Nhà ngoại giao Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào Chile

Trong một phiên điều trần hồi giữa tuần, ông Michael Kozak, một người am hiểu về khu vực Mỹ Latin và Carribe, cáo buộc Nga đang sử dụng mạng xã hội để can thiệp vào hoạt động nội bộ của Chile.

Phát biểu trước phiên điều trần của Quốc hội Mỹ, nhà ngoại giao Michael Kozak, nhận định "các tác nhân nước ngoài" đang kích động bạo lực tại quốc gia Nam Mỹ Chile. Và theo ông, các tác nhân này xuất phát từ Nga, hãng thông tấn EFE đưa tin ngày 25-10.

Ông Kozak từng là Đại sứ Mỹ tại Belarus nhiệm kỳ 2000 - 2003 và đang đảm nhận vị trí Quyền Trợ lý Bộ trưởng phụ trách các vấn đề ở Tây Bán cầu.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Belarus, ông Michael Kozak. Ảnh: CNSNEWS

Cựu Đại sứ Mỹ tại Belarus, ông Michael Kozak. Ảnh: CNSNEWS

"Chúng tôi đã xác định những tài khoản giả mạo trên mạng xã hội xuất phát từ Nga, những kẻ giả vờ là người Chile, nhưng thực tế, thông điệp của họ là cố gắng làm suy yếu tất cả các thể chế và xã hội Chile", ông nói.

Ông cũng giải thích thêm thủ đoạn của các tài khoản giả mạo này là đặt ra những câu hỏi như "Bạn đã nghe điều này chưa?" để từ đó tạo ra các tin đồn khiến người dân không tin vào chính quyền.

Tuy nhiên, ông Kozak không đưa ra bằng chứng cụ thể.

Đây không phải lần đầu tiên Nga đối mặt với các cáo buộc của Mỹ về can thiệp vào một quốc gia khác. Ngay trong cuộc bầu cử hồi năm 2016, Mỹ cũng cáo buộc Nga đã can thiệp để làm ảnh hưởng kết quả bầu cử, dẫn đến sự thất bại của ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Tại Chile, các cuộc biểu tình được châm ngòi từ một đợt tăng giá dịch vụ giao thông công cộng của chính quyền. Sau đó, biểu tình và bạo động đã phát triển thành một cơn thịnh nộ trên toàn quốc chống lại các chính sách của Tổng thống Sebastian Pinera.

Ít nhất 19 người đã chết trong những ngày qua, và hơn 6.000 người đã bị bắt giữ, trong khi nhiều cuộc biểu tình dẫn đến tình trạng bạo loạn và đụng độ với cảnh sát.

"Chile đang gặp vấn đề về hiến pháp, liên quan đến việc cấp ngân sách", nhà phân tích chính trị Francisco Coloane nói với hãng tin RT. "Có một áp lực kinh khủng đối với khu vực tư nhân để không tạo ra sự thay đổi cấu trúc", ông nhận định.

Là tổng thống cánh hữu đầu tiên của đất nước kể từ sau chính phủ Augusto Pinochet năm 1990, ông Pinera trước đây đã cố gắng tư nhân hóa hệ thống giáo dục của Chile, dẫn đến các cuộc biểu tình của sinh viên vào năm 2011. Hệ thống lương hưu, cấp nước và hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này, tất cả đều được tư nhân hóa gần như hoàn toàn.

Nhờ những chính sách này, Chile trở thành một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất ở Mỹ Latin, nhưng cũng làm gia tăng tỷ lệ bất bình đẳng trong thu nhập và các điều kiện xã hội.

VĂN KIẾM

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/nha-ngoai-giao-my-cao-buoc-nga-can-thiep-vao-chile-866482.html