Nhà máy gỗ dăm không phép lại thách thức tỉnh Nghệ An
Sau một thời gian khá yên lắng, gần đây một loạt các nhà máy sản xuất gỗ dăm không phép lại tiếp tục 'trỗi dậy' như nấm sau mưa tại nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An.
Tàn phá đất rừng
Thông tin đến Đường dây nóng Báo Gia đình & Xã hội, bạn đọc tại tỉnh Nghệ An cho biết thời gian gần đây một loạt cơ sở sản xuất gỗ dăm không phép, trái phép tiếp tục bung nở tại một số địa bàn miền núi tỉnh Nghệ An. Tình trạng này đã không được chính quyền kiểm soát, kiên quyết xử lý.
Tại thị trấn Tân Kỳ (huyện Tân Kỳ, Nghệ An), trong khu vực xẻ đá của Cty TNHH Kiều Phương mọc lên một dây chuyền băm dăm với công suất lớn. Hàng ngày, gỗ keo được tập kết bên trong nhà máy xẻ đá Kiều Phương, sau đó được xay thành dăm và chuyển đi.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, ngay tại khuôn viên mỏ đá, nguyên liệu gỗ để băm dăm đã được công nhân chất thành đống, dây chuyền chạy rầm rập suốt ngày.
Còn tại xã Nghĩa Long huyện Nghĩa Đàn, một cơ sở sản xuất gỗ dăm cũng đang manh nha hoạt động lại. Trên cả nghìn m2 đất trống, những cây keo đã được bóc vỏ và tập kết về đây.
Nhà máy này đã bị đóng cửa một lần, mới đây, một ông chủ doanh nghiệp ở thị xã Thái Hòa đã bỏ tiền đầu tư, tái khởi động nhà máy.
Trước đây, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu dừng hoạt động sản xuất dăm gỗ của công ty TNHH Thái Lộc tại phường Hòa Hiếu, Công ty TNHH lâm sản 12/9 tại xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa. Tưởng chừng vấn nạn gỗ dăm tại đây đã được loại bỏ thì mới đây, tại Công ty cổ phần Việt Á Nghĩa Đàn hoạt động băm dăm diễn ra cả ngày lẫn đêm gây bức xúc dư luận.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay hàng ngày người dân thôn Đông Phú, xã Đông Hiếu - Thị xã Thái Hòa bị tra tấn bởi những tiếng gầm thét từ những dây chuyền băm dăm của Cty cổ phần Việt Á Nghĩa Đàn. Những chuyến xe tải chở gỗ keo và dăm gỗ ra vào nườm nượp, ồn ào gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống những hộ dân xung quanh.
Cty cổ phần Việt Á Nghĩa Đàn do bà Phạm Thị Loan (địa chỉ Nhà G26 Làng quốc tế Thăng Long phường Dịch Vọng - Quận Cầu Giấy- Hà Nội) làm chủ sở hữu. Cty này được sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cấp giấy phép kinh doanh với các ngành nghề: Sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ, Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, Bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng, Vận tải đường bộ khác.
Không riêng gì Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ… mà ở Nghệ An, gần như địa bàn nào có nguyên liệu cho sản xuất gỗ dăm thì ở đó có nhà máy trái phép được xây dựng. Theo đó, tại xã Đồng Hợp (huyện Quỳ Hợp) có hai nhà máy gỗ dăm của Cty TNHH chế biến lâm sản Hoàng Huy tại xã Yên Hợp và Công ty TNHH sản xuất, chế biến và thương mại Thắng Lợi cũng bắt đầu hoạt động lại.
Theo người dân tại xã Đồng Hợp, một tháng trở lại đây, xưởng gỗ dăm Thắng Lợi bắt đầu hoạt động lại. Ban ngày, công ty này luôn đóng cửa nhưng khi đêm xuống thì hoạt động băm dăm bắt đầu. Tiếng động cơ, máy móc gào rú, dăm gỗ được đổ thẳng lên xe tải chở đi. Xưởng Thắng Lợi chỉ hoạt động về ban đêm để tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. sạch, đến một mảnh dăm cũng không còn.
Nghệ An có quyết liệt triệt phá cơ sở băm dăm trái pháp luật?
UBND tỉnh Nghệ An trước đó đã nhận định rõ vấn đề tình trạng băm dăm không phép, trái phép gây nhức nhối trên địa bàn, phá vỡ vùng quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, Nhà nước thất thu thuế. Chính vì vậy UBND tỉnh này đã có chỉ đạo nhằm xử lý kiên quyết tình trạng này. Nhưng thực tế của phóng viên cho thấy những chỉ đạo này mới chỉ nằm trên… giấy, thiếu sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở, sự quản lý sát sao đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trái pháp luật này.
Mặc dù, tại quyết định số 2008/UBND-CNTM, UBND tỉnh Nghệ An giao Công an tỉnh này chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Chi cục Quản lý thị trường quản lý hoạt động vận chuyển sản phẩm dăm gỗ trên các tuyến đường: đường Hồ Chí Minh, QL48, QL1A, QL46…; kịp thời xử lý vi phạm các trường hợp vận chuyển sản phẩm dăm gỗ không có hóa đơn, chứng từ theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng thực tế hoạt động băm dăm, vận chuyển dăm trái phép vẫn diễn ra. Vì lợi nhuận, dễ dàng vận chuyển nên nhiều ông chủ vẫn lao vào đầu tư, kinh doanh băm dăm trái phép.
Đơn cử như hoạt động ngang nhiên của Cty TNHH chế biến lâm sản Hoàng Huy tại xã Yên Hợp huyện Quỳ Hợp. Tháng 4/2016, doanh nghiệp Hoàng Huy nằm im vì sự ra quân quyết liệt của lực lượng chức năng. Nhưng 3 tháng gần đây, doanh nghiệp này bất ngờ hoạt động lại một cách mạnh mẽ, ngang nhiên. Xe chở keo ra vào liên tục, máy xay dăm hoạt động hết công suất cả ngày và đêm.
Để tiếp cận nhà máy xay dăm của doanh nghiệp Hoàng Huy không phải là chuyện đơn giản. Lối vào nhà máy là một con đường độc đạo và luôn được tuần tra bởi những thanh niên bặm trợn, cởi trần.
Phải rất khó khăn PV mới có thể tiếp cận vào gần khu vực nhà máy này. Giữa những rừng keo là một xưởng gỗ dăm rộng hàng nghìn m2. Những nhà xưởng được lợp bằng bằng tôn xanh, một dây chuyền băm dăm được dựng tại đây liên tục hoạt động, những xe chở gỗ keo đã được bóc sẵn liên tục ra vào.
UBND, các cơ quan chức năng có dẹp được tình trạng băm dăm trái phép này hay không? Đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm và dành sự trả lời cho UBND tỉnh Nghệ An.