Nhà nghèo có được miễn, giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn?
Pháp luật có cho phép miễn, giảm tiền phạt đối với 1 số trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông, trong đó có vi phạm nồng độ cồn.
Chia sẻ tới đường dây nóng Báo Giao thông, bạn Nguyễn Văn An (ở Yên Bái) cho biết, cuối tháng 2 vừa qua, người bác ruột sau khi uống rượu bia có điều khiển xe máy, nên đã bị CSGT phát hiện, lập biên bản vi phạm.
Do kết quả đo nồng độ cồn, người bác vi phạm mức vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở nên sẽ bị phạt tiền mức 7 triệu đồng.
"Nhà bác hoàn cảnh rất khó khăn, vậy bác tôi có thể được miễn, giảm một phần số tiền nộp phạt không; nếu được phép miễn, giảm thì bác tôi cần phải làm những thủ tục gì?", bạn An hỏi.
Mức phạt 2 triệu đồng trở lên có thể được áp dụng miễn phạt
Trả lời nội dung này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 có hiệu lực từ 1/1/2022 thì việc miễn, giảm áp dụng với người vi phạm luật giao thông bị phạt tiền 2 triệu đồng trở lên.
"Ở trường hợp này, người vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt từ 7 triệu đồng thì đã đáp ứng được điều cần để miễn, giảm. Tuy nhiên, phải đáp ứng được các điều kiện đủ khác nữa thì mới được miễn, giảm trong nộp phạt vi phạm giao thông", luật sư Bình nói.
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 có hiệu lực từ 1/1/2022, những trường hợp được miễn giảm là: Cá nhân gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn sẽ được miễn giảm tiền xử phạt hành chính.
Điều kiện miễn giảm một phần hoặc miễn giảm toàn bộ
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 đã chia ra hai mức miễn giảm.
Theo đó, miễn giảm một phần tiền phạt còn lại ghi trong quyết định xử phạt với cá nhân do không có khả năng thi hành quyết định nếu thuộc một trong các trường hợp: Đã được giảm một phần tiền phạt mà tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn; Đã nộp tiền phạt lần thứ nhất hoặc lần thứ hai trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần nhưng gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn.
Người vi phạm nồng độ cồn sẽ được miễn giảm toàn bộ tiền phạt khi đã được hoãn một phần tiền phạt mà tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn.
Để được miễn giảm tiền phạt, người vi phạm phải có đơn đề nghị giảm, miễn tiền phạt kèm theo xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc) gửi người đã ra quyết định xử phạt.
Trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt xem xét, quyết định việc giảm, miễn và thông báo cho người có đơn đề nghị giảm, miễn biết; nếu không đồng ý với việc giảm, miễn thì phải nêu rõ lý do.
Xét vào trường hợp cụ thể là bác của bạn An ở trên, luật sư Diệp Năng Bình hay, nếu chỉ là gia đình hộ nghèo, cá nhân không mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn, cũng không khó khăn đột xuất về kinh tế nên không thuộc diện miễn giảm tiền phạt khi vi phạm nồng độ cồn.
"Luật hiện hành cấm đối với người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia, chính vì thế người dân nên nghiêm chính chấp hành để tránh mức phạt nặng", luật sư Diệp Năng Bình khuyến cáo.