Những ngày qua, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện tình trạng một số khu dân cư bị thiếu, cắt nước sinh hoạt. Đáng chú ý tại khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai), tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã kéo dài 15 ngày, hàng vạn cư dân mỗi tối vẫn xếp hàng lấy từng xô nước từ xe téc để phục vụ sinh hoạt.
Trong văn bản chỉ đạo về công tác điều tiết cấp nước ngày 22-10, UBND Hà Nội đề ra nhiều giải pháp đảm bảo cấp nước cho người dân thành phố.
Đáng chú ý, Hà Nội yêu cầu phải khẩn trương hoàn thành nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3/ngày đêm trong quý 1/2024.
Dự án nhà máy nước mặt sông Hồng có kế hoạch thực hiện từ quý 4/2015 đến quý 4/2020. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 3.700 tỉ đồng này dự kiến được đưa vào sử dụng từ quý 1/2021.
Dự án này có mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước sạch cho Nhân dân Thủ đô bao gồm đô thị trung tâm, và các khu vực chưa có hệ thống cấp nước thuộc khu vực phía Tây đường Vành đai 3, phía Bắc quốc lộ 32 qua quận Bắc Từ Liêm, các huyện Đan Phượng và Hoài Đức.
Tuy nhiên đến nay nhà máy mới hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc. Nhà máy nước sạch Sông Hồng đã 2 lần phải xin gia hạn tiến độ.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện UBND huyện Đan Phượng cho biết, dự án gặp khó khăn trong việc xin giấy phép cắt đê để nối đường ống lấy nước đến nhà máy, dẫn đến chậm tiến độ. Ngoài ra công tác đặt hệ thống truyền tải đang gặp một số phản đối liên quan đến thuê đất nông nghiệp của người dân. UBND huyện Đan Phượng đang tích cực phối hợp với công ty, tuyên truyền vận động người dân để sớm thi công các hạng mục này.
Ông Nguyễn Thế Công, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết Quý I/2024, nhà máy nước mặt Sông Hồng cũng hoàn thành với công suất là 300.000 m3/ngày đêm (hiện cơ bản hoàn thành, chỉ còn hoàn thiện hệ thống truyền tải khung).
Đây cũng là dự án quan trọng để nâng tổng công suất cấp nước thành phố đạt khoảng 2.000.000m3/ngày đêm vào năm 2025.
Toàn cảnh đại dự án Nhà máy nước mặt Sông Hồng nhìn từ trên cao.
Hoàng Mạnh Thắng - Trần Hoàng