Nhà máy chế biến - giải pháp tiêu thụ nông sản

Những năm gần đây, Sơn La được biết đến là tỉnh có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp. Một trong những thành tựu quan trọng đó là chủ trương chuyển đổi cơ cấu, đưa các loại cây trồng có giá trị cao vào sản xuất. Song hành với quá trình chuyển đổi này là việc xúc tiến thương mại, xây dựng mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa người dân, HTX và doanh nghiệp, đặc biệt là việc xây dựng các nhà máy chế biến, giúp giải tỏa mối lo ngại của người nông dân về tiêu thụ nông sản làm ra.

Toàn cảnh Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ.

Toàn cảnh Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ.

Ảnh: Mạnh Hùng

Với định hướng phát triển nông nghiệp một cách bền vững dựa trên tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tỉnh có chủ trương chuyển đổi các loại cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên đất dốc. Chỉ chưa đầy 5 năm, diện tích cây ăn quả của tỉnh (bao gồm cả cây sơn tra) đã lên tới 80.500 ha, tăng gấp 3 lần so với năm 2015. Nhiều sản phẩm nông sản của Sơn La đã và đang chinh phục thị trường trong nước và vươn ra quốc tế. Tuy nhiên, mặc dù giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước, song về tỷ trọng xuất khẩu vẫn còn thấp so với sản lượng nông sản hiện có. Mặt khác, nông dân vẫn chủ yếu bán sản phẩm thông qua thương lái tự do, việc tiêu thụ nông sản theo hình thức này tiềm ẩn rủi ro cho người sản xuất. Câu chuyện tranh mua, tranh bán, tư thương ép giá hay được mùa mất giá vẫn xảy ra. Nhận định được tình hình, tỉnh ta đã tăng cường mời gọi đầu tư vào ngành bảo quản, chế biến nông sản.

Vùng nguyên liệu cây ăn quả tại huyện Mai Sơn.

Vùng nguyên liệu cây ăn quả tại huyện Mai Sơn.

Sắn là loại cây trồng quen thuộc với bà con các dân tộc Sơn La. Trước đây, sản phẩm sắn củ tươi được người dân tự sơ chế và cung cấp chủ yếu cho các xưởng sấy với giá thu mua bấp bênh. Hưởng ứng chủ trương thu hút doanh nghiệp đầu tư công nghiệp chế biến của tỉnh, cuối năm 2017, Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La đã hoàn thành việc xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại khu công nghiệp Mai Sơn. Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, đến nay, công suất chế biến của Nhà máy đạt 300 tấn sản phẩm/ngày, đêm. Từ khi Nhà máy hoạt động, giá củ sắn tươi tăng bình quân 30%, hiện nay trung bình giá thu mua là 1,9 triệu đồng/tấn sắn củ tươi. Với mức giá này đã giúp người trồng sắn gia tăng lợi ích và thu nhập. Cùng với đó, đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 200 lao động tại chỗ và tiêu thụ khoảng 1 nghìn tấn sắn củ tươi/ngày.

Là một trong những nhà máy vừa khởi công xây dựng, Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Sơn La được kỳ vọng là tiền đề cho việc hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh, giải quyết đầu ra sản phẩm nông sản cho hàng ngàn hộ nông dân. Ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết: Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12/2021, khi đi vào hoạt động hàng năm, Nhà máy sẽ thu mua và chế biến 500 nghìn tấn chanh leo, xoài, dứa, chuối, bơ, ngô ngọt, rau chân vịt, đậu tương và nhiều loại rau quả khác, góp phần tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp và lao động tại Nhà máy.

Với việc thực hiện hiệu quả các giải pháp thu hút đầu tư phát triển chế biến nông sản, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 47 cơ sở, xưởng, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, sản lượng trên 150.000 tấn sản phẩm/năm, bước đầu xây dựng được những chuỗi liên kết hàng hóa trong nông nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt trong 5 năm qua, cùng với các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, đã có 8 dự án nhà máy chế biến công suất lớn được khởi công và đi vào hoạt động, như: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods (Mộc Châu); Nhà máy Bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn IC Food Hàn Quốc (Vân Hồ); nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH... Từ việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch ngành trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa. Đã hình thành nhiều vùng nguyên liệu tập trung gắn với các nhà máy chế biến nông sản, như: Vùng nguyên liệu rau khoảng 11.000 ha, tập trung tại các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn; vùng nguyên liệu mía đường khoảng 8.500 ha, tập trung chủ yếu tại Mai Sơn và Yên Châu; vùng nguyên liệu sắn khoảng 37.000 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Thuận Châu, Sông Mã, Mai Sơn, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Bắc Yên; vùng nguyên liệu chè khoảng 5.600 ha, ở huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu; vùng nguyên liệu cà phê khoảng 17.800 ha, ở Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố; vùng nguyên liệu cây ăn quả và cây sơn tra trên 80.500 ha... Hình thành 147 chuỗi cung ứng nông sản về lĩnh vực trồng trọt với diện tích trên 2.300 ha, sản lượng trên 27.500 tấn.

Đánh giá về sự vào cuộc của địa phương trong phát triển công nghiệp chế biến, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Sơn La đã hợp tác rất tốt với các nhà khoa học và các doanh nghiệp để mời gọi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến. Đồng thời, liên kết tạo ra vùng nguyên liệu rất rộng lớn. Toàn tỉnh đã đổi mới mạnh mẽ cách thức tổ chức sản xuất, phát huy vai trò của các HTX, góp phần kết nối giữa các hộ trồng cây ăn quả với các doanh nghiệp, đối tác tiêu thụ, tạo ra vùng sản xuất tập trung, có điều kiện áp dụng công nghệ và quy trình sản xuất an toàn.

Với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp sạch, sản phẩm đảm bảo chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường, việc tỉnh ta đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến nông sản sẽ giúp cho nông nghiệp trên địa bàn phát triển theo hướng gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nha-may-che-bien--giai-phap-tieu-thu-nong-san-34418