Nhà máy thủy điện ở Hà Giang dừng hoạt động do mưa lũ
Tại huyện Quản Bạ, Hà Giang, mưa lớn gây lũ ống kéo theo hàng nghìn mét khối đất đá chảy xuống vùi lấp Nhà máy thủy điện Thái An khiến nhà máy này dừng hoạt động.
Tại huyện Quản Bạ, Hà Giang, mưa lớn gây lũ ống kéo theo hàng nghìn mét khối đất đá chảy xuống vùi lấp Nhà máy thủy điện Thái An khiến nhà máy này dừng hoạt động.
Ngay sau khi nắm bắt tình hình mưa lũ tại tỉnh Hà Giang, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã đi kiểm tra thực tế, nắm bắt tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả tại các huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, thành phố Hà Giang.
Sau khi đi kiểm tra, nắm tình hình thực địa tại một số địa bàn bị thiệt hại lớn do mưa lũ, đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang.
Theo báo cáo của tỉnh, mưa lũ và sạt lở đất tại Hà Giang trong hai ngày 20 và 21-7, toàn tỉnh có năm người chết, hai người bị thương; hơn 60 nhà bị đất đá vùi lấp, lũ cuốn trôi hoàn toàn; gần 250 ha hoa màu, ao cá bị ảnh hưởng; hơn 2.700 nhà dân bị ngập úng, bùn đất tràn vào nhà gây thiệt hại lớn và tài sản. Cùng với đó, nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ cũng sạt lở nghiêm trọng. Riêng tuyến Quốc lộ 2, hàng nghìn mét khối đất đá sạt lở khiến thành phố Hà Giang gần như cô lập trong ngày 21-7. Tại huyện Quản Bạ, mưa lớn gây lũ ống kéo theo hàng nghìn mét khối đất đá chảy xuống vùi lấp Nhà máy thủy điện Thái An khiến nhà máy này dừng hoạt động. Ước tính thiệt hại ban đầu lên đến hơn 80 tỷ đồng.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, tỉnh đã huy động các lực lượng chức năng xuống địa bàn trọng điểm phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, dọn dẹp nhà cửa, đường phố, tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh và sớm đi vào ổn định cuộc sống. Tỉnh Hà Giang nhanh chóng chỉ đạo các địa phương cử lực lượng xuống cơ sở, nắm bắt tình hình thiệt hại.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, hậu quả thiên tai gây ra đối với tỉnh Hà Giang là rất lớn, vượt khả năng cân đối ngân sách, bố trí kinh phí của tỉnh cho công tác khắc phục hậu quả. Do đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tham mưu cho UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai hỗ trợ kinh phí để khắc phục cơ sở hạ tầng và khôi phục sản xuất.
Riêng đối với hai nhà máy thủy điện bị thiệt hại nặng, mặc dù Chính phủ quy định các địa phương chủ động kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai. Tuy nhiên, do Hà Giang là tỉnh khó khăn, thiệt hại của các doanh nghiệp là khá lớn. Do đó, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ cho các nhà máy thủy điện, giúp các doanh nghiệp khắc phục để sớm phát điện trở lại.
Qua đi kiểm tra, nắm tình hình thực địa tại một số địa bàn bị thiệt do mưa lũ của Hà Giang, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN và PTNT) đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang trong việc giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Trong thời gian tới, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang cần phải tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, nhằm chủ động trong công tác ứng phó và khắc phục hậu quả. Tiếp tục tập trung cho công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai, khôi phục sản xuất của người dân theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai.
Dự báo, năm nay tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, ông Trần Quang Hoài đề nghị tỉnh Hà Giang cần chủ động hơn trong việc phòng, chống, chủ động đưa ra những kịch bản cụ thể trong việc ứng phó, cùng với đó là làm tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ các gia đình có người chết, bị thương, hư hỏng nhà cửa.
Ông Trần Quang Hoài cũng chia sẻ những khó khăn với tỉnh trong công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, đồng thời ghi nhận những kiến nghị của tỉnh.