Nhà là để về

Chị í ới gọi chồng đến xem tổ chim gì lạ lắm, chỉ một nắm cỏ lá gì đó cạn xều và bé xíu, đính trên một cành bưởi, trong đó có một con chim vừa mọc lông cánh, mắt vẫn còn nhắm nghiền.

- Chích chòe chó đấy! Loại này khôn lắm luôn. Chim mẹ mà biết mình phát hiện tổ thì nó sẽ giả chết rớt “bịch” xuống để mình chạy theo nó mà bỏ quên con chim con. Nhưng khi mình chạy vừa đến bên chim mẹ, thì nó lại cất cánh bay lên rồi rớt “bịch” xuống… cứ thế, để mình chú ý, cốt sao càng xa tổ nó càng tốt- chồng chị phán.

Chị ngẩn ngơ, sao trên đời lại có loài chim khôn dữ vậy? Cu con 10 tuổi nằng nặc ba ơi ba à bắt chim con về nuôi đi, rồi nhà sẽ có cả bầy chích chòe chó đẹp ơi là đẹp, khôn ơi là khôn.

Anh ừ à như đang suy nghĩ lời con, bởi thực sự nuôi một con chim cũng vui mà. Nhưng chị dứt khoát:

- Cứ để y đó cho mẹ của nó về, chứ bắt đi thì nó biết tìm con ở đâu? Mà mình chỉ ở nhà được hai tuần, sau đó cũng ra quán lo bán buôn, bắt con chim này về nuôi, chăm sóc không kỹ nó chết thì hai cha con chịu tội nhen.

Trời ạ, gì chứ nói đến vấn đề tội - phước là chị có khả năng thuyết giảng nửa ngày chẳng mệt. Vậy nên anh ớn lắm, khoát tay bảo thằng con mau rời xa chỗ tổ con chim, kẻo mẹ con “ca bài ca con cá” nhức óc.

Rồi anh lại lom khom cuốc mấy bụi sả. Chị luôn tay cắt chanh. Liếp gừng “chuột gặm” thì thằng con lúi húi nhổ.

Nhà anh chị nhỏ lắm, chỉ 4m ngang và 15m dài, tất cả diện tích đất còn lại đều trồng rau cỏ và thuốc nam.

Hàng sả này là bữa đầu mùa mưa anh tách ra từ bụi sả mẹ già ơi là già. Rồi thằng con xin ba cho đào đất, những cái lỗ nhỏ cạn xều nhưng cũng ghim được hàng sả dọc rào.

Cây chanh núm này thật là sai trái, tính ra nó cũng hơn 10 năm rồi, nhưng chả lúc nào ngơi nghỉ. Phiền nỗi vỏ chanh núm khá mỏng, nên bán ít có người mua, vì họ bảo, để lâu nó nhăn và héo, trông xấu lắm. Nhưng nước của trái chanh núm nhiều và rất thơm. Vậy nên lâu nay hễ chanh nhiều trái quá thì chị hái cho bạn bè, bà con. Cao hứng còn cho cả khách của quán cà phê mỗi người vài trái.

Liếp gừng “chuột gặm” là cách nói của chị vì chẳng trồng theo hàng lối gì cả. Cứ lâu lâu có vài củ gừng dư lên mầm thì chị đem về vườn vùi xuống đất. Năm này qua tháng nọ nó mọc loạn cả lên.

Dịch giã vầy, quán cà phê của anh chị phải đóng cửa. Vậy là về nhà thôi. Người xưa chả bảo nhà là để về đó sao.

Buổi sáng đầu tiên về nhà là anh ra tay dọn dẹp khu vực trước cổng. Mấy cây sài đất hoa vàng lá xanh mọc um lên cả. Loại hoa này in ít còn thấy đẹp, nhiều quá trông giống… nhà hoang ghê! Anh bảo vậy nên ra tay hì hục cuốc, mặc chị tiếc hùi hụi vì ngày xưa cũng xin từng cọng về trồng rồi nâng như nâng trứng, mỗi ngày tưới ba lần nữa kia.

Xót của, chị bấm gu-gồ tìm công dụng của cây sài đất này, a thì ra nó có tá lả công dụng nè chồng ơi! Điều trị viêm, sưng tấy ngoài da (vết sưng đau chưa mưng mủ), trị viêm amidan, viêm phế quản, ho gà, ho ra máu, rôm sảy trẻ em, cả viêm gan nữa nè.

Chồng quẹt mồ hôi bảo:

- Em lượm chúng vô, phơi khô để dùng dần chừng 30 năm nữa cũng hết đống sài đất này hà.

