Nhà lãnh đạo tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

Đồng chí Võ Văn Ngân sinh năm 1902, trong một gia đình nông dân yêu nước và có truyền thống cách mạng ở ấp Bình Tả, làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), là em ruột của người chiến sĩ cộng sản Võ Văn Tần. Là đảng viên đầu tiên của Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở làng Đức Hòa, đồng chí được đề bạt làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, rồi Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn; được Đảng cử đi dự Đại hội lần thứ Nhất của Đảng, được bầu vào Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trở về phụ trách Xứ ủy Nam kỳ, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ. Đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (mở rộng) năm 1937, đồng chí là 1 trong 5 đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng.Qua thực tiễn lãnh đạo các phong trào cách mạng, đặc biệt là trên cương vị người đứng đầu tổ chức Đảng các cấp, đồng chí Võ Văn Ngân không chỉ là một trong những người tiên phong góp phần khôi phục, củng cố tổ chức của Đảng, mà còn là nhà lãnh đạo tài năng, luôn nỗ lực tổ chức thực hiện mọi nhiệm vụ đặt ra của cách mạng trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào.

Đồng chí Võ Văn Ngân.

Đồng chí Võ Văn Ngân.

NGƯỜI ĐẢNG VIÊN TÀI NĂNG THUỘC THẾ HỆ ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG

Đồng chí Võ Văn Ngân sớm tiếp thu truyền thống yêu nước của quê hương và gia đình, nhất là ảnh hưởng từ người anh Võ Văn Tần nên rất ham học và có tính tự lực. Những năm 20 của thế kỷ XX, đồng chí cùng anh Võ Văn Tần lên Sài Gòn gia nhập Hội kín Nguyễn An Ninh, rồi vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Năm 1929, đồng chí cùng anh Võ Văn Tần lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên ở làng Đức Hòa. Tháng 5-1930, Quận ủy Đức Hòa được thành lập, cả 4 anh em: Võ Văn Mẫn, Võ Văn Tần, Võ Văn Tây và Võ Văn Ngân đều được bầu vào Quận ủy, do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư.

Ngày 4-6-1930, đồng chí cùng Quận ủy Đức Hòa thực hiện chỉ đạo của Liên Tỉnh ủy, phối hợp lãnh đạo cuộc biểu tình chống Pháp lớn nhất Nam kỳ, diễn ra tại quận lỵ Đức Hòa, buộc tên chủ quận Huỳnh Văn Đẩu phải chấp nhận yêu sách; nhưng sau đó, thực dân Pháp đàn áp dữ dội, bắn chết đồng chí Châu Văn Liêm và 8 người khác, hơn 50 người bị thương.

Nhà cầm quyền Pháp điên cuồng ra lệnh truy lùng những người cộng sản; đồng chí Võ Văn Tần bị tuyên án tử hình vắng mặt. Vì vậy, anh em đồng chí Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân phải lánh sang quê mẹ ở Hóc Môn - Gia Định tiếp tục hoạt động.

Cuối năm 1931, nhiều đồng chí Tỉnh ủy viên Gia Định bị địch bắt, đồng chí Võ Văn Ngân cùng anh Võ Văn Tần và một số đồng chí khác ra sức khôi phục lại các cơ sở đảng, lần lượt lập lại Quận ủy Gò Vấp, Hóc Môn, tái lập Tỉnh ủy Gia Định vào đầu năm 1932 và được Xứ ủy chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Năm 1932, do nhu cầu công tác, đồng chí Võ Văn Ngân về làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn thay anh Võ Văn Tần, góp công sức vào việc khôi phục tổ chức, củng cố cơ sở đảng ở cả 2 tỉnh Chợ Lớn - Gia Định trong thời kỳ 1931 - 1933.

Đầu năm 1933, sau khi Xứ ủy do đồng chí Hồ Văn Long lập lại bị địch phá vỡ, đồng chí Trần Văn Giàu (bí danh Hồ Nam) từ Liên Xô về, liền cùng các đồng chí Phan Vân, Trương Văn Bang lập lại Xứ ủy mới, chủ trương thành lập các đặc ủy, đồng chí Võ Văn Ngân vừa làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, vừa làm thành viên của Đặc ủy Vàm Cỏ Đông.

Đầu tháng 3-1935, đồng chí được tổ chức Đảng tín nhiệm bổ sung vào Xứ ủy, trực tiếp phụ trách Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, được cử đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ Nhất, họp ở Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến 31-3-1935 và được bầu là 1 trong 9 Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 13 đồng chí, đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư.

