Nhà ở xã hội: Món nợ của chính quyền đô thị

Trước tình cảnh nhiều hộ gia đình ở trung tâm TP.HCM đang phải sống trong nhà cửa chật chội, bất tiện, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống..., phát biểu kết luận hội nghị lần thứ 31 Ban chấp hành Đảng bộ ngày 14.6 vừa qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã yêu cầu phải giải quyết dứt khoát, không để người dân chịu đựng tình trạng này lâu hơn nữa.

Nhu cầu thì lớn…

Trong phiên thảo luận tổ trước đó, Bí thư quận 1 Dương Anh Đức cho biết, ngay giữa khu trung tâm TP.HCM (quận 1), có những gia đình nhiều người nhưng chỉ có một chỗ ngủ, phải chia ca để ngủ. Có khu đất chỉ rộng 15m2 nhưng có tới 4 - 5 hộ dân sinh sống. Ông đề xuất có cơ chế đặc biệt để giải quyết khó khăn này. Trong đó, có giải pháp cho phép xây dựng công trình vượt độ cao, tăng hệ số sử dụng đất.

“Cần phải có giải pháp đặc biệt giải quyết một cách dứt khoát, không thể để người dân phải chịu đựng tình trạng này dài hơn nữa”, Bí thư Nên chỉ đạo. Theo ông, cần có biện pháp mang tính đột phá cho vấn đề này.

Cũng cần nhắc lại rằng, ngay trong cao điểm dịch Covid-19 (2020 - 2022), khi hàng loạt cư dân Sài Gòn khốn đốn trong đại dịch, buộc phải rời nhà vào các điểm “cách ly tập trung” và người lao động nhập cư thì rời bỏ những căn nhà trọ tồi tàn về quê để trốn dịch, điều kiện sống thê thảm của không ít cư dân thành phố này cũng đã bộc lộ.

Vấn đề xây dựng và cung ứng nhà ở xã hội (NƠXH) đúng tiêu chuẩn cho bộ phận dân cư thu nhập thấp, công nhân lao động nghèo ở các đô thị đã được đặt ra từ lâu. Đó là một món nợ của các chính quyền đô thị đối với một bộ phận quan trọng cư dân đô thị.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, cả nước có 1,7 triệu công nhân có nhu cầu nhà ở; 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở, tức là cần xây dựng 700.000 căn hộ. Theo số liệu gần nhất (tháng 7.2021), toàn quốc chỉ có 330.000 công nhân trong các khu công nghiệp được có nhà ở giá rẻ tại chỗ, trên diện tích đất 250 ha.

Ngay giữa trung tâm TP.HCM, mỗi căn nhà tại khu Mả Lạng chỉ vỏn vẹn 6 - 10m2. Ảnh: Thanh Tùng

Ngay giữa trung tâm TP.HCM, mỗi căn nhà tại khu Mả Lạng chỉ vỏn vẹn 6 - 10m2. Ảnh: Thanh Tùng

Như vậy, ở nước ta lao động công nhân trong nhà máy xí nghiệp có khoảng 14,3 triệu người (14% dân số), tạo ra 70% thu ngân sách, nhưng diện tích đất dành để xây nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp chưa bằng 1/10 diện tích khu đô thị Phú Mỹ Hưng (2.600 ha).

Cần nhắc lại rằng, 3 tháng trước, vào ngày 16.3.2024, Chính phủ cũng đã tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển NƠXH.

Tại hội nghị này, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, thủ tục về đất đai, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng… ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng NƠXH thời gian qua. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp đẩy nhanh thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030” mà Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt số 388/QĐ-TTg trước đó gần 1 năm, vào ngày 3.4.2023.

... Nhưng đầu tư còn hạn chế

Trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023, trên địa bàn cả nước có 499 dự án NƠXH đã được triển khai với 411.250 căn, trong đó: 72 dự án với 38.128 căn đã hoàn thành; 129 dự án với 114.934 căn đã khởi công xây dựng; 298 dự án với 258.188 căn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về NƠXH rất lớn, nhưng việc đầu tư NƠXH còn hạn chế so với mục tiêu của đề án đến năm 2025 (Hà Nội chỉ 3 dự án, 1.700 căn đáp ứng 9%; TP.HCM 7 dự án, 4.996 căn đáp ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án, 2.750 căn đáp ứng 43%), hoặc một số địa phương không có dự án NƠXH nào khởi công từ năm 2021 đến nay.

Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển NƠXH trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp; ngoài quỹ đất 20% NƠXH trong các dự án nhà ở thương mại, hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án NƠXH độc lập.

Nghịch lý là cũng tại TP.HCM đang có hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang. Ảnh: Báo Tiền phong

Nghịch lý là cũng tại TP.HCM đang có hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang. Ảnh: Báo Tiền phong

Để có 130.000 căn hộ NƠXH trong năm 2024

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5.1.2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cả nước nỗ lực hoàn thành khoảng 130 nghìn căn hộ NƠXH trong năm 2024.

