Nhà máy đèn Bờ Hồ: Vươn mình qua 3 thế kỷ
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Nhà máy Đèn Bờ Hồ vẫn vẹn nguyên sứ mệnh đưa ánh điện bừng sáng muôn nơi.
Vươn mình qua 3 thế kỷ, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Nhà máy Đèn Bờ Hồ (nay là Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội) vẫn vẹn nguyên sứ mệnh đưa ánh điện bừng sáng muôn nơi.
Người Hà Nội lần đầu thấy ánh sáng văn minh
Ít ai biết rằng, những năm cuối của thế kỷ 19, Hải Phòng, Hà Nội của xứ Bắc Kỳ lại là một trong những nơi có điện chiếu sáng sớm nhất của Việt Nam, Đông Dương. Thậm chí, trong cuốn hồi ký “Xứ Đông Dương” của Toàn quyền Đông Dương Paul Domuer giai đoạn 1897 - 1902 còn từng đưa khẳng định: “Hải Phòng, Hà Nội là những thành phố đầu tiên có điện của châu Á”. Trước đó, cả xứ sở An Nam đều “chìm” trong bóng tối của nô lệ và lầm than do thực dân đế quốc. Thứ ánh sáng heo hắt, duy nhất mà con người có thể thấy chỉ có thể phát ra từ những chiếc đèn sử dụng dầu ép từ lạc và vừng.
Ngược dòng thời gian, quay trở về những năm cuối thế kỷ 19, sau khi chiếm được Hà Nội, sau năm 1884, để tiếp tục “che mắt” dư luận với chiêu trò “khai sáng văn minh” nhưng thực chất là phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa, Công sứ Pháp là Bonal đã đề xuất chủ trương làm đường xung quanh Hồ Gươm biến thành khu trung tâm, quy hoạch lại khu vực “36 phố phường”, xây dựng khu phố mới phía đông và nam Hồ Gươm theo kiểu đô thị phương Tây. Để Hà Nội là thành phố văn minh, nơi đặt bộ máy quản lý hành chính, ông ta đã tính đến xây một nhà máy điện.
Hiện thực chủ trương đó, ngày 5/12/1892, Công sứ Bắc Kỳ là Chavassieux đã ký văn bản thỏa thuận, quyết định dành một khoản ngân sách 10.000 đồng Đông Dương trong 4 năm chi cho việc chiếu sáng thành phố bằng điện. Ngày 6/12/1892, Đốc lý Hà Nội đã ký kết hợp đồng thầu xây dựng nhà máy với Công ty Côngtinăngtan Êđidông.
Hơn một năm sau, tháng 7/1894, Hội đồng Thành phố thông qua hợp đồng và thời điểm khởi công xây dựng xưởng phát điện Hà Nội (còn gọi là Nhà máy Đèn Bờ Hồ) tại phố Francis Garnier (nay là phố Đinh Tiên Hoàng). Địa điểm xây dựng Nhà máy Đèn được khởi công xây dựng trên khu đất trước đó là Khách sạn Lữ gia (Hotel De La Brigade).
Xác lập “tế bào gốc” của ngành điện
Đến ngày 5/1/1895, nhà máy chính thức đi vào vận hành phục vụ chiếu sáng. Đến năm 1897, dân số Hà Nội chỉ có 30.000 người, song do công suất ban đầu của Nhà máy Đèn Bờ Hồ là 300 mã lực nên điện chủ yếu cung cấp cho tòa đốc lý, ngân hàng, bưu điện, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, nhà riêng các quan chức, trong đó có nhà của viên Phó Toàn quyền Đông Dương (nay là trụ sở Báo Nhân Dân) và để thắp đèn đường. Vì thấy điện để thắp đèn nên dân chúng gọi nôm na là Nhà máy Đèn. Trong phụ lục báo cáo “Tình hình Đông Dương 1897-1901” của Toàn quyền Paul Doumer (P. Doumer, Situation de Lindochine 1897-1901), tính đến ngày 1/1/1897, Hà Nội có 55 đèn đường hồ quang và 584 đèn dầu hỏa ở một phần khu phố cổ và ngoại thành; 523 bóng đèn đường thắp bằng điện với cường độ 8 ampe. Paul Doumer tự hào viết rằng: “Đèn điện trong hệ thống chiếu sáng của nhiều thành phố lớn ở nước Pháp sẽ phải ghen ty với thủ phủ của Bắc Kỳ”.
Đến năm 1092, Nhà máy Đèn Bờ Hồ có 2 tổ máy phát điện 1 chiều, với công suất 500kW, chỉ thắp được 523 ngọn đèn điện cho khu phố của người Pháp và phục vụ nhu cầu sử dụng năng lượng điện khác trong gia đình họ. Còn ở khu phố người Việt Nam, phải thắp 584 ngọn đèn dầu hỏa cho các đường phố.
