Nhà phao nổi giúp người dân Hương Khê chống lũ an toàn
Trận lũ vừa mới đây đã cho thấy hiệu quả của loại hình nhà phao tại xã Điền Mỹ (Hương Khê, Hà Tĩnh).
Video: Ông Dương Kim Thành (thôn Trung Tiến, xã Điền Mỹ, Hương Khê) chia sẻ về làm nhà phao chống lũ.
Đã quá quen với những lần đài báo thông tin mưa lũ, thế nhưng, thay vì hốt hoảng hoặc chủ quan, ông Dương Kim Thành (thôn Trung Tiến, xã Điền Mỹ) lại vững tâm hơn khi có nhà phao chống lũ.
Thay vì kê hết đồ đạc lên cao trong căn nhà cấp 4 của mình, ông Thành lại chọn chuyển tất cả đồ đạc quan trọng, thực phẩm dự trữ... vào nhà phao để chờ lũ đến. Ông Thành chia sẻ, ngày trước, người dân leo lên chạn, mái nhà khi nước lũ dâng ca, nhưng những năm gần đây, nước ngập quá nóc nhà cộng với việc không có nhiều kinh phí để xây nhà cao tầng nên ông Thành đã sáng tạo nên nhà phao lấy ý tưởng của những chiếc lồng bè nuôi thủy sản.
Căn nhà rộng 32m2, cao 3m của ông Dương Kim Thành đã giúp gia đình ông trải qua 2 mùa lũ an toàn.
"Năm 2018, tôi học hỏi và tự làm nhà phao tránh lũ với diện tích 35m2, chiều cao 3m. Nhà phao được thiết kế bằng 4 - 6 thùng phuy trở lên tùy lớn hay nhỏ. Các thùng phuy này được cố định ở 4 góc bằng sắt hoặc thanh thép. Lúc đầu tôi nghĩ là làm tạm nên dùng vật liệu từ gỗ hoặc tre nứa để làm sàn và mái che. Tuy nhiên, sau khi chuyển sang sắt thép thì thấy phù hợp hơn nên dùng làm nhà cố định.
Điểm nhấn của căn nhà là những chiếc thùng phuy rỗng cỡ lớn có sức nâng ngôi nhà nổi trên mặt nước.
Ưu thế của loại nhà này là nhẹ và dưới “móng” có gắn những thùng phuy đủ sức nâng nhà lên mặt nước. Nhà phao được cố định bằng 2 cây cọc cắm xuống đất để không bị xô lệch hoặc nước cuốn trôi. Sau khi hoàn thiện, nhà phao sẽ hoạt động theo nguyên lý nước lên thì nhà lên, nước xuống thì nhà cũng xuống.
Từ thóc gạo...
...đến đồ đạc vật dụng trong nhà đều có thể mang lên nhà phao.
Ngôi nhà phao của ông Thành có trọng tải 6 tấn, ngoài việc đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình thì có thể chứa được đồ đạc vật dụng trong nhà, từ bàn ghế, lúa gạo cho tới giường chiếu... như một căn nhà thu nhỏ.
Giờ đây, khi vừa trải qua một cơn lũ lịch sử nhưng tính mạng và tài sản được bảo toàn, ông Thành lại thêm tự tin khoe với mọi người: “Có nhà mới rồi, lũ đến thì đứng trên gác vẫy tay chào lũ ra khỏi nhà thôi”.
Nhà phao còn được ông Thành sử dụng để che chở cho đàn gia cầm như gà, vịt... trong những ngày mưa lũ.
Câu nói của ông Thành truyền cảm hứng và động lực đối với rất nhiều người dân sinh sống trong khu vực thường xuyên đối mặt với thiên tai. Với chi phí xây dựng mỗi nhà từ 15 - 30 triệu tùy kích thước, phù hợp với đại đa số thu nhập của bà con, chỉ mất 3 - 4 ngày công, 2 người đã có thể làm một nhà phao chống lũ.
Ông Trần Thanh Hải (thôn Trung Tiến, xã Điền Mỹ) bày tỏ: “Nhà phao có tác dụng chống lũ rất lớn, có thể xây dựng theo nhu cầu của người sử dụng. Khi lũ lên, nhà phao giúp người và tài sản tránh lũ; khi khô ráo lại có thể sử dụng như nhà kho cất trữ đồ đạc, lương thực hay thậm chí còn trở thành một tiệm tạp hóa nhỏ".
Những chiếc nhà phao nổi tại “rốn lũ” Điền Mỹ giúp hạn chế thiệt hại cho người dân trong thiên tai.
Ông Trần Tiến Chương - Chủ tịch UBND xã Điền Mỹ cho biết: “Hiện nay, có một số hộ dân đã làm nhà phao chống lũ và mang lại hiệu quả cao. Đây là sáng kiến hữu hiệu giúp đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân. Chi phí cũng không quá lớn nên thời gian tới, địa phương sẽ động viên người dân làm nhà phao để sống chung với lũ một cách an toàn”.