Nhà mạng sẽ thu lợi hàng nghìn tỷ nếu giải quyết được vấn đề SIM rác
Việc giải quyết thành công vấn đề SIM rác sẽ mang đến lợi ích lâu dài, thúc đẩy doanh thu, giảm chi phí cho các nhà mạng. Thậm chí, doanh thu các nhà mạng sẽ tăng nhiều nghìn tỷ đồng.
Dừng bán SIM qua đại lý để dứt điểm SIM rác
Một trong những thay đổi lớn của thị trường viễn thông thời gian qua là việc dừng phát triển, kích hoạt SIM qua kênh đại lý. Theo đó, các nhà mạng đã nhất trí và báo cáo với Bộ TT&TT sẽ xem xét dừng kênh đại lý phát triển thuê bao ra thị trường.
Thay vì sử dụng kênh đại lý, các nhà mạng sẽ tập trung vào việc phát triển các kênh phân phối của doanh nghiệp mình và những kênh chuỗi có uy tín. Điều này nhằm giải quyết tình trạng đại lý thuê người đăng ký SIM với đầy đủ thông tin, có thể đối soát với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, sau đó bán lại cho người dùng khác.
Trước thực tế đó, các doanh nghiệp viễn thông sẽ cân nhắc những kênh nào đảm bảo giám sát, kiểm soát được mới phát triển thuê bao. Điều này nhằm hạn chế tối đa tình trạng SIM rác, SIM không chính chủ.
Theo khảo sát của VietNamNet, sau khoảng 1 tháng triển khai, một số đại lý SIM thẻ tại Hà Nội cho biết đã dừng bán SIM, một số khác chỉ bán SIM trắng, người dùng phải tự đến các điểm giao dịch của nhà mạng để tiến hành kích hoạt.
Cùng với đó, hiện tượng bán SIM rác, SIM kích hoạt sẵn trên địa bàn Hà Nội đã giảm hẳn. Hiện chỉ khoảng 47% các đại lý SIM thẻ cho biết vẫn có hàng khi được đề nghị hỏi mua SIM rác. Tuy vậy, việc dừng bán SIM qua đại lý cũng gây ra một số khó khăn nhất định cho các nhà mạng.
Nhà mạng được, mất gì khi dừng bán SIM qua đại lý?
Chia sẻ tại Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước Quý 3/2023 của Bộ TT&TT, theo Văn phòng Bộ, quy định về việc dừng bán SIM di động qua các điểm ủy quyền sẽ gây ra những tác động nhất định đến các nhà mạng.
Cụ thể, báo cáo của VNPT cho biết, việc dừng bán SIM qua đại lý, chỉ bán SIM tại các cửa hàng của nhà mạng và các chuỗi cửa hàng điện thoại uy tín sẽ làm tăng thêm công tác quản trị, chi phí của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông.
Theo Chủ tịch VNPT Tô Dũng Thái, liên quan đến câu chuyện quản lý SIM thẻ, kênh bán hàng, doanh nghiệp đã rất cố gắng trong việc làm đúng các quy định của Nhà nước, tuy nhiên chưa thể làm đúng và ngay 100%.
“Cách làm trên đã diễn ra trong hàng chục năm, nếu dừng ngay lập tức sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. VNPT đề nghị Bộ TT&TT giãn bớt thời gian để doanh nghiệp có lộ trình làm việc. VNPT hiểu rằng, về lâu dài việc không còn SIM rác sẽ tốt cho xã hội, cho doanh nghiệp”, ông Tô Dũng Thái nói.
Chia sẻ về vấn đề trên, nhà mạng MobiFone cho hay, kênh đại lý hiện chiếm 90% trong tỷ trọng phát triển thuê bao của doanh nghiệp. Do vậy, việc dừng bán SIM qua kênh đại lý sẽ khiến MobiFone gặp ảnh hưởng lớn đến việc cân đối tài chính và nguồn lực đầu tư.
Theo Công ty Digilife thuộc VNPAY, đơn vị mới nhất vừa được cấp phép thiết lập mạng di động ảo (MVNO) trên phạm vi toàn quốc, việc ngừng kinh doanh SIM thẻ qua kênh đại lý có thể gây tác động lớn đến nhà mạng. Trong đó, các nhà mạng ảo sẽ thiệt thòi hơn khi những doanh nghiệp này chưa có mạng lưới cửa hàng, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông rộng khắp như của các nhà mạng đi trước.
Đưa ra ý kiến chỉ đạo về vấn đề xử lý SIM rác, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần có chính sách giống nhau, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, không phân biệt nhà mạng to, nhỏ, có hạ tầng hay không có hạ tầng.
Việc ngừng bán qua kênh đại lý chỉ là phương tiện để thực hiện. Mục tiêu cuối cùng là không có SIM rác gây ảnh hưởng đến vấn đề an ninh của người dân. Người dân, doanh nghiệp, Nhà nước phải cùng được hưởng lợi.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, xử lý tốt vấn đề SIM rác chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, giảm chi phí. Doanh thu các nhà mạng sẽ tăng nhiều nghìn tỷ đồng nếu giải quyết thành công vấn đề SIM rác.