Nhà phê bình Ngô Thảo: Thâm trầm đổ bóng

Nhắc đến nhà phê bình Ngô Thảo, thì trong giới nhà văn, nghệ sĩ, hầu như tất cả mọi người đều biết đến ông, với tình cảm trìu mến. Vầng trán cao, đôi mắt chăm chú sau cặp kính trắng giản dị, chất giọng miền Trung vừa đủ nghe, vừa đủ ấm áp nhưng đôi khi cũng thòng một câu châm chọc sâu cay sau nụ cười mỉm giễu cợt. Ngô Thảo được yêu nhiều không chỉ bởi vậy, ông còn như một người anh cả, rộng lòng bao dung và luôn chỉ bảo, hỗ trợ cho lớp đàn em vững tay, vững tâm với nghề viết.

Dựng lên một sử văn

Trong giới cầm bút, nhà phê bình Ngô Thảo không chỉ thuộc diện “cây cao bóng cả”, một huyền thoại sống còn đang ở lại với chúng ta, mà ông còn là một người thầy thầm lặng cho lớp lớp các cây bút trẻ. Tuy ông chẳng lên lớp bao giờ, nhưng bằng những lần tập hợp các cây viết ở cả trong Nam, ngoài Bắc trong những bữa ăn trưa (mà ông luôn là người hào phóng chiêu đãi tất cả mọi người), ông đã trao không chỉ thức ăn ngon trời đất ban cho, còn tạo không khí vui vẻ cởi mở giữa những cây bút thuộc nhiều lứa tuổi. Và hơn hết là, ông tặng cho tất cả mọi người những bài học về nghề quý giá, qua những câu chuyện, những chiêm nghiệm có phần ngẫu hứng trong bữa ăn.

Sách Nghiêng trong bóng chiều.

Sách Nghiêng trong bóng chiều.

Mới đây, ở tuổi 80, nhà phê bình Ngô Thảo đã khiến nhiều người trong giới viết văn ngạc nhiên khi ông xuất bản cuốn sách “Nghiêng trong bóng chiều”. Vậy ra, ở cái tuổi tưởng như chỉ có nghỉ ngơi, thì ông vẫn tràn đầy năng lượng làm việc, viết, sống và truyền lửa viết cho chúng tôi, những người cầm bút ở thế hệ con, cháu của ông. Tiếp sau đây sẽ là 2 cuốn sách đang in (“4 nhà văn Nhà số 4”; “Lặng lẽ những đời văn”), đều cùng thể loại chân dung các nhà văn Việt Nam. Với cuốn “Nghiêng trong bóng chiều”, Ngô Thảo đã dựng lên một sử văn quý giá trong giai đoạn đặc biệt của dân tộc, gồm chân dung 15 nhà văn, nhà thơ sống và viết trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Đó là những cái tên đã ghi đậm dấu ấn không chỉ trong văn học Việt Nam, mà cả trong trang sử hào hùng của dân tộc trong cuộc chiến tranh chống giặc Pháp, Mỹ xâm lược: Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Văn Phác, Thu Bồn, Phan Quang, Phạm Ngọc Cảnh… Mỗi chân dung nhân vật là một bức họa kỳ công của Ngô Thảo, khi ông miêu tả chân thực không chỉ tài văn, sức sống, tính cách, mà còn cả triết lý cá nhân của mỗi người. Do đó, với mỗi “bức họa” nhân vật mà Ngô Thảo dựng nên, chính là một bài học cho thế hệ mai sau, về lối sống, ý chí, lý tưởng cao đẹp của những người Việt tinh hoa và những kỹ năng sống thực tế có tác dụng truyền cảm hứng ngay lập tức.

