Nhà máy nước sạch 'đắp chiếu', hơn 2.000 người dân ở Can Lộc bơm nước từ ruộng, ao hồ về dùng
Sinh sống cạnh nhà máy nước nhưng hơn 2 năm nay, gần 500 hộ dân với khoảng 2.000 nhân khẩu xã Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc - Hà Tĩnh) vẫn phải 'vật vã' với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Trưa nắng như đổ lửa, nước trong ao đất nhỏ cạnh nhà nóng như vừa nấu sôi, ông Hoàng Văn Lục ở thôn Hạ Triều, xã Khánh Vĩnh Yên vẫn phải bì bõm lội ao kiểm tra lại vòi bơm lấy nước sinh hoạt của gia đình.
Ông Lục kiểm tra lại vòi nước trong ao đất cạnh nhà
Ông Lục cho biết: “Để khắc phục tình trạng thiếu nước, gia đình tôi cũng như các gia đình ở đây phải đào những chiếc ao đất nhỏ ngay cạnh bờ ruộng để lấy nước về tắm giặt”.
Dù đã qua xử lý bằng bể lọc nhưng nguồn nước được bơm từ các ao đất vẫn đục ngầu...
"Mấy ngày trước, xã bơm nước vào ruộng để sản xuất hè thu nên lượng nước trong ao tương đối nhiều và trong hơn. Sau mấy ngày nắng gay gắt, ruộng cạn hết nước nên nước ao cũng cạn theo và đục. Để có nước sinh hoạt, các gia đình phải chia nhau thời gian bơm và sử dụng tiết kiệm” - ông Lục chia sẻ.
... và không có cách gì khác, người dân vẫn phải sử dụng để tắm, giặt
Trước đó, người dân thôn Hạ Triều cũng đã rủ nhau khoan giếng lấy nước, mỗi nhà phải khoan từ 4 - 10 điểm nhưng do nước nhiễm phèn nên không sử dụng được. Vì vậy, ao đất vẫn là giải pháp tối ưu để lấy nước sinh hoạt.
Thiếu nước sinh hoạt như cảnh gia đình ông Lục cũng là thực trạng chung của 500 hộ dân ở 4 thôn của xã Khánh Vĩnh Yên, gồm: Hạ Triều, Thượng Triều, Phúc Giang và Đại Bản, diễn ra đã 3 năm nay. Đến mùa nắng hạn, bà con lại càng chật vật, khổ sở trong việc lo nguồn nước phục vụ những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.
Điều đáng nói là ngay trên địa bàn thôn Phúc Giang có nhà máy nước nhưng người dân thì vẫn đang... “khát”.
Nhiều máy móc của nhà máy nước đã hư hỏng.
Chỉ cho chúng tôi xem cảnh nhà máy nước hoang tàn, xuống cấp, ông Nguyễn Minh Nam - người được phân công bảo vệ tại đây cho biết: “Từ năm 2018, nhà máy nước đã ngừng hoạt động do máy móc hư hỏng nhiều hạng mục; thiếu người vận hành, quản lý; cơ sở vật chất cũng xuống cấp từng ngày".
Dù hơn 2 năm nay, xã chưa có nguồn để chi trả tiền lương bảo vệ, nhưng ông Nam vẫn tiếp tục các công việc ở nhà máy, đó là thường xuyên lau chùi, tra dầu mỡ cho máy bơm.
Cả thảy chỉ còn máy bơm là có thể vận hành.
Được biết, nhà máy nước ở thôn Phúc Giang được khởi công từ năm 2009 và đi vào hoạt động năm 2012 với tổng kinh phí đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Nhà máy có nhiệm vụ cung cấp nước cho gần 500 hộ với hơn 2.000 người dân thuộc 4 thôn: Đại Bản, Phúc Giang, Thượng Triều và Hạ Triều. Tuy nhiên, đến năm 2018, nhà máy dừng hoạt động khiến mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên cho biết: “Năm 2019, xã bố trí 200 triệu đồng để sửa lại máy bơm, nhưng đến nay, trừ hạng mục này thì hầu như các máy móc khác đều bị hư hỏng, hệ thống đường ống bị vỡ, tắc nghẽn, hoen rỉ không còn sử dụng được.
Theo tính toán, để vận hành trở lại cần nguồn kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Số tiền đó quá lớn đối với người dân và chính quyền địa phương nên trước mắt vẫn chưa có giải pháp cho vấn đề nước sạch nơi đây”.
Để vận hành trở lại, nhà máy nước cần nguồn kinh phí hơn 2 tỷ đồng.
Trong những tháng ngày chờ đợi, hàng trăm hộ dân xã Khánh Vĩnh Yên vẫn phải sử dụng những nguồn nước không đảm bảo an toàn. Không chỉ khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt, trước điều kiện nắng nóng kéo dài, họ cũng đang đối diện thêm nỗi lo về nguy cơ dịch bệnh.