Để đạt mục tiêu này cần:

1. Tích cực rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về phát triển thị trường bất động sản, trong đó có các nội dung liên quan đến NƠXH.

2. Triển khai và hoàn thành nhiều dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân, góp phần hỗ trợ người có thu nhập thấp, công nhân, người lao động “an cư lạc nghiệp”.

3. Gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng dù còn khó khăn nhưng đạt được những kết quả bước đầu, góp phần thúc đẩy phát triển NƠXH, nhà ở công nhân tại các địa phương.

4. Cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh được tăng cường; phân cấp, phân quyền, kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh.

5. Các địa phương quan tâm, bố trí quỹ đất phát triển NƠXH.

Để phát triển NƠXH, trong đó có triển khai nhanh, hiệu quả đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước tập trung xây dựng, sớm ban hành các nghị định, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan đến triển khai các dự án NƠXH như: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện dự án NƠXH.

Nguyên nhân trì trệ và giải pháp khắc phục

Nói vắn tắt, NƠXH là một phần quan trọng trong chính sách an sinh xã hội, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân có thu nhập thấp và góp phần giảm bớt sự chênh lệch về điều kiện sống trong xã hội. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, chính sách này vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập cần được khắc phục:

1. Quy hoạch và phân bổ ngân sách chưa hiệu quả

Một trong những vấn đề lớn nhất là quy hoạch và phân bổ ngân sách không đồng bộ, thiếu minh bạch. Các dự án NƠXH thường được triển khai mà không có sự liên kết chặt chẽ với kế hoạch tổng thể phát triển đô thị, dẫn đến tình trạng “đầu tư manh mún” và không đáp ứng được nhu cầu thực tế.

2. Tiêu chuẩn xác định đối tượng hưởng lợi không rõ ràng

Tiêu chuẩn để xác định đối tượng được hưởng lợi từ chính sách NƠXH còn mơ hồ và thiếu tính khả thi. Điều này gây khó khăn trong kiểm soát và đảm bảo rằng nguồn lực được phân bổ một cách công bằng và hiệu quả.

3. Thủ tục pháp lý phức tạp

Thủ tục pháp lý liên quan đến xây dựng và mua bán NƠXH còn rườm rà, thiếu linh hoạt, làm tăng chi phí và kéo dài thời gian hoàn thành các dự án.

4. Chất lượng xây dựng không bảo đảm

Chất lượng của các dự án NƠXH cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Một số dự án không đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn và tiện ích, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

5. Sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế

Sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân trong phát triển NƠXH còn hạn chế do các rào cản về tài chính và pháp lý, khiến cho nguồn lực từ khu vực này không được khai thác hiệu quả.

6. Thiếu đồng bộ trong chính sách hỗ trợ

Chính sách hỗ trợ tài chính và vay vốn cho người mua NƠXH còn thiếu đồng bộ và không đáp ứng được nhu cầu thực tế, khiến cho việc tiếp cận nguồn vốn trở nên khó khăn hơn.

Để khắc phục những bất cập trên, cần triển khai một loạt các giải pháp đồng bộ và hiệu quả:

1. Cải thiện việc quy hoạch và phân bổ ngân sách

Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa quy hoạch NƠXH với kế hoạch tổng thể phát triển đô thị, đồng thời tăng cường tính minh bạch trong quản lý và sử dụng ngân sách.

2. Làm rõ tiêu chuẩn đối tượng hưởng lợi

Cần xác định rõ ràng tiêu chuẩn đối tượng hưởng lợi từ chính sách NƠXH, đảm bảo tính công bằng và khả thi trong phân bổ nguồn lực.

3. Đơn giản hóa thủ tục pháp lý

Thủ tục pháp lý liên quan đến NƠXH cần được đơn giản hóa để giảm bớt gánh nặng cho các bên liên quan và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án.

4. Nâng cao chất lượng xây dựng

Cần thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng xây dựng nghiêm ngặt và có biện pháp giám sát chặt chẽ để đảm bảo an toàn và tiện ích cho người dân.

5. Khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân

Cần loại bỏ các rào cản về tài chính và pháp lý để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào phát triển NƠXH, qua đó tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực này.

6. Đồng bộ hóa chính sách hỗ trợ

Chính sách hỗ trợ tài chính và vay vốn cho người mua NƠXH cần được xem xét lại để đảm bảo hiệu quả và phù hợp với nhu cầu của người dân.

Ngoài ra, dù đã có nhiều sáng kiến đề xuất nhằm định hình các thay đổi trong chính sách phát triển NƠXH, nhưng vẫn chưa đủ để thu hút các nhà đầu tư tham gia thị trường này. Điều này cho thấy việc cải thiện chính sách NƠXH vẫn là một quá trình đang diễn ra và cần được tiếp tục theo dõi để đánh giá hiệu quả của các biện pháp mới.

Đoàn Khắc Xuyên

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nha-o-xa-hoi-mon-no-cua-chinh-quyen-do-thi-44235.html