Nhà ngoại giao nhớ thời quần áo cũng phải đi mượn

Trong những năm tháng khó khăn của đất nước, các nhà ngoại giao dù phải mượn quần áo từ Bộ Tài chính để dự các hội nghị quốc tế nhưng vẫn rất quyết tâm biến những chiến thắng của Việt Nam trên chiến trường thành chiến thắng trên bàn đàm phán.

Đó là câu chuyện được nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: 80 năm tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc”, diễn ra sáng nay (28/7) tại Hà Nội.

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Ngoại giao, hướng tới đại lễ kỷ niệm 80 năm thành lập nước.

Ngoại giao đã góp phần cụ thể hóa các thắng lợi

Trong bài phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, ngành Ngoại giao có một vinh dự vô cùng đặc biệt là được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo, rèn luyện và dìu dắt trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên.

Ngay từ những ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng ngoại giao như một vũ khí sắc bén để thêm bạn bớt thù, phân hóa hàng ngũ đối phương, giữ vững chính quyền non trẻ, tranh thủ thêm thời gian và lực lượng cho cuộc trường kỳ kháng chiến. Trong thời gian đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cùng với các mặt trận chính trị và quân sự, ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược. Ngoại giao đã góp phần cụ thể hóa các thắng lợi trên chiến trường thành chiến thắng trên bàn đàm phán, chấm dứt chiến tranh.

 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Như Ý

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Như Ý

Phó Thủ tướng cho biết, trải qua 8 thập kỷ, từ chỗ “thân cô thế cô”, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín quốc tế như ngày nay. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, xây dựng được mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 37 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực. Đảng ta cũng đã có quan hệ với 259 chính đảng tại 119 nước.

“Từ thân phận một nước bị xem là 'nhược tiểu', ngày nay, trong con mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam là một quốc gia tầm trung có vai trò, vị thế ngày càng tăng trong ASEAN và ở khu vực, có đóng góp ngày càng chủ động, tích cực vào việc tham gia giải quyết các công việc chung của cộng đồng quốc tế”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng nhìn lại chặng đường vẻ vang đã đi qua, chúng ta càng nhận thức rõ về sứ mệnh nặng nề nhưng cũng đầy vinh quang của ngoại giao Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là phải tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thu hút các nguồn lực và điều kiện thuận lợi bên ngoài đóng góp đắc lực vào việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của đất nước, đặc biệt là các mục tiêu phát triển 2030 và 2045 mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra.

Ký ức của nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên

Phát biểu tại hội thảo, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nói rằng ông rất vui vì mình còn sống đến ngày hôm nay, để được nói về chặng đường của ngoại giao Việt Nam trong mấy thập kỷ qua, nhưng tiếc vì những người cùng thời với ông, các vị tiền bối đã đi xa, không có cơ hội nhìn thấy sự phát triển đi lên của đất nước và chứng kiến đội ngũ các nhà ngoại giao ngoại giao Việt Nam vươn mình ra thế giới.

 Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Như Ý

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Như Ý

Nói về chặng đường mà thế hệ của ông đã đi qua, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên nhớ lại những thời thời điểm vô cùng khó khăn của đất nước.

Đó là lúc Việt Nam phải đối mặt cùng lúc với 6.000 quân phát xít Nhật, 16.000 quân Pháp núp bóng thực dân Anh, 20 vạn quân Tưởng. Khi đó, Bác Hồ nhận thấy rằng chỉ có ngoại giao có thể hóa giải tình thế nguy cấp.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động thế giới, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneva 1954, ngoại giao Việt Nam bắt đầu bước ra thế giới, để thế giới biết đến cuộc kháng chiến lừng lẫy của Việt Nam. Tuy giành chiến thắng ở Điện Biên Phủ, nhưng chúng ta vẫn chưa áp đảo được quân Pháp ở Bán đảo Đông Dương, vì thế Việt Nam buộc phải chấp nhận chia đôi đất nước.

Bước vào giai đoạn thực thi Hiệp định Geneva, Bác Hồ nhận thấy rõ ý định của Mỹ là thay thế Pháp. Khi đó, Việt Nam mới chỉ có quan hệ ngoại giao với rất ít quốc gia, nhưng chúng ta đã khiến thế giới phải lắng nghe, các nước phải thừa nhận chính nghĩa của Việt Nam.

Đến giai đoạn Mỹ leo thang chiến tranh, cuộc đấu tranh ngoại giao của Việt Nam trở nên vô cùng phức tạp. Bác Hồ xác định, Việt Nam phải đánh thắng trên chiến trường thì ngoại giao mới có thể giành chiến thắng trên bàn đàm phán.

Suốt 5 năm diễn ra Hội nghị Paris, Việt Nam kết hợp ngoại giao với đấu tranh chính trị - quân sự, cuối cùng buộc Mỹ phải chấp nhận chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, rút quân đội, chuyên gia và căn cứ quân sự khỏi Việt Nam.

Nói về tinh thần tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc, ông Niên nhớ lại những năm tháng khó khăn đến mức các nhà ngoại giao phải mượn quần áo từ Bộ Tài chính. “Phí công tác của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch chỉ có 50 cent mỗi ngày, còn những người khác chỉ được 20 cent. Nhưng anh em vẫn quyết tâm đấu tranh để đạt được những thành quả như vậy”, ông chia sẻ.

Với vị thế của đất nước hiện nay, ông Nguyễn Dy Niên cho rằng Việt Nam cần giữ được biểu tượng hòa bình, tư thế một nước độc lập. Hà Nội phải là điểm đến để các nước đối thoại với nhau, như hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên năm 2019, dù tiếc rằng “Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un không thể trao thanh kiếm hạt nhân cho Cụ rùa Hồ Gươm” như cách viết của một nhà báo Mỹ.

 Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh (bìa trái) tham gia thảo luận. (Ảnh: Như Ý)

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh (bìa trái) tham gia thảo luận. (Ảnh: Như Ý)

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, tình hình thế giới hiện nay chuyển biến liên tục, các trung tâm quyền lực của thế giới đang thay đổi quá nhanh, những thay đổi về khoa học công nghệ đang tạo ra bối cảnh rất khác. Trong thế giới hiện nay, mỗi sự việc đơn lẻ cũng có thể gây tác động trực tiếp trên phạm vi rất lớn, như vấn đề thuế quan, quan hệ nước lớn, các sự cố ngoại giao… đòi hỏi ngành Ngoại giao của Việt Nam cần thích ứng.

Ông cho rằng cần có những cơ chế như hội đồng an ninh quốc gia để có thể phản ứng nhanh chóng và tổng thể, phải tính toán lại về các hình thức ngoại giao cấp cao để đạt được hiệu quả tốt nhất…

Bình Giang - Như Ý

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nha-ngoai-giao-nho-thoi-quan-ao-cung-phai-di-muon-post1764267.tpo