Nhà máy thông minh là yếu tố sống còn để doanh nghiệp phát triển

Ngày 28/8, tại hội thảo 'Giải pháp cho nhà máy thông minh' do Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) phối hợp các đơn vị tổ chức, PGS.TS Thoại Nam (Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP..Hồ Chí Minh) nhận định, nhà máy thông minh hiện không chỉ là công cụ cạnh tranh, mà còn là yếu tố sống còn để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Theo HUBA, nhà máy thông minh (hay còn gọi là Smart Factory, Digital Factory hoặc Connected Factory) là một hệ thống sản xuất được số hóa, sử dụng các thiết bị, máy móc và hệ thống sản xuất thông minh được kết nối để liên tục thu thập và chia sẻ dữ liệu. Mục tiêu của nhà máy thông minh là cải tiến quy trình sản xuất và giải quyết mọi vấn đề có thể phát sinh. Đây là một trong những bước nhảy vọt điển hình trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mở ra kỷ nguyên mới cho lĩnh vực sản xuất.

Đông đảo doanh nghiệp đến để tìm kiếm cho mình một giải pháp áp dụng nhà máy thông minh trong thời gian tới

Đông đảo doanh nghiệp đến để tìm kiếm cho mình một giải pháp áp dụng nhà máy thông minh trong thời gian tới

Cấp thiết thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp

Các nhà máy thông minh tương tác tối ưu trong thời gian thực, từ tầng chiến lược đến tầng quản lý, tầng vận hành, tầng máy móc thiết bị và ngược lại. Để triển khai thành công Smart Factory, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng về công nghệ, quy trình và con người. Các doanh nghiệp toàn cầu đang dần nhận ra tiềm năng to lớn của việc tích hợp các công nghệ tiên tiến như IoT, AI, robot và phân tích dữ liệu lớn vào quy trình sản xuất.

Khẳng định điều này, PGS-TS. Thoại Nam - Trường đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nhà máy thông minh là một hệ thống tích hợp kết hợp công nghệ vật lý và kỹ thuật số để tạo ra một môi trường sản xuất được kết nối và thông minh. Nhờ vậy, quá trình sản xuất cho phép giám sát theo thời gian thực, ra quyết định dựa trên dữ liệu và sản xuất tự chủ…

Theo ông Nam, thị trường sản xuất thông minh dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 13,1% trong 7 năm tới, đạt tổng trị giá 658,41 tỷ USD vào năm 2030. Theo cuộc khảo sát năm 2022 của SME và CESMII, 77% số người được hỏi tin rằng công nghệ thông minh sẽ tăng khả năng cạnh tranh cho tổ chức của họ, phần lớn ý kiến đều tin rằng công nghệ thông minh sẽ tăng khả năng cạnh tranh cho tổ chức của họ nhưng chỉ có một nửa sẵn sàng đầu tư vào những sáng kiến này. Trước đây, những doanh nghiệp lớn mới có thể đủ điều kiện tiếp cận hoặc hưởng lợi từ công nghệ thông minh, nhưng sản xuất thông minh đã trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong những năm gần đây.

Thực hiện mô hình nhà máy thông minh, sản phẩm nhựa tái chế của DuyTan Recycling đã đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế trong đó có Mỹ.

Thực hiện mô hình nhà máy thông minh, sản phẩm nhựa tái chế của DuyTan Recycling đã đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế trong đó có Mỹ.

Thông tin mới về sản xuất thông minh, nhà máy thông minh, các chuyên gia cho rằng xu thế chủ đạo của sản xuất công nghiệp trên thế giới hiện nay và trong thời gian tới là Công nghiệp 5.0. Nếu Công nghiệp 4.0 dựa trên sự kết nối giữa máy móc và hệ thống công nghệ thông tin, thì Công nghiệp 5.0 tập trung vào sự cộng tác giữa con người và máy móc trong các nhiệm vụ đòi hỏi sự sáng tạo, ra quyết định phức tạp và kỹ năng cảm xúc. Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ năm, yếu tố con người ngày càng nổi bật và được đặt ở vị trí trung tâm của quá trình sản xuất. Công nghiệp 5.0 chú trọng nhiều hơn đến việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và thiết kế các hệ thống tiết kiệm năng lượng để đạt được sản xuất bền vững hơn và giảm lượng khí thải carbon.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhà máy thông minh, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao gặp gỡ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, nhằm tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi thảo luận và tìm kiếm ý tưởng đề xuất đặt hàng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển nhà máy thông minh, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tại TP.Hồ Chí Minh.