Chị quê độ làu bàu: “Lượm phơi khô cho phòng thuốc nam cũng được mà”.

Buổi sáng đã xong cái sân trước, trông thoáng mát đẹp đẽ lắm. Anh cười ha hả nói: “Mấy thằng đẹp trai làm cái gì cũng đẹp”. Cu con phụng phịu: “Vậy hông lẽ Bo xấu trai hả ba? Sao Bo lắp ráp con siêu nhân xấu hoắc”.

Cha con cười ha hả. Anh hứa sẽ chơi lắp ráp cùng con để cho ra những con siêu nhân “đẹp trai như ba”. Thằng con liến thoắng: “Vậy mới là ba chứ! Hồi ở ngoài quán rủ ba chơi với Bo, ba cứ nói mắc rửa ly, phơi phin cà phê, dọn đẹp quét sân suốt ngày”. Lời trẻ con làm người cha thương cảm, bởi quả thật anh chị ít chơi với con lắm, việc quán xá đã quá nhiều, quán không thuê người làm, vợ chồng cố gắng để tiết kiệm đến mức có thể, làm gì còn thời gian chơi với con.

Thằng bé đổ đống lego ra và kéo ba ngồi xuống. Siêu nhân, xe tải, tàu vũ trụ, xe đua gì cha con cũng lắp ráp nhoay nhoáy. Thằng con ước: “Phải chi mình được ở nhà hoài, để lắp ráp cho đã hén ba”.

Bữa cơm ngày giãn cách đầu tiên dọn ra với rau mồng tơi, rau bồ ngót Nhật, mấy đọt lang luộc chấm nước mắm dầm hột vịt. Cu con thì có thêm tô canh đu đủ nấu tôm khô. Thằng con nhảy tưng tưng “A…ti vi nói nè, giờ ai mà ăn cơm có dĩa rau bự vầy là đại gia đó ba mẹ! Nhà mình rau cả vườn, đại gia vạn tuế”.

Tiếng cười vang khắp căn nhà nhỏ.

Chị bảo: “Làm sao để 14 ngày này không ăn không ngồi rồi nhỉ? À, anh trồng mớ rau nhé, em trồng hoa”.

Trồng rau không khó với anh, chỉ khó là phải canh ốc sên để bắt. Mà hôm nay gieo hạt thì 14 ngày nữa vẫn chưa có rau ăn. Rồi mình lại ra quán cà phê để lo việc bán buôn, mớ rau này để cho ốc ăn à?

Anh chọn giải pháp: trồng rau trong thùng xốp. Vài bao tro trộn mang về, thêm ít đất, thế là cải xanh, cải ngọt, rau dền, rau muống tha hồ mọc lên sau vài ngày nữa.

Chị mang giày ống lội giữa vùng cỏ đầy sương để hái những bông đậu biếc hãy còn he hé nở. Hoa này nếu là búp hoa thì làm trà sẽ ngon hơn khi nở tòe loe đấy. Cả rừng hoa đậu biếc lung linh trong màu xanh của cỏ và màu trắng như pha lê của sương đối lập với màu ủng đỏ au của chị tạo thành một bức tranh rất sắc màu.

Anh phía cuối góc vườn đang bẻ những cành lá của cây đinh lăng để băm nhỏ phơi khô làm trà. Bởi đinh lăng là sâm của người Việt mà. Hết đợt giãn cách này, quán cà phê của anh sẽ có món trà đinh lăng thơm tho cho khách uống mê ly luôn.

Anh gọi to:

- Em ơi, bó lá đinh lăng to này cũng được cả ký lô trà khô, tha hồ cho em trị chứng rối loạn tiền xài nhé.

Tiếng cười vang màn sương sớm.

Bữa cơm ngày thứ ba của đợt giãn cách, là món khô lăng phồng chiên cùng canh chùm ngây. Thằng con bắt đầu trở chứng:

- Hết thịt hả mẹ? Sao có con cá khô gì kỳ cục Bo không quen gì hết à.

- Thịt mẹ còn nè! Chứ tiền đâu mua thịt heo?

Ba nó bảo rằng mấy ngày này có bữa cơm vầy là ngon lắm rồi. Con nghĩ xem, quán mình không bán được, ba mẹ cũng không có tiền dư. Nhà còn khô, trứng vầy là ô kê lắm rồi.

Thằng con ồ dze “Bo sẽ làm món trứng hấp”.

