Nhà máy lọc dầu 'kêu cứu'

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước sụt giảm, nhiều nhà máy tồn kho hàng triệu thùng nhưng các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu

Ngày 13-8, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị giải quyết khó khăn, kiến nghị của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Nguy cơ dừng nhà máy

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, từ tháng 5 và 6 năm nay, tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã chững lại và đi xuống khi nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa liên tục giảm sút.

"Chính phủ và các địa phương đã thực hiện biện pháp mạnh để kiểm soát dịch, đặc biệt là áp dụng Chỉ thị 16 tại các tỉnh phía Nam và thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng từ đầu tháng 7 tới giữa tháng 8. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu nội địa trong thời gian qua giảm mạnh, dự kiến tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuối năm nay" - văn bản nêu.

Theo báo cáo của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, với sản lượng tiêu thụ giảm mạnh và thiếu sức chứa do nhu cầu giảm đột ngột nên các thương nhân đầu mối đã giảm/dừng nhận hàng tại nhà máy với khối lượng rất lớn, riêng tháng 7-2021 là khoảng 230.000 m3. Việc giãn lịch nhận hàng đã làm tồn kho của nhà máy tăng nhanh vào giai đoạn cuối tháng 7 và đầu tháng 8. Công ty dự kiến lượng hàng nhận của nhà máy trong tháng 8 chỉ khoảng 50%-60% sản lượng của hợp đồng, nhiều thương nhân đầu mối không có kế hoạch nhận hàng. Do vậy, kho nhà máy đang tồn hơn 200.000 m3 sản phẩm xăng dầu các loại (tương đương 1,2 triệu thùng) và gần 400.000 m3 dầu thô (tương đương 2,4 triệu thùng).

Nhập dầu thô tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) Ảnh: TỬ TRỰC

Nhập dầu thô tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) Ảnh: TỬ TRỰC

"Hiện công ty đã triển khai nhiều giải pháp như giảm công suất nhà máy còn 90% (mức công suất kỹ thuật tối thiểu) từ ngày 3-8 (trước đó đã giảm 98% công suất). Đồng thời, gửi kho 25.000 m3 xăng RON95 và có kế hoạch gửi thêm khoảng 100.000-120.000 m3 ngay trong tháng 8 để bảo đảm duy trì vận hành nhà máy" - ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, cho biết.

Hiện công ty phải đối mặt với rủi ro không còn sức tồn chứa, kể cả việc đưa hàng đi gửi kho do hệ thống kho trên thị trường hầu như đã đầy, dẫn đến nguy cơ phải dừng nhà máy. Điều này cũng diễn ra tương tự tại Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, dù nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19 nhưng lượng nhập khẩu vẫn ở mức cao, gây khó khăn trong việc tiêu thụ của nhà máy xăng dầu trong nước. Trong các tháng tới, nếu các đầu mối tiếp tục nhập khẩu thì sẽ gây áp lực thừa cung lớn và gây tồn ứ xăng dầu trên diện rộng.

"Với thực tế tình hình cấp bách như trên, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho chủ trương ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước để bảo đảm cân đối cung cầu thị trường; giảm thiểu nguồn nhập khẩu xăng dầu nhằm hỗ trợ ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của các nhà máy lọc dầu trong nước" - ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, kiến nghị.

Theo các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực xăng dầu, tiêu thụ xăng dầu tại thị trường nội địa giảm sâu khiến tồn kho xăng dầu tăng cao tại cả kho của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay tình hình kinh doanh các sản phẩm xăng dầu của DN giảm sút nghiêm trọng. Sản lượng tiêu thụ mặt hàng xăng E5 RON92 và dầu DO 0,05% bằng khoảng 50% so với bình quân cùng thời điểm tháng 6-2021, mặt hàng xăng RON95 bằng khoảng 30% so với bình quân cùng thời điểm tháng 6-2021 và tiếp tục giảm nếu các địa phương kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tình hình này buộc Petrolimex phải hạn chế tiếp nhận xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu, dừng nhập các mặt hàng mà 2 nhà máy lọc dầu trong nước sản xuất do tồn kho tăng cao.

Không thể dừng nhập khẩu?

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, khẳng định Vụ Thị trường trong nước đã đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu về việc bảo đảm cân đối cung cầu xăng dầu trong nước căn cứ vào nhu cầu sản xuất - kinh doanh thực tế tại đơn vị để điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu xăng dầu phù hợp, ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc hóa dầu trong nước. Vụ Thị trường trong nước sẽ tiếp tục làm việc cụ thể với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của 2 nhà máy lọc dầu.

Về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Bảo, quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng các DN đã ký đơn hàng nhập nhẩu từ trước nên việc yêu cầu dừng nhập khẩu là không thể. Đây là khó khăn chung mang tính thời điểm do tác động của dịch Covid-19. Việc ưu tiên sử dụng xăng dầu trong nước như đề xuất của hiệp hội, các DN xăng dầu là khi nhu cầu xuống thấp trong thời điểm giãn cách, còn trong điều kiện bình thường, xăng dầu của các nhà máy lọc dầu trong nước vẫn tiêu thụ tốt.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính, nhận định do ảnh hưởng dịch bệnh, giãn cách xã hội khiến tiêu thụ xăng dầu sụt giảm, lượng tồn kho tăng nên đã có đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc giảm nhập khẩu, ưu tiên tiêu thụ trong nước. Những khó khăn đó đã thấy rõ nhưng đề xuất giảm nhập khẩu là chưa phù hợp bởi các DN đầu mối là đơn vị kinh doanh, họ đã có đơn hàng, lựa chọn những nhà cung cấp có giá thành cạnh tranh để nhập hàng. Hơn nữa, việc yêu cầu hạn chế nhập khẩu để tăng sử dụng hàng trong nước cần phải xem xét đến các cam kết quốc tế, tránh vi phạm.

Giá dầu liên tiếp lao dốc

Giá dầu hôm 13-8 tiếp tục sụt giảm sau khi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo nhu cầu về dầu thô và các sản phẩm dầu chậm lại do các ca mắc biến thể Delta tăng mạnh trên toàn cầu buộc các nước áp đặt hạn chế đi lại.

Giá dầu thô Brent giảm 58 cent, tương đương 0,8%, còn 70,73 USD/thùng trong phiên hôm 13-8, sau khi đã giảm 13 cent trong phiên trước đó. Dầu thô Mỹ giảm 65 cent, tương đương 0,9%, xuống mức 68,44 USD/thùng, sau khi giảm 0,2% phiên hôm 12-8. Theo đài CNBC, ông Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của Công ty OANDA (Canada), nhận định dự báo mới nhất của IEA làm lung lay tinh thần của giới đầu tư và kiềm chế đà tăng giá dầu.

IEA cho biết nhu cầu về dầu đã chững lại trong tháng 7 và dự kiến tăng chậm hơn từ nay đến cuối năm. Trái lại, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ hôm 12-8 vẫn giữ nguyên dự báo đà phục hồi về nhu cầu dầu trên toàn cầu trong năm nay và đà tăng trưởng trong năm 2022.

X.Mai

TỬ TRỰC - MINH CHIẾN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/nha-may-loc-dau-keu-cuu-20210813213626827.htm