Ngô Thảo viết: “Nếu số nhà văn thế hệ chống thực dân Pháp được tính bằng con số hàng chục, thì số tác giả thuộc thế hệ chống Mỹ cứu nước là hàng trăm. Cả một thế hệ vào đời với ý thức góp sức mình hoàn thành nghĩa vụ chung là giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc. Thực tế sôi động, hào hùng và bi tráng của cuộc chiến đấu đã tạo nên nguồn cảm hứng mạnh mẽ buộc họ cầm bút. Chính vì thế, ngay cả với những người được đào tạo bài bản về văn chương, thì khi sáng tác, họ vẫn có niềm tự tin, tự hào của người trong cuộc chiến đấu “của chúng ta làm, ca ngợi chúng ta” (Chính Hữu), nên ít bị gò bó về tìm tòi hình thức thể hiện. Ở đây, chính vị trí của người cầm bút là người chiến sĩ trực tiếp cầm súng chiến đấu đã tạo nên tâm thế hào sảng cho văn học trong những năm chiến tranh. Lo nỗi lo chung của đất nước, sẵn sàng đem lồng ngực tuổi thanh xuân chắn những viên đạn kẻ thù bắn về phía Tổ quốc, phía nhân dân, là ngọn lửa ấm và sáng, tràn đầy lạc quan qua hầu hết các tác phẩm văn học thời chiến, đó là di chúc tinh thần mà thế hệ các nhà văn tham gia cuộc chiến tranh, qua các tác phẩm của mình muốn truyền lại cho thế hệ kế tiếp.”

Ngô Thảo tặng sách văn học cho chiến sĩ đảo Cồn Cỏ.

Ngô Thảo tặng sách văn học cho chiến sĩ đảo Cồn Cỏ.

Người trao ngọn lửa ấm sáng

Bằng nỗ lực làm việc bền bỉ, bất chấp tuổi tác và bệnh trạng, nhà phê bình Ngô Thảo chính là người đón ngọn lửa ấm và sáng ấy, giữ lửa và tiếp tục truyền lửa cho thế hệ cầm bút sau này, để từ trang viết của các nhà văn lớp sau, lan tỏa sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt, để chiến thắng trong đời sống hôm nay, giữa những cạnh tranh khốc liệt về thương mại, kinh tế, văn hóa với kẻ thù không chỉ từ bên ngoài, mà từ bên trong mỗi chúng ta.

Đọc “Nghiêng trong bóng chiều” của Ngô Thảo, không chỉ giới cầm bút, mà thế hệ trẻ nói chung đều có thể tìm thấy cho mình một hình mẫu để chiêm nghiệm, noi theo mà sống tự tin và có chí hướng trong cuộc đời hiện đại với những hỗn loạn có thể nhấn chìm tinh thần của bất cứ ai. Không những vậy, ẩn sau những bức chân dung lồng lộng của các nhân vật mà Ngô Thảo ta vẫn thấy thâm trầm một bóng khác, hình bóng của chính người viết, phía sau mỗi con chữ chắt lọc mà ông hào phóng tặng cho tất cả chúng ta. Ông đã làm thế, với tình yêu lớn dành cho nghề viết, người viết và cả cuộc sống này, đất nước này. Nếu như ông không cẩn thận, kỹ lưỡng mô tả, viết ra, thì hẳn là kho báu tinh thần, di sản văn hóa một thời oanh liệt của những người anh hùng cầm bút sẽ bị thất thoát, mai một, và thế hệ sau khó có thể học được bài học quý giá đó.

Nhà văn Ngô Thảo không chỉ vượt qua cuộc chiến tranh ác liệt bậc nhất để trở về nguyên vẹn với gia đình, với cuộc sống hôm nay, ông còn vượt qua cả quy luật ác nghiệt của căn bệnh nan y, để sống và viết bền bỉ, để tiếp tục xây dựng tinh thần cho thế hệ sau qua những bài học vĩnh cửu về nghĩa sống và lẽ chết.

Nhà văn Nguyễn Bảo (Nguyên TBT tạp chí Văn nghệ Quân đội):

“Hồi tôi về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ quân đội, thì nhà phê bình Ngô Thảo đã làm việc ở đó trước tôi. Ông làm ở Ban Lý luận phê bình. Ngô Thảo viết chắc tay, và khi đã viết về bất cứ ai, ông đều tìm hiểu kỹ lưỡng, cẩn thận, viết thâm trầm, sắc sảo, đầy đủ và nhân hậu. Đó là một người viết bền bỉ, trung thực, mẫu mực bậc nhất mà tôi biết. Tôi rất kính trọng ông ấy.”

Kiều Bích Hậu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nha-phe-binh-ngo-thao-tham-tram-do-bong-n178684.html