Nhà mạng Đức trước yêu cầu loại bỏ thiết bị Trung Quốc khỏi 'lõi' 5G

Các nhà mạng lớn tại Đức như Deutsche Telekom, Telefonica và Vodafone đứng trước quá trình mang tính bước ngoặt, khi Berlin xem xét bắt buộc các doanh nghiệp viễn thông thay thế Huawei bằng các nhà cung cấp 5G khác.

Doanh nghiệp viễn thông Đức hiện đang phụ thuộc nhiều vào Huawei, ngay từ khi họ xây dựng mạng lưới 4G. Theo dữ liệu của công ty tư vấn Đan Mạch - Strand Consult, gã khổng lồ Trung Quốc cung cấp gần 60% thiết bị 5G sử dụng trong mạng truy cập vô tuyến (RAN).

Light Reading cho biết, các lo ngại trước đây của chính phủ Đức chủ yếu liên quan đến lõi 5G và tin rằng RAN có vai trò ít thiết yếu hơn trong hệ thống viễn thông. Song, quan điểm này hiện đã thay đổi khi Berlin không phân biệt rạch ròi giữa hai lĩnh vực. Nhà chức trách Đức đang muốn thiết bị của Huawei bị loại bỏ hoàn toàn khỏi mạng lõi 5G và hạn chế tối đa trên RAN.

Tình hình triển khai 5G tại Đức tính đến tháng 3/2023.

Tình hình triển khai 5G tại Đức tính đến tháng 3/2023.

Nếu quy tắc được thực thi, mọi hoạt động sử dụng công nghệ lõi 5G do Huawei hay ZTE cung cấp, sẽ bị cấm kể từ ngay 01/01/2026. Trong đó, các nhà mạng Deutsche Telekom, Telefonica và Vodafone có thời hạn đến tháng 10/2026 để đảm bảo không quá 25% thành phần của hệ thống RAN chạy trên dịch vụ Huawei hay ZTE.

Cũng theo đề xuất, nhà chức trách trước mắt sẽ tập trung loại bỏ sản phẩm Trung Quốc khỏi mạng lưới ở các thành phố lớn như Berlin, Brandenburg, Cologne và Bonn, song nội dung này đang tạo ra tranh cãi khi “chỉ có công dân và doanh nghiệp ở các thành phố lớn được ưu tiên sử dụng mạng an toàn, trong khi 79 triệu dân ở phần còn lại của nước Đức được coi là có mức độ rủi ro thấp hơn”.

Theo tài liệu chính phủ mà Light Reading tiếp cận, các công ty viễn thông Đức phải đảm bảo không quá 25% thành phần hệ thống có nguồn gốc Trung Quốc trong vòng ba năm. John Strand, CEO Strand Consult nói rằng, hạn chế này chỉ khả thi “nếu áp dụng cho phần mềm quản lý mạng”, nhưng cũng dẫn đến những “phức tạp” trong chính sách.

Quy tắc 25% có thể được diễn giải là 1/4 thành phần phần cứng của mạng RAN hoặc chỉ đơn thuần là thay đổi phần mềm quản lý, song việc sử dụng phần mềm của một công ty khác trên phần cứng Trung Quốc là điều gần như bất khả thi.

Nút thắt chính sách và thực tiễn

Gánh nặng của chính sách mới có thể sẽ đè nặng lên Deutsche Telekom, nhà mạng đang chạy đua triển khai 5G trên toàn bộ lãnh thổ nước Đức, với mức bao phủ đạt 95% vào đầu năm 2023.

Nhà mạng Deutsche Telekom đứng trước bài toán nan giải thay thế các thành phần Trung Quốc trong hệ thống.

Nhà mạng Deutsche Telekom đứng trước bài toán nan giải thay thế các thành phần Trung Quốc trong hệ thống.

Mạng 5G của công ty này gồm 24.000 địa điểm với khoảng 80.000 ăng-ten. Trong kỷ nguyên 4G, Huawei chiếm đến 2/3 RAN của Deutsche Telekom, thị phần còn lại thuộc về Ericsson. Nếu tỷ lệ này được giữ nguyên, do các nhà khai thác thường sử dụng cùng một nhà cung cấp trên cả hai tiêu chuẩn, thì Deutsche Telekom sẽ có khoảng 15.600 khu vực, với 52.000 ăng-ten do Huawei cung cấp.

Trong khi đó, Telefonica, một nhà mạng lớn khác, công bố số lượng ăng-ten 5G của họ vào đầu năm nay đạt 18.000. Dựa trên số liệu của Strand Consult, có khả năng 50% trong số này cung cấp bởi Huawei.

Đối với Vodafone, họ đã lắp đặt 36.000 ăng-ten 5G vào đầu năm nay, với khoảng 19.800 bộ do gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cung cấp. Điều này cho thấy, Huawei cung cấp hơn 80.000 ăng-ten cho các nhà mạng Đức, tính đến hết quý I/2023.

Tháng 6/2023, nghiên cứu của Barclays cho biết, chi phí để loại bỏ sản phẩm của Huawei (trước hết hạn sử dụng tự nhiên) ước tính khoảng 2,5 tỷ Euro (2,7 tỷ USD), trong đó riêng Deutsche Telekom sẽ phải chi 1,1 tỷ Euro (1,2 tỷ USD).

Một vấn đề khác với cả ba nhà mạng lớn tại Đức là tìm nhà cung cấp thay thế. Ericsson và Nokia đang là những lựa chọn đương nhiên, song nó cũng tạo ra một sự độc quyền của Bắc Âu khi không còn đối thủ từ Trung Quốc.

(Theo LightReading)

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cac-nha-mang-tai-duc-truoc-yeu-cau-loai-bo-thiet-bi-trung-quoc-khoi-mang-5g-2194814.html