Nhà máy cồn Đại Tân trước nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường trầm trọng
Việc người dân tiếp tục 'bao vây', ngăn cản công nhân Nhà máy cồn Đại Tân vào xử lý dứt điểm sự cố môi trường, bảo dưỡng máy móc thiết bị, bảo vệ an toàn phòng cháy chữa cháy,… sẽ gây ra những thiệt hại không lường.
Ngày 22-9, nhiều người dân thôn Nam Phước, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam tiếp tục “bao vây”, ngăn cản công nhân Nhà máy cồn Đại Tân vào xử lý môi trường sau sự cố rò rỉ dầu fusel xảy ra vào khuya 18-9 (Báo CAND Online đã phản ánh).
Trước sự ngăn cản của người dân, hàng chục công nhân chỉ biết đứng ngoài cổng Nhà máy cồn Đại Tân mà không thể vào bên trong. Mặc dù lãnh đạo nhà máy đã nhiều lần đến giải thích, thuyết phục, song người dân vẫn không đồng ý để công nhân vào xử lý môi trường, bảo vệ an toàn phòng cháy chữa cháy trong nhà máy.
Nhằm đảm bảo an toàn cho nhà máy trước nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường trầm trọng, chủ đầu tư Nhà máy cồn Đại Tân đã gửi báo cáo “khẩn” đến UBND tỉnh, Công an tỉnh Quảng Nam và UBND huyện, Công an huyện Đại Lộc.
Báo cáo cho biết từ sáng 19-9, người dân đã bắt đầu “bao vây” khu vực nhà máy, dựng lều trại, bố trí người ngăn chặn các xe chở nguyên liệu, máy móc thiết bị, sản phẩm giao cho khách hàng ra vào của nhà máy. Việc này khiến cho nhà máy phải dừng hoạt động sản xuất.
Khuya 20-9, người dân tiếp tục yêu cầu đóng cả hệ thống nước làm mát thiết bị, làm mát dịch lên men của nhà máy. Việc người dân ngăn cản không cho giải phóng các xe nhập hàng đang nằm dọc đường, ngoài việc ảnh hưởng đến kinh tế còn ảnh hưởng đến vấn đề an ninh trật tự, an toàn cho người dân khu vực.
Bên cạnh đó, việc không cho người lao động vào làm việc để xử lý dứt điểm sự cố rò rỉ dầu fusel, duy trì xử lý môi trường, bảo dưỡng máy móc thiết bị, bảo vệ an toàn phòng cháy chữa cháy,… được cảnh báo sẽ gây ra những thiệt hại không lường trước được.
Theo Nhà máy cồn Đại Tân, hiện tại lượng dịch lên men còn tồn khoảng 9.000m3, nếu không chưng cất kịp thời trong khoảng 2 ngày nữa, thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn (khoảng 1.000m3 cồn, 600 tấn CO2, 300 tấn bã sấy sẽ không thu hồi được, tương đương khoảng 20 tỷ đồng).
Nghiêm trọng hơn, nếu lượng dịch lên men này bị hư hỏng còn có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm về môi trường cũng như an toàn cháy nổ.
Thêm nữa, việc người dân không cho Nhà máy cồn Đại Tân xuất hàng không những gây thiệt hại kinh tế cho nhà máy mà còn ảnh hưởng tới chương trình cung cấp xăng E5 của Chính phủ vì đơn vị chủ đầu tư Nhà máy cồn Đại Tân hiện đang là đơn vị cung cấp chính cho sản phẩm này.
Trao đổi với phóng viên CAND về “khủng hoảng” tại Nhà máy cồn Đại Tân hiện nay, một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho biết trước mắt đã yêu cầu công ty làm văn bản gửi tỉnh, huyện, xã và nhân dân đề nghị cho khắc phục sự cố và tiếp tục hoạt động.
Công ty phải cam kết không để xảy ra tình trạng này lần thứ 2. Nếu xảy ra sẽ tự nguyện dừng hoạt động vô thời hạn. Về lâu dài, công ty phải làm việc với xã Đại Tân, huyện Đại Lộc để báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam về phương án di dời dân.