Đến năm 1912, tư bản Pháp mua thêm máy phát điện mới và nâng công suất nhà máy lên 800kW. Các đường phố thay bằng những tia sáng heo hắt từ đèn dầu thì nay thay bằng ánh điện lung linh. Tuy nhiên, dù thực dân Pháp mang thứ “ánh sáng văn minh” đến với Việt Nam, song người dân nước Việt vẫn phải sử dụng đèn dầu làm phương tiện chiếu sáng trong nhà.
Phải đến những năm sau đó, nhà máy có thêm 2 tổ máy phát điện, nâng công suất lên 850 mã lực nên đã đáp ứng nhu cầu dân sinh. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ XX, điện chủ yếu vẫn phục vụ công sở, khách sạn, Nhà hát Lớn và 2665 người Pháp dân sự sống ở phía đông và phía tây Hồ Gươm. Sau khi nhà máy nâng công suất lần thứ ba, mới đủ cung cấp cho người Việt Nam lúc này là 120.000 người.
Trước nhu cầu về điện ngày một tăng tại Hà Nội, năm 1925, chính quyền Pháp khởi công xây dựng Xưởng phát điện Yên Phụ (sau này là Nhà máy Điện Yên Phụ). Nhà máy Đèn Bờ Hồ chuyển dần thành cơ quan quản lý của Công ty Điện khí Đông Dương. Sau ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Nhà máy Đèn Bờ Hồ được tiếp quản và trở thành “cái nôi” của ngành điện Việt Nam và được đổi tên thành Nhà máy Điện Hà Nội.
Khắc ghi lời Bác dạy
Sự ra đời, mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh điện đã làm “hầu bao” của tư bản Pháp ngày càng thêm… nặng. Song đối lập với đó, đời sống của những công nhân Nhà máy Đèn Bờ Hồ lại vô cùng cực khổ, sống trong kiếp lầm than, nô lệ, đời sống gặp muôn vàn khó khăn, bị bóc lột, chà đạp với đồng lương rẻ mạt.
Đứng trước những áp bức bóc lột, công nhân ngành điện đã sớm tham gia các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, ủng hộ Mặt trận Việt Minh và khởi nghĩa giành chính quyền trong Cánh mạng Tháng 8/1945, tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ vững dòng điện cho đến ngày Thủ đô giải phóng 10/10/1954.
Chắc hẳn thế hệ công nhân Nhà máy Đèn Bờ Hồ vẫn không thể nào quên ngày 10/10/1954, khi đoàn quân giải phóng tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Hòa chung không khí hào hùng, sục sôi ý chí cách mạng của cả nước, công nhân Nhà máy Đèn Bờ Hồ cũng thể hiện niềm vui sướng, hân hoan với những khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm”, hình ảnh Bác Hồ, lá cờ Tổ quốc được trang trí trang trọng bằng những bóng đèn điện thắp sáng. Chính những ánh đèn thắp sáng lung linh tại Nhà máy Đèn Bờ Hồ trong ngày Giải phóng Thủ đô như một lời khẳng định ý chí sắt son, kiên cường, tin vào “ánh sáng của hy vọng”, của người dân đất Việt không hề chịu khuất phục, quyết đuổi cho được bè lũ cướp nước để khẳng định chủ quyền của non sông đất nước.
Sau hơn 2 tháng tiếp quản Thủ đô, ngày 21/12/1954, Bác Hồ đã đến thăm Nhà máy Điện Yên Phụ và Nhà máy Đèn Bờ Hồ. Bác căn dặn: “Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải gìn giữ nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa… Hiện nay, miền Nam chưa được giải phóng, đế quốc Mỹ còn lăm le phá hoại hòa bình, chúng ta phải chống đế quốc Mỹ một cách thiết thực bằng thi đua tăng năng suất. Tiết kiệm được một cân than, tăng được một kilôoát điện là góp thêm một phần lực lượng đánh vào đế quốc Mỹ”. Bác còn căn dặn cán bộ, công nhân viên nhà máy điện phải đoàn kết, thi đua, tiết kiệm. Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải đoàn kết, thi đua nhằm tăng năng suất, tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu…
Gần 70 năm kể từ ngày Bác đến thăm, trải qua 130 năm, nhà máy điện trước kia và Tổng công ty Điện lực Hà Nội hôm nay, lời Bác dạy vẫn được lớp lớp cán bộ Điện lực Hà Nội khắc ghi. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với bao khó khăn, thăng trầm, với tinh thần “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, cán bộ, nhân viên Nhà máy Đèn Bờ Hồ đã đoàn kết, dũng cảm, sáng tạo trong lao động sản xuất và chiến đấu, cố gắng nỗ lực từng ngày để “ánh điện không bao giờ tắt” phục vụ ngày càng lớn mạnh cho phát triển cùng đất nước.
Một mùa xuân mới lại sang, với quyết tâm xây dựng một Việt Nam hùng cường có nền kinh tế độc lập, tự chủ và ý chí nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ, công nhân ngành điện, hy vọng rằng, “những ánh đèn” sẽ sáng mãi qua những ô cửa, để bầu trời Việt Nam luôn “rực sáng” với những thành tựu, cột mốc chói sáng.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nha-may-den-bo-ho-vuon-minh-qua-3-the-ky-239597.html