Nhà máy sản xuất giấy: Khi thách thức lớn nhất đến từ môi trường
Môi trường là câu chuyện không của riêng ai nhưng trong ngành công nghiệp sản xuất, đặc biệt là giấy, đây là yếu tố mang tính sống còn. Để phát triển hài hòa giữa sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường, nhà máy giấy cần có sự đầu tư đúng mức ở quy trình sản xuất, xử lý chất thải.
Từ những lỗ hổng trong sản xuất
Những đóng góp của ngành công nghiệp sản xuất trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nhiều nhà máy sản xuất đã không đầu tư trang thiết bị hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn hoặc không xử lý nước thải, xả thải trực tiếp ra sông, hồ, biển, dẫn đến gây hại cho môi trường. Bên cạnh đó, khi quy trình sản xuất không được tối ưu hóa thì việc lãng phí nguyên, nhiên liệu cùng việc tạo ra khí thải cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống. Có thể nói, bài học “xương máu” từ Formosa, Vedan… vẫn còn đó như lời cảnh báo dành cho các doanh nghiệp khi xem nhẹ yếu tố môi trường trong quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là hiện nay, các doanh nghiệp tại Việt Nam ngày càng thay đổi quan điểm về việc "sản xuất phải ô nhiễm" bằng việc đẩy mạnh đầu tư chuỗi sản xuất thân thiện với môi trường. Quy trình sản xuất bền vững, công nghiệp xanh đang được nhiều doanh nghiệp cam kết áp dụng. Mặt khác, sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi khách hàng: ưu tiên lựa chọn những sản phẩm có “nhãn xanh”, ủng hộ những doanh nghiệp có động thái bảo vệ môi trường tích cực cũng thúc đẩy các doanh nghiệp đặt tiêu chí môi trường lên hàng đầu thay vì chỉ tập trung vào doanh số.
Riêng trong ngành giấy, Việt Nam có quy định ngày càng cao về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Trong đó có một số tiêu chuẩn thậm chí còn cao hơn châu Âu. Ví dụ, chỉ tiêu COD - tiêu chuẩn để xác định khối lượng của các chất ô nhiễm hữu cơ trong nước của Việt Nam chỉ được tối đa 200mg/l, khắt khe hơn 1,5 lần so với tiêu chuẩn của Hà Lan là 325 mg/l. Theo đó, Quy hoạch phát triển ngành giấy ở Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025 cũng chỉ rõ: Triển khai ứng dụng công nghệ sản xuất sạch hơn đối với các nhà máy đang vận hành, triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn, tái sử dụng nước, khép kín dây chuyền sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp giấy phải tích cực hơn trong việc xử lý chất thải nếu muốn phát triển sản xuất.
Có thể nói, cách một doanh nghiệp đặt những điều kiện tiên quyết (ở đây là yếu tố môi trường) khi sản xuất sẽ ảnh hưởng đến cách họ vận hành. Mặt khác, một doanh nghiệp sản xuất giấy lớn tiên phong trong việc bảo vệ môi trường sẽ tác động tích cực đến sự thay đổi của toàn ngành giấy cũng như những ngành sản xuất khác.
... Đến bài học cho môi trường
Có một thực tế cần phải nhìn nhận là công nghiệp giấy cũng như tất cả các ngành sản xuất khác khó tránh ô nhiễm. Tuy nhiên, cách xử lý ô nhiễm mới là điều quan trọng.
Trên thế giới, nhiều dự án bảo vệ môi trường đã được ứng dụng cho các nhà máy giấy. Điển hình như dự án ASTEPP nhắm vào ngành công nghiệp giấy châu Âu. Dự án này nhằm giới thiệu với ngành công nghiệp giấy và bột giấy một thế hệ công nghệ cảm biến tiên tiến có thể theo dõi các giai đoạn khác nhau trong quá trình sản xuất giấy bằng các phép đo chính xác. Các phép đo này nhằm giúp tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm nước đáng kể . Ngoài ra, các nhà máy sản xuất giấy hàng đầu cũng rất chú trọng trong việc tạo ra một quy trình sản xuất khép kín, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, sử dụng nguyên liệu sản xuất là giấy tái chế... để giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường.
Tại Việt Nam, không ít nhà máy giấy từng đứng trước thách thức lớn về môi trường. Điều này cũng không ngoại lệ với những nhà máy có quy mô lớn với dây chuyền sản xuất hiện đại, như trường hợp của Lee&Man trong thời gian vận hành thử nghiệm cũng không tránh khỏi tranh cãi về vấn đề môi trường. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội để doanh nghiệp này xem xét và cẩn trọng trong khâu sản xuất và xử lý chất thải. Cách Lee&Man cải thiện sản xuất, đồng thời đầu tư công nghệ hiện đại để đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường là điều các doanh nghiệp giấy cần tham khảo.
Cụ thể, thay vì sản xuất giấy từ nguyên liệu gỗ, doanh nghiệp này đã sử dụng phần lớn nguồn nguyên liệu là giấy tái chế để sản xuất giấy bao bì cao cấp phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tính trung bình, sản xuất giấy từ giấy tái chế giảm được 74% khí thải và 35% nước thải so với sản xuất giấy từ bột nguyên. Như vậy, với việc sử dụng 90% nguyên liệu là giấy tái chế, công suất 420.000 tấn/năm, Lee&Man góp phần giúp Việt Nam giảm khai thác hơn 24 triệu cây xanh, tiết kiệm khoảng 45,5 triệu m3 nước và khoảng gần 6 tỷ Kwh năng lượng điện, góp phần đáng kể giảm lượng phát thải và tiết kiệm nguồn tài nguyên nước quý giá.
Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư vào công nghệ xử lý nước thải, khí thải tiên tiến với hệ thống quan trắc hoạt động 24/24, các số liệu liên tục được cập nhật và truyền trực tiếp về Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang để quản lý nên chất lượng nước thải, khí thải luôn được kiểm soát trước khi đưa ra ngoài môi trường. Trong đó, các chỉ tiêu về nước thải, khí thải luôn nằm trong quy chuẩn của pháp luật. Thậm chí, chất lượng nước thải sau khi xử lý tại nhà máy có chất lượng cao hơn chất lượng nước thải quy định tại cột A của tiêu chuẩn về nước thải.
Được biết, nước thải đã qua xử lý sẽ được lưu trữ tại hồ sinh thái để đo đạc nồng độ, quy chuẩn và dẫn nước ra ngoài. Đồng thời, nước được dẫn qua hồ kiểm chứng để nuôi cá. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Tài nguyên & Môi trường thử nghiệm thành công tại một công ty sản xuất giấy. “Ngoài việc đầu tư vào công nghệ từ những ngày đầu vận hành, Lee&Man luôn cố gắng cải thiện từ trong ra ngoài, đến chiều sâu là các nhân viên để ý thức trong việc bảo vệ môi trường” - đại diện Lee & Man cho biết.