Nhà khoa học trẻ và khát vọng tìm ra phương pháp chiến thắng bệnh ung thư
Ở tuổi 36, GS. Nguyễn Đăng Hùng (Đại học Central Florida, Mỹ) đã trở thành một nhà khoa học người Việt có những dấu ấn đáng tự hào: Xuất bản hơn 30 công trình khoa học và được nhận nhiều giải thưởng của Hiệp hội Huyết học, Hiệp Hội phát triển Khoa học và Bộ Y tế Mỹ. Với những kết quả nghiên cứu nhằm góp phần đẩy lùi căn bệnh ung thư, sau 7 năm làm việc tại Mỹ, anh đã trở thành giáo sư y học và làm chủ một phòng thí nghiệm độc lập do Chính phủ Mỹ bảo trợ.
Dấu ấn tự hào
GS. Nguyễn Đăng Hùng cho biết, lần này về Việt Nam, anh có mong muốn tuyển chọn được 2 ứng viên tới Mỹ làm nghiên cứu sau tiến sỹ tại phòng thí nghiệm của mình.
“Với việc tuyển chọn và đào tạo có tính hệ thống, tôi hy vọng không xa nữa, sẽ góp phần đưa về Việt Nam một đội ngũ các nhà khoa học tài năng và chuyên nghiệp, có đẳng cấp quốc tế để phục vụ người dân”- GS. Hùng tâm sự.
Một trong ba công trình nghiên cứu về điều trị ung thư quan trọng mà GS. Hùng đã và đang nghiên cứu, là nhằm mục đích tạo ra các chất ức chế hệ thống bổ thể di chuyển định hướng và tác động trực tiếp tế bào đích. Kết quả của công trình nghiên cứu này được ước tính tạo ra ba loại thuốc chống ung thư mới. Hai công trình còn lại tập trung vào nghiên cứu về chuyển hóa lipid trong tế bào để tăng cường hiệu quả liệu pháp ung thư miễn dịch, cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra ít nhất hai loại thuốc chống ung thư mới.
GS. Nguyễn Đăng Hùng Khi dự hội nghị thường niên Hội huyết học Mỹ
Theo GS. Nguyễn Đăng Hùng, các phương pháp điều trị ung thư hiện nay là hóa trị, xạ trị, và phẫu thuật không điều trị được tận gốc, dễ dẫn đến kháng thuốc. Còn với liệu pháp miễn dịch mà anh đang nghiên cứu, sẽ có triển vọng điều trị tận gốc ung thư khi dùng độc lập hoặc kết hợp với các liệu pháp truyền thống.
Anh cho biết: Các liệu pháp miễn dịch này ngày càng mở rộng và áp dụng trên nhiều đối tượng. Chúng tôi áp dụng với cả ung thư lỏng (ung thư máu) và ung thư đặc (phổi, đại tràng, não…). Tỷ lệ thành công khá cao trong điều trị ung thư máu cấp tính sử dụng liệu pháp truyền tế bào CAR-T (đáp ứng 99% nếu không bị thải ghép).
"Liệu trình điều trị là 6 tháng, ít nhất từ 1 đến 3 lần truyền, tùy theo bệnh nhân. Tuy nhiên, chi phí khá lớn, tới 363.000 USD/lần truyền. Hy vọng khi kích hoạt được quá trình chuyển hóa, tế bào có hoạt tính chống ung thư cao gấp ba lần, sẽ giảm được thời gian điều trị và chi phí còn 10-20.000 USD/lần truyền" - GS. Nguyễn Đăng Hùng cho biết.
Kết quả những nghiên cứu của GS. Nguyễn Đăng Hùng đang tiếp thêm hy vọng cho bệnh nhân ung thư. Rằng một ngày không xa, họ sẽ được điều trị bằng những phương pháp hiện đại nhất do chính những nhà khoa học Việt Nam phát minh.
Hành trình gian khó
Để có được thành quả hôm nay, không mấy ai biết rằng, GS. Nguyễn Đăng Hùng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, có lúc, cả tuyệt vọng.
Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, chàng trai quê Thái Nguyên sang Hàn Quốc học tiến sỹ. Nhờ những thành tích nghiên cứu nổi bật, trong đó có việc đã chứng minh được vai trò của enzyme mới từ não trong cơ chế phát sinh bệnh Parkinson và Alzheimer, anh được nhận học bổng từ Chính phủ Hàn Quốc.
