Nhà Medici – Hơn cả một hoàng gia
Có điểm chung gì giữa Leonardo da Vinci, Rafaello Santi, Michelangelo, Sandro Botticelli hay Machiavelli… và nhiều gương mặt lừng danh khác? Họ đều là những 'tân khách' được bảo trợ và chắp cánh bởi cả uy quyền lẫn sự hào phóng của một đại danh gia vọng tộc: Dòng họ nhà Medici.
Có thể nói, trong khoảng thời gian những năm 1500-1600, nhà Medici chính là một trong những tác nhân quan trọng trên tiến trình thắp sáng thêm những ngọn đuốc Phục Hưng, để xua tan nhanh hơn bóng tối của “đêm trường Trung Cổ” ở châu Âu.
Vàng son một thuở
Những năm đó, nếu có một đô thị xứng đáng được gọi là “Bồi đô của châu Âu”, “dự bị” cho Vatican hay Roma, thì kinh đô ấy sẽ không thể là Paris hoặc Luân Đôn, lại càng không phải Wien hay Berlin. Mọi kinh thành kia, khi ấy, đều kém xa một cách toàn diện, đặc biệt là về “phong khí” cởi mở và đậm chất nghệ thuật so với Florence (Firenze trong tiếng Ý) – một kiểu thành quốc (city – state) mà nhà Medici sở hữu.
Nhà Medici là ai? Xuất thân là một gia đình thương buôn ở Tuscany, chuyển sang kinh doanh ngân hàng vào quãng giữa thế kỷ XV, để rồi tiếp tục tiếp cận trung tâm quyền lực chính trị, cuối cùng, gia tộc ấy nên được gắn liền với các tước hiệu: Công tước (quận công) xứ Florence, và sau đó là Đại quận công Tuscany (kể từ năm 1569).
Theo một cách hiểu khác, ta có thể xem Nhà Medici là “hoàng gia Tuscany”, nhưng có lẽ cách hiểu này cũng chưa đúng lắm. Bởi, thực ra, tầm ảnh hưởng chính trị của gia tộc này còn rộng lớn hơn thế, trên toàn cõi châu Âu. Có bốn vị Giáo hoàng của Thiên Chúa giáo La Mã (Roman Catholic) xuất thân từ họ Medici, đồng thời có hai hoàng hậu của nước Pháp.
Song, đầu tiên và sau cùng, dòng họ này cực kỳ giàu có. Ngân hàng Medici (thành lập năm 1348, và chính thức trở thành một dạng tập đoàn tài chính – ngân hàng năm 1397) là ngân hàng lớn nhất cựu lục địa trong gần 100 năm. Bởi vậy, gia tộc Medici cũng là một trong những (nếu không muốn nói họ chính là) gia tộc giàu có nhất châu Âu suốt cả một thế kỷ. Từ Giáo hoàng trị vì thần quyền đến các quốc vương hay giới đại công hầu nắm thế quyền, tất cả giới tinh hoa đều có những mối quan hệ tài chính với họ. Nói chính xác hơn, Ngân hàng Medici được Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã giao quyền chịu trách nhiệm quản lý tài chính cho mình.
Lorenzo de Medici - một chính khách tài năng, một nhà bảo trợ nghệ thuật rộng rãi, nhưng có lẽ không phải là một nhà kinh doanh mát tay.
Thành công đến với Nhà Medici, thực ra, cũng không hề là một chặng đường “xuôi chèo mát mái”. Vào thế kỷ XIII, họ đã phải cạnh tranh khốc liệt với đối thủ là dòng họ Albizzi – những người lãnh đạo Florence lúc bấy giờ. Người nhà Medici bị hất cẳng và bị đuổi khỏi Florence, và gần như phải làm lại từ đầu.
Lúc đó họ nhận ra rằng nếu muốn thành công, không thể không có sự hậu thuẫn của giới chính trị gia. Họ bắt đầu kết thân với Tòa thánh Vatican, từ đó quan hệ xã hội ngày càng mở rộng. Đến thế kỷ XIV, Nhà Medici giàu có đến nỗi tài chính đủ khả năng mua lại khế ước đất đai của Florence, truất phế ngược nhà Albizzi (bằng tất cả những thủ đoạn nham hiểm mà họ đã phải nhận, và còn hơn thế). Từ đó, trên lý thuyết, Florence chuyển sang thể chế cộng hòa. Tuy vậy, ai cũng hiểu, chính dòng họ Medici mới là thế lực đứng đằng sau điều hành thị quốc.
Thuận dòng thời đại
Sự giàu có khiến Nhà Medici được kính trọng. Song, ngược lại, họ cũng biết cách sử dụng sự giàu có để tôn cao thêm vị thế của chính mình.
Kể từ quãng năm 1300, nền văn minh châu Âu bắt đầu tiến vào một giai đoạn ổn định dần, với một niềm tin tôn giáo chung, cũng như với những cách thức thích đáng nhằm tìm kiếm và kế thừa các di sản của thế giới cổ đại. Tuy nhiên, sau vài thế hệ, đã dấy lên trong lòng châu Âu những mối hoài nghi sâu xa về rất nhiều vấn đề mang tính học thuật, trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Từ triết học, khoa học thực nghiệm đến nghệ thuật, những trào lưu nhân văn và sáng tạo dồn dập xuất hiện, với tôn chỉ là làm hồi sinh những giá trị tươi đẹp tưởng như đã thất truyền.
