Nhà nước sẽ thu hồi nhà, đất công nếu bỏ hoang quá 12 tháng
Chính phủ vừa ban hành nghị định số 3/2025 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất, có hiệu lực từ đầu năm 2025. Trong đó, Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi tài sản công là nhà, đất đối với trường hợp bị bỏ hoang quá 12 tháng.
Nghị định đưa ra 5 phương án cụ thể để xử lý nhà, đất, gồm tiếp tục sử dụng, thu hồi vào ngân sách, điều chuyển giữa các cơ quan, chuyển giao cho địa phương quản lý và tạm thời giữ lại để xem xét sau, baochinhphu.vn đưa tin.
Theo nghị định, việc giữ lại tiếp tục sử dụng được áp dụng linh hoạt cho nhiều trường hợp như đất đã được giao, cho thuê, chuyển mục đích, chuyển đổi công năng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, nhận chuyển nhượng, đầu tư xây dựng hoặc mua sắm.
Các cơ quan, tổ chức được duyệt phương án giữ lại nhà, đất phải chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản này theo đúng quy định của pháp luật về tài sản công, đất đai và các quy định có liên quan.
Đối với hình thức thu hồi, Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi nhà, đất đối với những trường hợp gồm nhà, đất bỏ hoang quá 12 tháng, các trường hợp tặng cho, góp vốn trái quy định, nhà, đất sử dụng không hiệu quả do thay đổi cơ cấu tổ chức.
UBND cấp tỉnh sẽ ra quyết định thu hồi nhà, đất đối với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn, kể cả cơ quan trung ương và địa phương khác, sau khi có đủ căn cứ pháp lý.
Việc điều chuyển nhà, đất sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và chỉ áp dụng khi có cơ quan, tổ chức tiếp nhận phù hợp.
Nhà, đất chỉ được điều chuyển sang các doanh nghiệp nhà nước 100% vốn để sử dụng làm văn phòng làm việc. Việc điều chuyển sang các doanh nghiệp để xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản hoặc sử dụng nhà, đất đã nhận được để phục vụ các mục đích khác là không được phép.
Bên cạnh đó, việc chuyển giao nhà, đất về địa phương quản lý, xử lý là việc bàn giao tài sản nhà, đất từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương hoặc địa phương khác về cho UBND cấp tỉnh hoặc các cơ quan chuyên môn của địa phương.
Các trường hợp chuyển giao bao gồm nhà, đất đã được giao làm nhà ở không đúng quy định trước năm 2024 và hiện không còn nhu cầu sử dụng; nhà, đất không thuộc trường hợp trên nhưng cơ quan, tổ chức, đơn vị không còn nhu cầu sử dụng.
Ngoài ra, hình thức tạm giữ nhà, đất được áp dụng đối với những trường hợp vi phạm quy định về sử dụng đất đai. Trong thời gian tạm giữ, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm. Sau khi hoàn tất việc xử lý, nhà, đất sẽ được thu hồi hoặc giao cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng hợp pháp.
Thủ tướng sẽ trực tiếp quyết định đối với các trường hợp đặc biệt như chuyển giao nhà, đất cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ có thẩm quyền quyết định đối với hầu hết các trường hợp chuyển giao giữa các cơ quan nhà nước. Thủ trưởng các cơ quan trung ương và UBND các cấp sẽ quyết định đối với các trường hợp thuộc phạm vi quản lý.
Tính đến tháng 11-2024, Hà Nội đã phê duyệt phương án sắp xếp cho hơn 10.760 cơ sở nhà, đất và đã hoàn thành việc rà soát với 6.018 cơ sở theo quy định về quản lý tài sản công. Từ ngày 1-1-2025, UBND thành phố Hà Nội sẽ tiến hành tổng kiểm kê tài sản công, đặc biệt là nhà và đất.
Tại TPHCM, còn hơn 1.000 địa chỉ đang bỏ trống từ nhiều năm nay. Trong năm nay, thành phố cũng sẽ triển khai đề án tổng kiểm kê tài sản công từ ngày 1-1-2025 đến hết tháng 3-2025 và kết quả sẽ được công bố vào tháng 7.