Nhà khoa học Trung Quốc lãnh án vì ăn cắp bí mật thương mại Mỹ
Hai năm tù giam là mức án dành cho một nhà khoa học người Trung Quốc vì đánh cắp bí mật thương mại của một công ty Mỹ.
Một nhà khoa học Trung Quốc tên Hongjin Tan đã bị kết án hai năm tù vì đánh cắp bí mật thương mại trị giá 1 tỉ USD từ Công ty năng lượng Phillips 66 của Mỹ, nơi người này làm việc, theo báo South China Moring Post.
Hongjin Tan, năm nay 36 tuổi, đã nhận tội vào tháng 11 năm ngoái và thừa nhận chính mình là người đã sao chép, tải xuống tài liệu độc quyền của Công ty Phillips 66.
Ngoài bản án hai năm tù, thẩm phán liên bang Gregory Frizzell cũng buộc ông Tan phải bồi thường 150.000 USD cho Công ty năng lượng Phillips 66. Thêm nữa, ông Tan cũng sẽ chịu sự giám sát đặc biệt trong vòng ba năm sau khi ra tù.
“Những người như ông Hongjin Tan tìm cách đánh cắp các bí mật thương mại của Mỹ để mang về Trung Quốc nhằm sao chép công nghệ của chúng ta” - luật sư Oliver Shores nói trong một tuyên bố trước tòa ngày 27-2 - “Các luật sư Mỹ sẵn sàng chống lại sự tấn công của kinh tế Trung Quốc đang đe dọa ngành công nghiệp Mỹ”.
Theo Bộ Tư pháp, ông Tan làm việc cho Phillips 66 ở TP Bartlesville, thuộc bang Oklahoma, với tư cách là nhà khoa học về công nghệ pin thế hệ tiếp theo trong khoảng thời gian từ tháng 6-2017 đến 12-2018.
Ông Tan đã sao chép hàng trăm tập tin dữ liệu độc quyền của công ty vào một USB vào ngày 11-12-2018. Ngày hôm sau ông Tan xin nghỉ việc nhưng vài giờ sau ông này quay lại và nói rằng quên trả USB cho công ty.
Công ty Phillips 66 đã gọi cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) để báo cáo về việc trộm cắp bí mật thương mại. Cũng trong khoảng thời gian đó, ông Tan nói với một đồng nghiệp cũ sẽ trở về Trung Quốc và đến ngày 20-12-2018 thì bị bắt giữ.
Các điều tra viên của FBI đã tìm thấy một ổ cứng rời tại nhà của ông và phát hiện năm trong số tập tin mà ông đã sao chép từ công ty. FBI còn tìm thấy một hợp đồng lao động của ông Tan với một công ty sản xuất vật liệu pin lithium ion tại Trung Quốc.
Bộ Tư pháp cũng chưa cho biết có bằng chứng cụ thể ông Tan chuyển bí mật thương mại này cho Trung Quốc nhưng nói rằng ông này có ý định làm vậy.
Bộ này nói rằng những tiến bộ về lưu trữ pin là mục tiêu chính mà Bắc Kinh đang theo đuổi để ứng dụng cho xe điện và các sản phẩm năng lượng thay thế khác.
Công ty Phillips 66 và Bộ Tư pháp không đề cập chi tiết việc họ đánh giá thế nào về giá trị năm tập tin bị đánh cắp đó lên tới 1 tỉ USD. Nhưng công ty này báo cáo với FBI rằng họ đã kiếm được từ 1,4 tỉ USD đến 1,8 tỉ USD từ công nghệ này.
“Cuộc điều tra và truy tố ông Tan này cũng lật mở thêm một trường hợp khác cho thấy Trung Quốc cố gắng đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ” - ông John Demers, trợ lý bộ trưởng Tư pháp Mỹ về an ninh quốc gia, cho biết - “Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục đối đầu hành vi bất hợp pháp này để bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ và bảo vệ công ăn việc làm của người Mỹ”.
Trong ngày 26-2 vừa qua, Bộ Tư pháp cho biết Anming Hu, phó giáo sư kỹ thuật tại ĐH Tennessee, cũng bị bắt và bị truy tố về ba tội lừa đảo qua hệ thống truyền thông điện tử và ba tội danh khai báo sai.
Bản cáo trạng nói rằng ông Hu này lừa gạt Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) bằng việc che giấu mối quan hệ của mình với ĐH Công nghệ Bắc Kinh để nhận được tài trợ của NASA. Việc này được cho là vi phạm pháp luật Mỹ và ông Hu phải đối mặt với án tù liên bang tới 20 năm cũng như nộp phạt lên tới 250.000 USD cho mỗi tội gian lận tối đa năm năm tù cho mỗi tội khai báo sai.
Vào tháng 1-2020, giới khoa học cũng một phen sửng sốt khi Trưởng khoa Hóa học Harvard, Charles Lieber, bị bắt vì cáo buộc không báo cáo sự tham gia của ông trong “Kế hoạch Hàng ngàn tài năng của Bắc Kinh”. Ông Lieber, được thả sau khi nộp 1 triệu 1 USD tiền tại ngoại nhưng hiện ông này vẫn chưa có bản án buộc tội.
Theo South China Morning Post, “Kế hoạch Hàng ngàn tài năng của Bắc Kinh” được phát động năm 2008 nhằm tuyển lựa chuyên gia nước ngoài trong các lĩnh vực khoa học của Trung Quốc. Ông Lieber là một chuyên gia về công nghệ nano, một lĩnh vực cũng liên quan chặt chẽ đến sự phát triển pin tiên tiến.