc trực tiếp về Việt Nam làm việc với Tập đoàn Thành Đạt (Đà Nẵng) để trao đổi các mô hình xây dựng bệnh viện Nhi đầu tiên tại miền Trung theo chuẩn quốc tế.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Chiến - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Đạt cho hay, dự án Bệnh viện Nhi được Đà Nẵng phê duyệt, với mục tiêu hướng đến bệnh viện tiên phong ứng dụng mô hình, công nghệ y khoa hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và đào tạo, chuyển giao kỹ thuật nhi khoa tiên tiến trên thế giới ngay tại Đà Nẵng.
Theo ông Phúc, ông sẽ nỗ lực kết nối, đưa mô hình, tinh hoa y tế của Nhật vào Bệnh viện Nhi Đà Nẵng. Ông đề xuất Bệnh viện Nhi nên tiên phong xây dựng mô hình "sổ tay mẫu tử" để quản lý, lưu trữ hồ sơ sản phụ, thai nhi ngay trong gia đình. Đồng thời, có các cơ chế giám sát, chăm sóc y tế trẻ em từ khi còn trong bào thai đến khi tròn 18 tuổi như Nhật và một số nước tiên tiến đang triển khai. Đặc biệt, bệnh viện cần chú trọng tối đa các giá trị vì cộng đồng.
Ông Trần Ngọc Phúc sinh năm 1947 tại Huế. Năm 1968, ông được gia đình cho du học tại Nhật và tốt nghiệp kỹ sư tại Đại học Tokai ở tỉnh Kanagawa. Năm 1984, ông Phúc sáng lập Công ty Metran, giữ chức vụ tổng giám đốc và sau này là chủ tịch.
Trước cống hiến và đóng góp to lớn của ông Phúc, tháng 7/2012, Nhật hoàng Akihito đã ghé thăm Công ty Metran, thăm hỏi, chúc mừng ông Phúc. Tháng 11/2018 ông vinh dự được Nhật Hoàng Akihito trao tặng Huân chương Mặt trời mọc. Ngoài ra ông còn được nhận rất nhiều các giải thưởng của các Bộ nghành khác của Nhật Bản.
Với những thành công trong các công trình, dự án về y tế của ông Phúc, Metran, Chính phủ Nhật quyết định tài trợ để ông Phúc hoàn thiện tâm nguyện dòng máy thở, ứng dụng cho các cơ sở y tế Việt Nam