Giám đốc bộ phận hỗ trợ đối tác Samsung điện tử Việt Nam, ông Jang Yoon Ho cho biết hiện tại Samsung đang triển khai các nhà máy thông minh tại Việt Nam cũng như hỗ trợ hơn 50 doanh nghiệp xây dựng các nhà máy thông minh. Để được lựa chọn tham gia vào dự án nhà máy thông minh, ông Jang Yoon Ho cho hay các doanh nghiệp phải đáp ứng một số điều kiện, trong đó doanh nghiệp phải cải tiến, tối ưu quy trình để các dữ liệu sẽ được thu thập và xử lý theo thời gian thực.

Doanh nghiệp có lợi nhuận nhiều hơn khi nhà máy thông minh

Nói về lợi ích của chuyển đổi số và thực hiện nhà máy thông minh ông Jang Yoon Ho cho biết nhà máy thông minh là phương tiện, công cụ để giúp nhà máy kiếm được nhiều tiền hơn. Bản chất của nhà máy thông minh là chi phí đầu tư thấp, mang lại lợi nhuận cao.

Công ty Cơ khí Duy Khanh đã triển khai chuyển đổi số trong việc thực hiện nhà máy thông minh để hướng đến mục tiêu thành doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng số

Công ty Cơ khí Duy Khanh đã triển khai chuyển đổi số trong việc thực hiện nhà máy thông minh để hướng đến mục tiêu thành doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng số

Ông Lê Anh - Giám đốc phát triển bền vững, công ty tái chế nhựa Duy Tân (DuyTan Recycling) cho rằng, nhờ triển khai các công nghệ nhà máy thông minh, trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty đã thu gom và tái chế 26.000 tấn rác thải nhựa tương đương 2 tỷ chai nhựa, đã cung cấp cho thị trường nội địa 7.730 tấn nhựa và xuất khẩu 7.770 tấn nhựa cho 15 quốc gia.

Cũng vậy, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty cơ khí Duy Khanh kiêm chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh, cho rằng chuyển đổi số hiện rất cấp thiết với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quá trình quản lý sản xuất, giảm thiểu lãng phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Công nghệ số sẽ hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp nâng tính sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng đơn hàng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.

Đề xuất nhiều giải pháp để phát triển các mô hình nhà máy thông minh, các chuyên gia cho rằng cần lan tỏa mạnh mẽ những mô hình nhà máy thông minh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức các triển lãm, khảo sát, chia sẻ các bài học thành công của các nhà máy thông minh; xây dựng tiêu chuẩn và chứng nhận các nhà máy thông minh; đầu tư mạnh cho công tác nghiên cứu và phát triển các mô hình nhà máy thông minh; tăng cường công tác đào tạo và huấn luyện về nhà máy thông minh, nhất là ở các trường đại học….

“Nhà máy thông minh là giải pháp hấp dẫn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đang tìm cách nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Tuy nhiên, để nâng số lượng các nhà máy thông minh, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được quan tâm hỗ trợ thông qua các chính sách phát triển nhà máy thông minh”, ông Nam chia sẻ.

Khẳng định chính sách của thành phố đối với mô hình này, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh được thành phố chỉ đạo cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội tại thành phố với mức vay tối đa 200 tỷ đồng/dự án. Chính sách này là cơ hội để các doanh nghiệp có thêm tiềm lực tài chính để chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh, nhà máy xanh” bà Ngọc nói.

“Thành phố khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi từ nhà máy truyền thống sang mô hình nhà máy thông minh, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp thành phố ngày càng xanh sạch và đạt hiệu quả cao. Thành phố đang có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đặc biệt là các gói vay ưu đãi với lãi suất thấp để các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào công nghệ và nâng cấp nhà máy", bà Ngọc nói.

Ngọc Hậu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nha-may-thong-minh-la-yeu-to-song-con-de-doanh-nghiep-phat-trien-155024.html