Vậy là nó đập trứng vô chén, thêm gia vị rồi đánh đều lên đem chưng cách thủy trong mười phút. Chén trứng đem ra trông cũng bắt mắt, mặn mặn béo béo thơm hành tiêu cũng dễ ăn. “Và đặc biệt là không có xương như cá khô của mẹ nha! Mẹ ăn thử đi, cái này Bo học trên gu-gồ đó”. Thằng con reo vui

Ngày thứ tư ở nhà vẫn chưa làm hết việc. Dự định hôm nay chồng quét nóc nhà, trám lại mấy lỗ đinh thủng khiến cho nước mưa nhểu ướt phòng, ướt sách. Vợ tiếp tục trồng mớ hoa mười giờ, hoa dừa cạn cho vuông sân thêm màu sắc.

Vậy mà cuộc gọi của chị bạn đã làm thay đổi mọi thứ: “Em ơi, dịch bệnh diễn biến phức tạp quá, Bàu Năng chị gần kiệt sức rồi, lực lượng dân quân, tình nguyện viên thiếu ăn trầm trọng, nước uống cũng thiếu. Em có gì cho chị xin với”.

Vậy là ào ra vườn, anh nhổ tung mấy luống mì trồng cả năm nay để làm món “khoai mì nấu nước cốt dừa”, món uống “trà chanh sả gừng”. Hàng xóm nghe lao xao lửa củi cũng gọi với qua: “Nhà chị có nhiều sa kê lắm, tụi em coi hái chiên nấu gì đó cho người ta ăn nhen! Chị mở cổng sẵn, tự vô hái rồi về nhen, khỏi gặp nhau, khỏi cảm ơn”.

Đúng là dịch bệnh đã ngăn cách nhiều thứ, nhưng tấm lòng dành cho nhau thì không gì ngăn cách được.

Chị gọi cho người bạn Bàu Năng thông báo hôm nay có khoai mì và trà chanh sả gừng. Ngày mai có xôi đậu biếc, sa kê chiên, nước đá chanh. Bên kia đầu dây cảm ơn nghèn nghẹn kèm lời dặn: “Em cứ tới chốt khu vực Tòa Thánh - Vũng Rau Muống rồi trao cho anh em trực chốt là được. Khu vực chị có F1, chị không ra gặp em được”.

Ôi dịch bệnh…

Mấy đôi bàn tay và khuôn mặt lấm lem vì củi lửa nhưng tiếng cười trong trẻo quá. Thằng con ghẹo mà mẹ lêu lêu mặt mèo vì dính lọ tùm lum, cái lưng của ba nó thì đầy vết muỗi cắn nhưng tay chân cứ nhanh nhẹn để mau hoàn thành.

Buổi sáng ngày thứ tám ở nhà, cái sân đã được anh tráng lại mấy chỗ sụt lún bong tróc cho nó liền lạc đẹp đẽ hẳn ra. Thằng con líu lo: “Ba, ba còn mấy chai nước sơn dư đó, ba xịt vài cái hình tròn, hình bông hoa lên tường, lên sân đi, cho nó đẹp hơn mà chai sơn cũng không bị hết hạn sử dụng”.

Ý tưởng hay quá, thế là hai cha con thỏa sức sáng tạo. Màn mưa lất phất vì áp thấp nhiệt đới, anh làu bàu: “Đã dịch bệnh rồi còn áp thấp, này là nhiệt đói chứ nhiệt đới gì trời ơi!”. “Mình có cái nhà, có vườn rau còn đỡ, mấy người ở nhà trọ thì sao ta? Vé số không bán được, đi làm không đi được thì lấy gì mà ăn?”- chị cảm thán.

Rót ly trà đinh lăng thơm ấm cả vuông sân “tắc kè bông”, anh nói nhỏ: “Nói này em đừng la nhen, nãy ra quán dọn dẹp quét sân, tui có bán được năm ly cà phê mang đi. Rồi chị Nù vé số bả chạy ngang, nói đi mua mấy gói mì mà quán tạp hóa hết mì, bả không biết lấy gì cho thằng cháu ngoại ăn. Vậy là tui tặng năm chục tiền bán cà phê cho bả mua gạo rồi”.

Chị gục gặc: “Ừ thôi, coi như không có bán năm ly cà phê đó đi. Tặng chị Nù mấy ký gạo cũng tốt mà”.

Căn nhà bé nhỏ tràn ngập yêu thương và tiếng cười từ những câu chuyện nhỏ.

Đ.P.T.T

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nha-la-de-ve-a135398.html