Thời Phục Hưng khởi nguồn từ đó, trên nền tảng căn bản là sự trỗi dậy của chủ nghĩa nhân văn – thoát thai từ phong trào tìm đọc các trước tác Hy – La cổ điển. Theo các tác giả cuốn “Lịch sử Văn minh phương Tây” (The Western Experience), “chủ nghĩa nhân văn trở thành tiếng gọi tập hợp các nhà lãnh đạo giàu tri thức của Florence. Florence liên kết thành phố hiện tại của họ với sự phục hưng những giá trị cũ”. Đại học Florence, khi ấy, là đại học danh tiếng nhất châu Âu, qua việc liên tục mời gọi các học giả bốn phương về thỉnh giảng. Còn Florence khi ấy, chính là kinh đô văn hóa của châu Âu.
Florence - cái nôi của nền nghệ thuật Phục Hưng Ý.
Cả châu Âu ghen tỵ với Florence, cũng chính là ghen tị với Nhà Medici. Đi tiên phong trong việc kinh doanh ngân hàng, khi mỗi vùng ở châu Âu còn sử dụng một loại tiền tệ khác nhau (cho dù chỉ là lãnh địa tước hầu hay tước bá), những sáng tạo trong ngành ngân hàng đưa nhà Medici trở thành một đế chế tài chính. Họ không chỉ thực hiện các nghiệp vụ, họ còn đưa ra các quy trình thống nhất sổ sách. Nhờ vậy, họ vươn lên đỉnh cao quyền lực dễ dàng hơn. Ở đó, hấp thụ cả chủ nghĩa nhân văn lẫn các tư tưởng mỹ học vừa được hồi sinh, Nhà Medici càng không tiếc tiền bảo trợ cho cả các triết gia lẫn những danh gia văn chương, thi ca và nghệ thuật.
Khả năng thúc đẩy văn hóa, thời điểm đó, đứng ngang hàng với kỹ năng trong các lĩnh vực “võ công văn trị”, như chỉ dấu quan trọng để xác định tính “bất tử” của một ông hoàng hay một triều đại. Không triều đình nào được xem là hoàn chỉnh, nếu thiếu những đóng góp của giới thi sĩ, họa sĩ, kiến trúc sư – những người cất nên lời xưng tụng trường tồn cho người bảo trợ mình, thông qua các tác phẩm nghệ thuật. Đó là một mệnh đề quan trọng và có tính cách bắt buộc mà chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng quy định, cũng là một dấu hiệu rõ ràng của quyền lực.
Cũng như dòng họ Sforza hay gia tộc Visconti ở Milan, cũng như Nhà Ester ở Ferrara hay Nhà Gonzaga ở Mantua… nhưng vượt qua tất cả họ, Nhà Medici biến Florence thành cái nôi quan trọng nhất của nền nghệ thuật Phục Hưng Ý nói riêng, và châu Âu nói chung. Những bức bích họa vô giá vẫn còn được lưu lại ở thành phố xinh đẹp này, dày đặc và tráng lệ, đặc biệt là tại cung điện xưa của “hoàng gia không ngai vàng” ấy. Một điều đáng lưu ý, Florence cũng chính là bệ phóng để Michelangelo đến tham gia thiết kế và xây dựng Vương cung Thánh đường San Pietro, còn Rafael vẽ những bức bích họa trong cung điện của Giáo hoàng, đều ở Vatican.
Thương buôn tuy giàu có, nhưng trước quãng thời gian này, xét cho cùng, thương buôn cũng chỉ thuộc tầng lớp trung lưu. Để nâng cao địa vị cũng như có vị thế chính trị, họ buộc phải kết thân với quý tộc và tầng lớp tăng lữ, bằng tiền hoặc bằng hôn nhân. Khi đã có được địa vị ấy, bằng những khoản tài trợ hào phóng, Nhà Medici, cũng như những dòng họ tương tự ở Ý, không chỉ tự tôn vinh mình theo một cách tinh tế, mà còn góp phần thúc đẩy tiến trình xóa nhòa những lằn ranh giai tầng, đưa nghệ sĩ, kỹ sư hay khoa học gia lên địa vị xứng đáng, đồng thời phác họa những thế giới quan mới.
Chỉ tiếc là, sự xa hoa quá mức cũng dễ dàng dẫn đến suy tàn. Dần đánh mất thế độc tôn trong ngành tài chính – ngân hàng, bắt đầu từ thời của Lorenzo Medici (nhà bảo trợ văn hóa lừng lẫy nhất), vị thế của Nhà Medici cũng theo đó mà từ từ giảm sút. Đến năm 1705, vừa phá sản vừa không còn người thừa tự, đại gia tộc này biến mất.
Nhưng, nếu chỉ còn rất ít người nhớ đến tước hiệu Đại công tước Tuscany của họ, thì lịch sử vẫn hằn in những dấu ấn văn hóa gắn liền với dòng họ Medici…
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/nha-medici--hon-ca-mot-hoang-gia-i643914/