Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh: Hiểm họa khi cháy nổ

Thời gian qua, Hải Dương xảy ra một số vụ cháy ở nhà dân gắn với nơi sản xuất, kinh doanh. Những vụ cháy này đều để lại hậu quả rất nặng nề.

Cửa hàng của gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh ở khu dân cư Khánh Hội, phường Nam Đồng (TP Hải Dương) tuy đã thiết kế hệ thống đường điện, vòi phun nước nhưng chưa trang bị bình chữa cháy tại chỗ

Cửa hàng của gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh ở khu dân cư Khánh Hội, phường Nam Đồng (TP Hải Dương) tuy đã thiết kế hệ thống đường điện, vòi phun nước nhưng chưa trang bị bình chữa cháy tại chỗ

Khó thoát thân

Gần đây, nhiều điểm sản xuất, kinh doanh mọc lên từ thành thị đến nông thôn để phục vụ nhu cầu của người dân. Điều đáng quan tâm là hầu hết các điểm sản xuất, kinh doanh này gắn với nơi sinh sống của gia đình. Hàng hóa chứa trong nhà tổng hợp nhiều thứ từ bánh kẹo, sữa, các loại nước tẩy rửa, giấy vệ sinh, giấy lau, chăn ga, gối đệm... Đây đều là những chất dễ bắt lửa và khi có lửa sẽ nhanh chóng bùng phát cả khu vực, tạo ra nguồn khí rất độc hại.

Nguy hiểm hơn là hầu hết các điểm này phần lớn cơi nới, cải tạo để sản xuất, kinh doanh nên diện tích, hệ thống điện, nước không bảo đảm cho việc phòng chống cháy nổ. Đáng lo ngại hơn là phần lớn các nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đều có kiến trúc dạng nhà ống, chỉ có một lối ra vào. Để bảo đảm an ninh, các nhà thường lắp cửa xếp hoặc cửa cuốn. Các tầng hàn song sắt ở phần hiên nên khi xảy ra cháy nổ người trong nhà rất khó tìm đường thoát và lực lượng chữa cháy cũng khó tiếp cận để cứu nạn.

Một vụ thương tâm và điển hình cho việc nhà không bảo đảm điều kiện chữa cháy và cứu nạn dẫn đến 2 mẹ con phải chết thảm là vào hồi 3 giờ 19 ngày 1.9.2019, tại nhà chị Nguyễn Thị P., điểm kinh doanh tạp hóa ở thôn Tiên Tảo, xã Thanh An (Thanh Hà). Vụ cháy khiến toàn bộ hàng hóa bị thiêu rụi, chị P. và con gái sinh năm 2018 do mắc kẹt trong phòng ngủ trên gác xép nên đã tử vong.

Theo tổng hợp của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) từ năm 2019 đến tháng 4.2021, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy ở nhà dân kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Không chỉ thiệt hại về người, tài sản của người dân trong các vụ cháy bị thiêu rụi hoàn toàn.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ cửa hàng tạp hóa ở khu dân cư Khánh Hội, phường Nam Đồng (TP Hải Dương) chia sẻ: "Nhà tôi luôn có lượng hàng hóa lớn để tại kho cũng như bày ngoài cửa hàng nên đã chú ý đến thiết kế đường điện, hệ thống vòi phun nước trên trần nhà, có đường thoát hiểm phía sau nhà nhưng gia đình chưa được tập huấn về phòng cháy, chữa cháy, chưa trang bị bình cứu hỏa tại chỗ vì chưa biết sử dụng".

Nhiều cơ sở sản xuất, nhà kho nằm xen kẹp trong khu dân cư có nguy cơ cháy rất cao và đe dọa đến tài sản, tính mạng của người dân sống cạnh đó. Hơn 12 giờ ngày 6.5, nhà kho một tầng, rộng 370 m2 chứa giấy vệ sinh và nước tẩy rửa tại thôn Xuân Kiều, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) bốc cháy dữ dội. Nhiệt tỏa ra từ vụ cháy lớn làm nhà anh H.V.C. nằm sát kho bị hư hỏng nặng. Anh C. xây ngôi nhà này cách đây 1 năm.

Mở đợt cao điểm

Trước những diễn biến phức tạp và nhằm hạn chế thấp nhất xảy ra cháy cũng như thiệt hại về người, tài sản, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch mở đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh từ ngày 5.5 đến ngày 15.10.2021. UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đến các cấp, ngành, khu dân cư, người dân. Các địa phương cũng như mỗi gia đình thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ".

Các ngành chức năng đã tích cực kiểm tra kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, lập biên bản chỉ rõ những vi phạm, nhất là tại các gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh và yêu cầu ký cam kết khắc phục hạn chế, vi phạm. Tham mưu UBND các cấp một số giải pháp như bố trí các tuyến đường bảo đảm cho xe chữa cháy di chuyển, hoạt động theo đúng quy định; bố trí các trụ cấp nước, nguồn nước, bến lấy nước phục vụ chữa cháy.

Thông qua công tác kiểm tra, UBND cấp huyện đã chủ động phát hiện các điều kiện bất thường về giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy; tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các trường hợp lấn chiếm lối đi chung, tháo dỡ các vật cản trên đường làng, ngõ xóm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chữa cháy, cứu người, cứu tài sản khi có sự cố cháy nổ.

Trung tá Phạm Đức Thuận, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho biết để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ ở khu dân cư, hộ, điểm sản xuất, kinh doanh có vai trò rất quan trọng của UBND cấp xã. Các địa phương cần thành lập, kiện toàn, củng cố lực lượng dân phòng, ban hành quy chế hoạt động và bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Ngoài ra, các địa phương cần thường xuyên tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, chuẩn bị sẵn phương án chữa cháy, cứu người, cứu tài sản khi có cháy; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân, tuần tra, canh gác trên địa bàn, nhất là vào thời điểm ngoài giờ làm việc, ban đêm, ngày nghỉ để chủ động phát hiện, dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh...

DANH TRUNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/an-ninh-trat-tu/nha-o-ket-hop-san-xuat-kinh-doanh-hiem-hoa-khi-chay-no-167214