Vượt hiểm nguy trở về Nam kỳ trong hoàn cảnh 8 Ủy viên Trung ương Đảng lần lượt sa lưới mật thám, Xứ ủy lại bị vỡ, đồng chí Võ Văn Ngân cùng các đồng chí kiên trì khôi phục lại Xứ ủy và trực tiếp làm Bí thư Xứ ủy. Đồng chí chỉ đạo lập lại nhiều tổ chức cơ sở đảng từ cấp xứ đến quận, làng, vừa chuẩn bị căn cứ ở nông thôn ngoại thành để Trung ương về đóng “trụ sở”.

Đồng chí bàn với Xứ ủy quyết định chọn làng Tân Thới Nhất - quê ngoại của mình, làm địa bàn đầu mối lãnh đạo của Trung ương Đảng. Chính tại căn cứ Hóc Môn - Bà Điểm do đồng chí Võ Văn Ngân, Võ Văn Tần tổ chức, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tiến hành các hội nghị quan trọng lần thứ 4, 5, 6 an toàn tuyệt đối, cho ra đời các nghị quyết cơ bản, trong đó đặc biệt có Nghị quyết Trung ương lần thứ 6 (tháng 11-1939) về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, quyết định chiều hướng phát triển của cách mạng Việt Nam trong tình hình phát triển của cách mạng thế giới, dẫn đến Khởi nghĩa Nam kỳ và Cách mạng Tháng Tám về sau.

CÁN BỘ ƯU TÚ CỦA ĐẢNG VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thực dân Pháp dùng mọi kế sách, thủ đoạn khủng bố thâm độc hòng tiêu diệt các tổ chức cộng sản, tiêu diệt lớp đảng viên đầu tiên của Đảng; mưu toan mau chóng dập tắt các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta.

Đồng chí Võ Văn Ngân trên các cương vị lãnh đạo, với sự nỗ lực vượt bậc, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh đã bền bỉ vận động quần chúng cách mạng giữ vững niềm tin, kiên trì giác ngộ những người yêu nước tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng để xây dựng, phát triển Đảng, tăng cường đội ngũ cho Đảng.

Đồng chí đã thành công trong việc góp phần hồi sinh, củng cố và phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Gia Định và Chợ Lớn, đóng góp to lớn vào việc khôi phục tổ chức và mở rộng các hoạt động của Đảng ở Nam bộ trong những năm 1930 - 1938.

Trên cương vị Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, đồng chí đã bắt tay công tác với tinh thần, khí thế mới của Đại hội lần thứ Nhất của Đảng. Thời kỳ này, ở Nam kỳ, địch vẫn ráo riết lùng sục, một số Xứ ủy viên, Thành ủy viên tiếp tục bị bắt, đồng chí phải tạm thời cho dời trụ sở Xứ ủy ở thành phố Sài Gòn về Bà Điểm (Hóc Môn - Gia Định) - nơi cơ sở đã được xây dựng từ lâu, có quần chúng cách mạng vững vàng để công tác, bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Đảng được thuận lợi và chu đáo.

Chỉ trong 2 năm (1934 - 1935), dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Ngân, trên cương vị là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa I, Bí thư Xứ ủy, phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân lao động đã phát triển mạnh hơn thời kỳ trước, tiêu biểu là thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn.

Tháng 3-1937, sau Hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Ngân chuyển bệnh nặng, Trung ương Đảng quyết định để đồng chí nghỉ dưỡng bệnh lâu dài và chỉ định đồng chí Võ Văn Tần thay làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, bổ sung vào Trung ương Đảng.

Năm 1938, đồng chí Võ Văn Ngân được Xứ ủy chuyển từ Bình Lý về gia đình ở ấp Bình Tả, làng Đức Hòa chữa bệnh, nhưng do bệnh nặng, đồng chí đã từ trần vào ngày 29-10-1938, khi mới 36 tuổi. Phong trào cách mạng toàn Nam kỳ lúc bấy giờ nói riêng, cả nước nói chung mất đi một cán bộ lãnh đạo Đảng ưu tú.

Đến nay, gia đình, dòng họ của đồng chí Võ Văn Ngân có đến 35 liệt sĩ, 5 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhà thờ đồng chí Võ Văn Ngân được khánh thành ở ấp Bắc Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Những địa danh tên đường, tên trường ở tỉnh Long An, TP. Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác vinh dự mang tên đồng chí Võ Văn Ngân.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202210/ky-niem-120-nam-ngay-sinh-dong-chi-vo-van-ngan-1902-2022-nha-lanh-dao-tieu-bieu-cua-dang-va-cach-mang-viet-nam-961406/