Nhà máy lọc dầu lớn nhất Libya bị hư hại do đụng độ vũ trang
Các cuộc đụng độ giữa các nhóm vũ trang ở miền tây Libya đã gây ra thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng của nhà máy lọc dầu lớn nhất đất nước, Công ty Dầu khí Quốc gia (NOC) cho biết.
Các cuộc đụng độ này, kéo dài từ tối thứ Hai đến sáng thứ Ba tuần này, đã diễn ra xung quanh khu phức hợp dầu mỏ nằm ở lối vào thành phố ven biển Zaouia và bao gồm nhà máy lọc dầu đang hoạt động duy nhất của Libya, NOC cho biết trong một tuyên bố vào tối thứ Ba.
Công ty nói thêm, 8 bể chứa, 5 bể chứa dầu và hóa chất phụ gia cũng như máy biến áp đã "bị hư hỏng nghiêm trọng do các cuộc đụng độ giữa các nhóm vũ trang".
Danh tính của các nhóm này cũng như nguyên nhân của các cuộc đụng độ đều không được biết. Các nhà chức trách chính trị chưa bình luận về những cuộc giao tranh này. Hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một đám cháy dữ dội xung quanh nhà máy lọc dầu. Chủ tịch NOC Mustafa Sanalla coi đây là "một tội ác không thể dung thứ" vì đã tấn công "một nguồn lực quan trọng đối với nhà nước Libya".
Libya, quốc gia có trữ lượng dầu dồi dào nhất ở châu Phi, đã cố gắng thoát khỏi một thập kỷ hỗn loạn kể từ khi chế độ Muammar Gadhafi sụp đổ vào năm 2011. Sau nhiều năm xung đột, một lệnh ngừng bắn đã được ký kết vào tháng 10 năm 2020 bởi các phe đối địch và một chính phủ thống nhất được thành lập vào đầu năm 2021 để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống được công bố vào ngày 24 tháng 12 và các cuộc bầu cử lập pháp dự kiến một tháng sau đó.
Tuy nhiên, an ninh vẫn còn bấp bênh với các hành động bạo lực lẻ tẻ. Trong những năm gần đây, hoạt động kinh tế ở quốc gia Bắc Phi này đã ảnh hưởng bởi sự chia rẽ sâu sắc giữa các chính quyền đối địch, giữa một bên do Nguyên soái Khalifa Haftar cầm đầu và bên kia là một chính phủ ở Tripoli (phía tây) được LHQ công nhận.
Vào đầu năm 2020, phe ủng hộ Haftar đã phong tỏa các cơ sở dầu mỏ chính để yêu cầu phân phối doanh thu tốt hơn. Thất bại trong cuộc tấn công vào thủ đô Tripoli đã khiến họ từ bỏ chiêu trò này.
Sản lượng dầu của Libya đã dần hồi phục trở lại, đạt mức trung bình 1,2 triệu thùng/ngày trong năm nay, gấp 10 lần so với quý 3 năm 2020 nhưng vẫn ở mức dưới 1,5 - 1,6 triệu thùng/ngày trước khi xảy ra xung đột.