Nhà ở xã hội: Giấc mơ của người lao động – Bài 2: Bao giờ cung đuổi kịp cầu?
Có thể được sở hữu một căn nhà sau nhiều năm bôn ba, không phải thuê trọ là mơ ước của nhiều công nhân. Thế nhưng, thực tế, số tiền dành mua nhà ở xã hội là quá sức so với thu nhập của phần lớn công nhân, người lao động hiện nay. Và có thể mua được một căn nhà, họ sẽ phải lên kế hoạch tích lũy, đi vay rồi gần như phải cày cuốc cả cuộc đời để trả nợ...
Nhu cầu cấp bách
Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân thu nhập thấp tại các khu công nghiệp khoảng 2,4 triệu căn cho giai đoạn 2021-2030. Nếu tính tất cả nguồn cung đã hoàn thành và nguồn cung của tương lai, thị trường còn thiếu hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội, tương đương với 51% tổng nhu cầu.
Trước nhu cầu cấp bách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để “an cư, lạc nghiệp”, ngày 1/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030. Đây là tin vui với rất nhiều người lao động, công nhân, những đối tượng thu nhập thấp đang sống tạm bợ trong những căn nhà trọ ẩm thấp. Theo đó, họ sẽ có cơ hội được thuê, mua nhà ở xã hội với giá ưu đãi - điều mà luôn là một niềm mơ ước tưởng như rất xa vời với phần lớn người lao động, công nhân, người thu nhập thấp hiện nay. Tuy nhiên, thực tế thì, nhiều ý kiến cho rằng, hiện thực hóa giấc mơ nhà ở cho công nhân không dễ thực hiện.
Báo cáo tổng hợp của Bộ Xây dựng thu thập ý kiến của người dân, cơ quan, các bộ, ngành trong cả nước cho hay, kết quả phát triển nhà ở xã hội thời gian qua chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn vừa qua rất thiếu. Cả nước mới quy hoạch, bố trí được 36,34% diện tích đất so với nhu cầu đến năm 2020.
Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, Hà Nội có trên 250.000 doanh nghiệp (DN) với khoảng 2,5 triệu lao động và 10 khu công nghiệp; khu công nghệ cao Hòa Lạc với 661 DN và khoảng 165.000 lao động. Trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm trên 80%). Trong quý I/2023, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng.
Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động thành phố, với mức thu nhập như trên chưa thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người lao động.
Về vấn đề chỗ ở, ông Hùng cho biết, hiện nay, ngoài 3 khu công nghiệp là: Thạch Thất (Quốc Oai), Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của công nhân lao động thì các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân. Tức là khoảng trên 80% người lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư, chịu nhiều chi phí như thuê nhà, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao. Tình trạng này lại càng khó khăn với công nhân lao động ở các khu công nghiệp và chế xuất.
Còn theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về tình hình triển khai nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp theo Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, Tổng LĐLĐ đã hoàn thành đầu tư thí điểm 1 dự án thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam gồm: 5 block nhà ở cao tầng với 244 căn hộ; 1 nhà đa năng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn bộ khu đất xây dựng thiết chế.
Đối với việc thực hiện xây dựng nhà ở theo Đề án tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4/11/2020 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg, đến nay đã tổ chức đầu tư xây dựng công trình nhà đa năng và hạ tầng kỹ thuật tại khu thiết chế công đoàn Tiền Giang (dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2023).
Nhiều vướng mắc
Theo đánh giá của giới chuyên gia, mặc dù có nhiều dự án đã được triển khai nhưng "cung" vẫn chưa đủ "cầu" do thiếu quỹ đất để xây nhà ở xã hội; vướng mắc thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; thiếu nguồn vốn ưu đãi; cơ chế khuyến khích chưa thực chất để thu hút DN; thủ tục đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn phức tạp, kéo dài. Một số tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ quy định pháp luật về nhà ở xã hội do các chế tài xử lý còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh.
Ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Triển khai đề án thiết chế công đoàn trong đó có xây dựng các nhà ở xã hội cho công nhân hiện đang vướng về Luật Đất đai, Luật Nhà ở. Hiện Tổng LĐLĐ cũng đã có đề xuất để tháo gỡ khó khăn này, trong đó có việc giao cho Tổng LĐLĐ xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động.
Tính tới thời điểm này đã có 35 tỉnh, thành giới thiệu địa điểm rộng từ 3ha đến 7ha để xây dựng khu nhà ở cho công nhân. “Nếu các vướng mắc được tháo gỡ thì việc xây dựng chỉ trong 1 năm là xong. Hiện nay, mới có tỉnh Hà Nam xây dựng thí điểm khu nhà ở cho công nhân lao động với 244 căn và Tiền Giang mới xây dựng khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng” - ông Nghĩa cho hay.
Còn theo nhận định của ông Trần Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội: Khó khăn với các khu công nghiệp – khu chế xuất trên địa bàn là quỹ đất, vốn. Tuy nhiên, thực tế là, các nhà đầu tư không mặn mà lắm với xây dựng nhà xã hội bởi lợi nhuận không cao.
Ở góc độ DN, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành cho biết, mức lãi vay hiện nay là quá cao, không phù hợp với nhà ở xã hội. DN có trách nhiệm phải đảm bảo tiến độ, đảm bảo giao căn hộ đúng thời gian cho người mua. Bởi sự chậm trễ của DN là người mua nhà phải đối diện với câu chuyện vừa tốn tiền thuê nhà vừa phải đóng lãi vay ngân hàng. Theo ông Nghĩa, làm nhà ở xã hội là hướng đến mục tiêu an cư cho người lao động, chứ không nhất thiết là “cầm trên tay giấy sở hữu nhà đất”.
Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Trương Anh Tuấn cho rằng, công nhân, người lao động không thể mua được nhà với lãi suất 9-10%, lãi suất này chỉ phục vụ cho chủ đầu tư. Ngân hàng cho vay lãi suất 4,8-5%, công nhân, người lao động mới mua được nhà.
Chính phủ, ngân hàng, địa phương phải có chính sách cho vay vốn ưu đãi. Đây là vấn đề vướng mắc nhất, cần phải được giải quyết. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng phải có tiếng nói mạnh hơn như gói vay lãi suất 4,8% cho công nhân.
Nói về những khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở xã hội, tại hội thảo góp ý kiến về Luật Nhà ở (sửa đổi) tổ chức mới đây tại TPHCM, nhiều ý kiến cho rằng, đa phần công nhân lao động đang tạm trú tại các nhà trọ, việc tích lũy mua nhà rất khó khăn. Để công nhân có thể tiếp cận được với nhà ở xã hội, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi cho công nhân, nhất là công nhân ngoài tỉnh được mua nhà ở xã hội, nhà dành cho người có thu nhập thấp.
Đặc biệt, tạo điều kiện cho công nhân lao động được tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng Chính phủ vừa triển khai để thúc đẩy nhà ở xã hội. “Chính phủ có những giải pháp để công nhân lao động dễ dàng tiếp cận nguồn vốn; tạo cơ chế chính sách, nguồn vốn vay lãi suất thấp cho các DN thực hiện chương trình nhà ở xã hội cho công nhân, qua đó giúp công nhân lao động có những sản giá rẻ phù hợp với tiền lương của người lao động” - anh Hoàng Văn Dũng - Công ty Cổ phần nhựa Minh Hùng kiến nghị.
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, hiện nay nhu cầu nhà ở của công nhân rất cao, đặc biệt là công nhân di cư. Tuy nhiên, hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất đều không đáp ứng đủ nhu cầu này. Với thu nhập khoảng 6-9 triệu đồng/tháng của công nhân di cư, mua nhà ở là việc rất khó khăn, thậm chí phải mất đến vài chục năm tích lũy, vì vậy, có đến 80 - 90% công nhân phải thuê trọ tại khu dân cư. Kết quả điều tra tại 16 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, có tới 41% công nhân trong các doanh nghiệp mong muốn có nhà ở phù hợp, giá rẻ, gần nơi làm việc, đảm bảo sinh sống.
(Còn nữa)