Nhà ở giá rẻ, vướng ở chính sách tín dụng?
Trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đặt trọng tâm đẩy mạnh phát triển quỹ nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình và thấp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn cung nhà ở thuộc phân khúc này, đặc biệt là nhà giá rẻ vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người mua nhà.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Theo các chuyên gia, một trong những lý do dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung nhà ở giá rẻ một mặt là do rào cản tín dụng, mặt khác do doanh nghiệp đang quá trông chờ vào nguồn vốn ưu đãi.
Sau khi gói 30.000 tỷ đồng cho nhà thu nhập thấp kết thúc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung gói 2.000 tỷ đồng. Nhưng nguồn vốn này là quá ít so với nhu cầu thực tế của thị trường nên vẫn chưa thể tạo thành lực đẩy mạnh để phân khúc nhà thu nhập thấp có những biến chuyển mới trong năm qua.
Tại Việt Nam, khách hàng đa phần có mức thu nhập vừa phải và có nhu cầu sống trong căn hộ diện tích nhỏ, tiện nghi, giá bán hợp lý. Đặc biệt, nhu cầu nhà ở bình dân ngày càng trở nên bức thiết bởi nước ta bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng, với 70% dân số trong độ tuổi lao động.
Theo thống kê gần đây tại TP Hồ Chí Minh, mỗi năm thành phố có khoảng 50.000 cặp vợ chồng mới kết hôn. Điều đó cho thấy nhu cầu về nhà ở của nhóm khách này là rất cao. Tuy nhiên, đa số các cặp mới kết hôn, các gia đình trẻ đều rơi vào tình trạng khó tìm cho mình nơi an cư phù hợp, đảm bảo sự hợp lý giữa các yếu tố về giá cả - tiện nghi - diện tích – cộng đồng cư dân (hay còn gọi là các căn hộ tầm trung).
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Hà Nội. Chị Thanh Vân - quận Hai Bà Trưng chia sẻ, thu nhập của cả 2 vợ chồng chị ở mức ổn định từ 20 – 25 triệu/mỗi tháng. Trong khi đó, đa phần các căn hộ cao cấp đều có giá tương đối cao. Vợ chồng chị chỉ mong muốn có thể mua được một căn hộ không cần quá rộng nhưng vị trí thuận tiện, tiện nghi đầy đủ, giá bán dưới 2 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, với nguồn thu nhập ở mức trung bình khá, việc sở hữu một căn hộ cao cấp không hề dễ dàng. Mua nhà phố lại đòi hỏi về vốn tích lũy và đầu tư ban đầu rất cao, không phù hợp với thu nhập của đa phần khách trẻ. Nhìn lại năm 2018 có thể thấy, nguồn cung căn hộ bình dân đã giảm đi đáng kể. Nếu như phân khúc nhà ở cao cấp chiếm 30%, tăng 4,5% so với năm 2017; phân khúc trung cấp chiếm 45,3% tương đương năm 2017 thì phân khúc bình dân chỉ còn chiếm 24,7%, giảm 4,4% so với năm 2017.
Lý giải hiện tượng trên, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng: “Tín dụng Việt Nam đang là rào cản khiến việc phát triển nhà giá rẻ nhiều năm qua vẫn dậm chân tại chỗ. Chi phí tín dụng cho các dự án bất động sản ở Việt Nam đang rất cao do sử dụng tín dụng thương mại. Trên thực tế, tín dụng thương mại có lãi suất cao khoảng 10%, có ưu đãi cũng chỉ lùi được tới mức 5%. Trong khi đó, ở nhiều nước khác, tín dụng thương mại ở mức 5%, còn tín dụng đầu tư chỉ ở mức 2%”.
Ở một góc nhìn khác, TS. Cấn Văn Lực cho rằng để thúc đẩy nhà thu nhập thấp phát triển, cần các chính sách tín dụng ưu đãi và các chính sách này cần dài hạn, từ 20 đến 30 năm. Trên thế giới, nhiều nước không dùng tín dụng ưu đãi do Nhà nước cấp mà dùng những chính sách tín dụng rất mở của nhiều ngân hàng mang tính xã hội, hoặc thành lập quỹ nhà ở xã hội và quỹ tiết kiệm nhà ở cùng với quỹ tín thác đầu tư….
Tuy nhiên, với loại hình nhà ở thương mại giá rẻ, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh - Viện Tài chính lại cho rằng, các doanh nghiệp không nên đòi hỏi các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước mà nên tuân thủ cơ chế cung - cầu của thị trường.