Mới đây, các nhà nghiên cứu theo dõi nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine (thuộc Liên Xô cũ) phát hiện sự tăng vọt về số lượng neutron trong một căn phòng dưới lòng đất có tên 305/2.
Bên trong căn phòng có chứa hỗn hợp phóng xạ của uranium, zirconium, graphite và cát chảy vào tầng hầm của nhà máy như dung nham trước khi đông cứng lại thành vật liệu chứa nhiên liệu (FCM).
Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy những FCM đang trải qua các phản ứng phân hạch mới. Điều này có thể dẫn tới một vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.
Theo các chuyên gia, ngay cả khi vụ nổ được kiểm soát thì công việc loại bỏ các FCM ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trước.
Sự việc này khiến nhiều người nhớ lại thảm kịch xảy ra tại nhà máy Chernobyl năm xưa. Vào ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl phát nổ và bốc cháy kinh hoàng.
Thảm kịch kinh hoàng này làm rung chuyển các tòa nhà cũng như rò rỉ phóng xạ vào không khí. Bức xạ lan rộng khắp Đông Âu. Để đảm bảo an toàn, hàng ngàn người dân ở Pripyat được sơ tán đến nơi an toàn.
Giới chức trách cũng thiết lập một vùng bất khả xâm phạm rộng 2.600 km2 và triển khai công tác dọn dẹp, khắc phục sự cố.
Sau khi xảy ra thảm kịch, các chuyên gia tính toán, phải đến năm 2064, tất cả 4 lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl mới được tháo dỡ hoàn toàn.
Sau nhiều năm khắc phục sự cố khiến mức độ phóng xạ nằm trong ngưỡng an toàn, giới chức trách khuyến khích du lịch tới Pripyat. Đặc biệt là sau chương trình truyền hình quảng bá năm 2019, số lượng khách du lịch đến nơi này tăng lên đáng kể.
Dù khách du lịch có thể đến thăm Pripyat và tuân thủ những quy định nghiêm ngặt nhưng giới chức trách vẫn cấm con người sinh sống tại "vùng đất chết" này.
Mời độc giả xem video: Iran tuyên bố sẽ trả đũa vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân. Nguồn: VTV24.
Tâm Anh (TH)