Sau đó, GS. Hùng cùng các cộng sự đã phát hiện ra một nhóm lipid có hoạt tính kháng viêm – một công việc rất khó khăn, do chúng dễ bị phân hủy ở nhiệt độ thường và thời gian tồn tại chỉ khoảng 20 giây. Nhóm nghiên cứu đã chứng minh được viêm là quá trình tích cực và chủ động, đối lập với quan niệm là quá trình thụ động sưng nóng đỏ đau đã tồn tại hàng thế kỷ. Vì viêm là căn nguyên của rất nhiều bệnh phổ biến như tim mạch, miễn dịch, nên kết quả nghiên cứu đã được các cộng sự đánh giá rất cao.
Với 11 công trình công bố quốc tế - một thành tích nghiên cứu đáng nể - nên ngay khi chưa kịp nhận bằng tiến sỹ, GS. Hùng đã được nhận làm việc tại Trường Đại học Y của bang Carolina, Mỹ. Đây thực sự là một cánh cửa rộng lớn để anh có thể thực hiện khát vọng nghiên cứu các giải pháp chống lại bệnh ung thư.
Nhưng sự khởi đầu ở Mỹ không may mắn với anh. Anh tham gia vào nhóm nghiên cứu chế tạo vancine phòng chống ung thư, đồng thời tham gia nghiên cứu về phương pháp cấy ghép tủy để điều trị ung thư. Áp lực công việc rất lớn, mà lương thấp, 2 vợ chồng phải thuê chung nhà với người bạn Hàn để tiết kiệm chi phí. Anh thường ở lỳ phòng nghiên cứu từ 8h sáng đến 4h sáng hôm sau. Vợ sắp đến ngày sinh vẫn phải thui thủi một mình.
Cùng về Việt Nam với chồng dịp này, chị Hà Ly kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm ngày đó với một nụ cười bao dung: “Đêm trở dạ sinh con đầu lòng, tôi lập tức gọi cho chồng. Nhưng anh lại bảo “chờ anh tiêm nốt cho con chuột để xong thí nghiệm đã” rồi dập máy luôn. Tôi tủi thân đến phát khóc, đành gọi cho một bà hàng xóm người Mỹ giúp đỡ và nhờ anh bạn người Hàn ở chung nhà đưa đến bệnh viện”.
GS. Nguyễn Đăng Hùng trong lần ghé thăm đại học Havard.
Khó khăn chồng lên khó khăn khi công trình nghiên cứu vaccine chống ung thư không thành công. GS. Hùng quyết định chuyển hướng tham gia vào đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu về phương pháp điều trị ung thư thế hệ mới nhất, điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch, tại Hollings Cancer Center, một trong những Trung tâm nghiên cứu về ung thư được chứng nhận bởi chính phủ Mỹ.
Quả ngọt
Nhưng vượt lên những thử thách ở xứ người, như chi phí nghiên cứu đắt đỏ, cạnh tranh rất cao, cuối cùng GS. Hùng đã thành công.
Nghiên cứu của anh được đánh giá cao bởi đã cung cấp rất nhiều đích tác động làm nển tảng cho sự phát triển các thuốc chống lại quá trình thải ghép và các tác dụng không mong muốn, đồng thời tăng cường tác dụng chống ung thư của liệu pháp tế bào gốc. Công trình đã được xuất bản trên tạp chí Journal of Clinical Investigation trang thông tinchính thống Hiệp hội y học thực hành Mỹ năm 2016.
GS. Hùng tiếp tục phát hiện ra quá trình thực bào trên tế bào tua có vai trò lớn trong duy trì tác dụng chống ung thư của liệu pháp cấy ghép tế bào gốc. Kết quả của nghiên cứu này được xuất bản trên tạp chí JCI Insight và được nhiều công ty dược phẩm tại Mỹ quan tâm.
Cho đến nay, GS. Hùng đã xuất bản hơn 30 công trình khoa học, cùng giành được nhiều giải thưởng của Hiệp hội Huyết học Mỹ, Hiệp hội phát triển khoa học Mỹ, và Bộ Y tế Mỹ. Anh cũng là người nghiên cứu sau tiến sỹ đầu tiên (và là người Việt Nam duy nhất) tại trung tâm nghiên cứu ung thư Hollings Cancer Center, trường đại học Nam Carolina, nơi anh đã làm việc, được phong hàm giáo sư y học nghiên cứu về ung thư miễn dịch tại trường đại học y khác.
Trong trái tim nhà khoa học trẻ Nguyễn Đăng Hùng luôn khao khát có được phương pháp điều trị ung thư mới, giá rẻ và hiệu quả, để những người bệnh ở Việt Nam được tiếp cận. Vì thế, song song với mong muốn đào tạo một cách có hệ thống các nhà khoa học chuyên sâu về ung thư miễn dịch cho Việt Nam, GS. Hùng cũng đang tìm kiếm sự hợp tác để áp dụng những phương pháp mới cho điều trị ung thư ở Việt Nam.