Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Ứng xử với Tết

Không phải ai cũng có cách ứng xử đúng với Tết. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ đã có những chia sẻ với phóng viên xung quanh vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền dân tộc?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Tết là dịp mà chúng ta cùng nhìn lại 1 năm đã làm và chưa làm được gì, may hay xui rồi cùng nguyện cầu những điều tốt đẹp, bình an sẽ đến với bản thân, gia đình trong năm mới. Đồng thời qua nghi lễ, Tết cũng là dịp mà con người hướng đến cội nguồn của chính mình, các thành viên trong gia đình được đoàn viên. Chính vì thế mà Tết luôn được tổ chức một cách long trọng, thiêng liêng.

Dưới con mắt lễ hội thì Tết có thể coi là lễ hội đặc biệt trong tổng thể các lễ hội của người Việt. Bởi lẽ Tết phổ cập cho mọi thành phần xã hội, cho mọi tôn giáo, sắc tộc, kể cả những người bệnh tật, người đang tạm thời mất quyền công dân. Đặc biệt, Tết trọng tâm hướng đến trẻ em, người già, người đau yếu và là dịp mà mọi người dành cho những người kém may mắn, người có hoàn cảnh khó khăn sự yêu thương, đùm bọc.

Đất nước trải qua hàng nghìn năm xây dựng và phát triển, thì việc đón Tết có bị thay đổi theo dòng xoáy của lịch sử không?

Tết xưa và Tết nay luôn duy trì tính chất như vậy, chỉ khác ở cách ứng xử, thể hiện. Thời xưa, đại bộ phận người dân làm nông nghiệp, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên việc đón Tết là hướng đến sự no đủ, ấm áp. Khi ấy, sự chênh lệch giữa ngày Tết và ngày thường rất lớn.

Ngày nay, đất nước đã có những sự phát triển vượt bậc, nhìn chung đời sống của người dân đã ấm no, hạnh phúc hơn thì giữa ngày Tết với ngày thường đã không còn sự chênh lệch lớn. Nhưng khi mà mục tiêu hướng đến ngày Tết đã đạt được trong ngày thường thì con người lại nghĩ đến cách tổ chức, cách chơi Tết khác đi, bởi Tết luôn đòi hỏi sự khác biệt.

Tết luôn đòi hỏi sự khác biệt nhưng Tết lại là dịp để các thành viên trong gia đình được đoàn viên, sum họp. Hai điều này liệu có mâu thuẫn không?

Về cơ bản, Tết xưa cũng như các lễ hội khác là dịp để mọi người về với quê cha đất tổ, về với gia đình. Đó là phương thức hành hương, một nét đẹp trong văn hóa lâu đời của người Việt.

Ngày nay cũng vậy, ngày Tết vẫn có những chuyến tàu Tết, xe Tết đón bà con xa xứ trở về quê hương. Tuy nhiên, lại có một số người có xu hướng tổ chức đón Tết vui vẻ bằng phương thức khác như đi du lịch. Tôi cho rằng đó là sự vận động của văn hóa, một khi đã có dòng chảy chính thì ắt sẽ xuất hiện dòng chảy phụ nhằm làm nền văn hóa đa dạng, phong phú hơn.

Trong xã hội hiện đại, người dân ngại động chân, động tay vào những công việc chuẩn bị Tết, mà quên đi rằng đó cũng là cách giữ gìn đời sống văn hóa tinh thần ngàn đời của ông cha để lại. Ông nghĩ sao về điều này?

Trong việc chuẩn bị Tết thì cũng có những hành vi mang tính cổ truyền, triết lý, có yếu tố tinh thần xuyên suốt nhưng cũng có hành vi mang tính vật chất đơn giản. Theo tôi, chúng ta cần gìn giữ những hành vi mang tính truyền thống đã được giải thích bằng truyền thuyết như phong tục gói bánh chưng, khai bút ngày xuân... Tuy nhiên, trong mỗi không gian khác nhau, với những điều kiện khác nhau khiến chúng ta phải có cách ứng xử khác nhau.

Quan niệm người phụ nữ trong gia đình phải là người có trách nhiệm sắm Tết, trong thời đại hiện nay có còn phù hợp không, thưa ông?

Người xưa có câu: “Đàn ông coi nhà, đàn bà coi bếp” tức là người đàn ông phải làm những việc lớn còn người đàn bà lo chuyện bếp núc. Tuy nhiên, trong cuộc sống ngày nay, khi mà mọi thứ đều rất bình đẳng, thì việc sắm Tết không cứ là việc của người phụ nữ. Nếu Tết là để chung vui thì tất cả chung vui, nếu Tết là để lo toan thì tất cả phải gánh vác trách nhiệm lo toan.

Nhiều người đã thừa nhận sợ Tết vì phải nhậu nhẹt. Vậy làm thế nào để hài hòa việc đón Tết mà vẫn vui vẻ, mạnh khỏe?

Thực tế cho thấy rằng sau mỗi dịp Tết, tại các khoa về tiêu hóa, tiết niệu ở các bệnh viện đều có số bệnh nhân tăng đột biến, đó là chưa kể đến tai nạn giao thông. Người Việt có thói quen rất xấu, hễ vào mâm là phải ép nhau uống rượu bia, mà quên đi rằng thể trạng của mỗi người khác nhau. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta phải tạo ra phong thái uống rượu, bia văn minh, lịch sự. Con người ta yêu quý nhau là phải tôn trọng sức khỏe cũng như sự tự do cho nhau,hướng đến tinh thần vui vẻ, cao đẹp, nhân văn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Doãn Thiện (thực hiện)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nha-nghien-cuu-nguyen-hung-vi-ung-xu-voi-tet-n185711.html