Nhà lập pháp Đức ủng hộ đưa đường ống Nord Stream 2 vào hoạt động
Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Khí hậu và Năng lượng của Hạ viện Đức Klaus Ernst cho biết Berlin vẫn cần khí đốt của Nga và ủng hộ cấp phép cho đường ống dẫn khí Nord Stream 2.
“Xét theo tổng thể bản chất của sự việc, không quan trọng đường ống nào vận chuyển khí đốt đến Đức, dù là khí đốt từ Nga. Ở khía cạnh này, vấn đề của Nord Stream 2 có nhiều khả năng chỉ mang tính biểu tượng. Nếu không có triển vọng nào khác, bất kể lý do là gì, nguồn cung khí đốt của Đức cuối cùng chỉ có thể đến từ Nord Stream 2. Chúng ta nên vận hành đường ống dẫn khí này càng sớm càng tốt”, nhà lập pháp Klaus nhấn mạnh.
Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 đã hoàn thành từ cuối năm 2021, được thiết kế để vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic mà không qua Ukraine hay Ba Lan. Đường ống này dự kiến sẽ tăng gấp đôi sản lượng cung cấp khí đốt từ Nga sang Đức lên 110 tỷ m3 mỗi năm. Tuy nhiên, 2 ngày trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Berlin đã hoãn vô thời hạn cấp giấy phép cho dự án này.
Trong những tuần gần đây, Chính phủ Đức đã nhấn mạnh rằng theo luật, Nord Stream 2 không thể hoạt động nếu đường ống này chưa được cấp phép.
Hôm 27/7, hàng loạt thị trưởng Đức đã kêu gọi chính phủ cho phép nhập khẩu khí đốt Nga qua Nord Stream 2, trong bối cảnh đang có những khó khăn kỹ thuật hiện tại với Nord Stream 1. Bảy thị trưởng từ đảo Ruegen đã viết trong bức thư gửi chính phủ liên bang rằng chính sách của Berlin về việc tìm cách từ bỏ khí đốt Nga có thể sẽ gây khó khăn và châm ngòi cho tình trạng bất ổn.
Theo truyền thông Đức, các thị trưởng cho rằng bỏ nhập khẩu khí đốt Nga sẽ khiến giá sinh hoạt tăng cao, dẫn đến bất ổn xã hội và bất ổn có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.
Trong nhiều tuần qua, Chính phủ Đức đã kêu gọi tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh giá khí đốt, xăng dầu tăng cao do xung đột tại Ukraine. Các hãng truyền thông đưa tin người dân đã giảm thời gian tắm, nhiều thành phố tại Đức đã quyết định ngừng cung cấp nước nóng, giảm mức nhiệt sưởi ấm tối đa và tắt đèn tại những công trình công cộng, đóng góp một phần nỗ lực cắt giảm tiêu thụ năng lượng.
Đức đang phải chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng năng lượng khi Liên minh châu Âu tìm cách giảm phụ thuộc năng lượng Nga. Giá khí đốt đã tăng gần gấp 4 lần trong năm nay, chủ yếu do Nga giảm nguồn cung khí đốt.