Nhà quân sự nhiều lần làm rúng động Lầu Năm Góc
Sinh ra trong một gia đình khá giả ở xã Long An, quận Long Thành, được lên Sài Gòn học trường Tây rồi về làm Thầy Ký sở Kho bạc Biên Hòa với cuộc sống phong lưu, êm ấm, nhưng sớm nhận ra bộ mặt thật của quân cướp nước, Lương Văn Nho bỏ nhiệm sở trở về Long Thành tham gia kháng chiến.
Công chức Tây đi kháng chiến
Với tinh thần yêu nước nồng nàn và kiến thức nghiệp vụ vững vàng, tháng 10-1945, Lương Văn Nho được cử làm Ủy viên Tài chánh thuộc UBND huyện Long Thành vừa được cải tổ sau khi quân Pháp quay lại gây hấn. Bị giặc Pháp tràn về đánh phá ác liệt, lãnh đạo huyện Long Thành họp bàn và quyết định chia chiến trường Long Thành thành 4 khu chiến đấu. Ủy viên Lương Văn Nho lấy bí danh là Hai Nho được giao phụ trách khu IV gồm tất cả các xã dọc đường 15 (nay là quốc lộ 51) và các sở cao su.
Sau khi nối được liên lạc, tỉnh chỉ đạo Long Thành đổi thành Ủy ban Hành chánh kháng chiến huyện, Giải phóng quân Long Thành trở thành Đại đội C do Hai Nho chỉ huy.
Vào giữa tháng 9-1947, trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, Ủy ban Hành chánh kháng chiến Long Thành đổi thành Ủy ban Kháng chiến hành chánh, Đại đội trưởng Hai Nho lại được chỉ định kiêm chức Chủ tịch huyện.
Khi chiến trường trở nên ác liệt, Hai Nho thôi công tác quản lý nhà nước mà bước hẳn vào binh nghiệp, được giao chỉ huy Tiểu đoàn Quang Trung thuộc Trung đoàn 310 với nhiệm vụ đưa quân lên chiến khu Bình Đa mở mặt trận áp sát thị xã Biên Hòa. Đến giữa năm 1949, Tiểu đoàn trưởng Hai Nho được cử làm Tỉnh đội trưởng đầu tiên của Tỉnh đội Biên Hòa, sau đó làm Tham mưu trưởng Tỉnh đội Bà Biên.
Tập kết ra miền Bắc, Lương Văn Nho được chọn đào tạo thành người chỉ huy của một binh chủng còn rất mới trong thời bấy giờ là pháo binh.
Đánh thắng sân bay “bất khả xâm phạm”
Ngày 29-9-1964, Đoàn phó U80 (mật danh của Đoàn pháo binh Miền) Hai Nhã (bí danh mới của Lương Văn Nho khi trở về miền Nam) vừa về đến Chiến khu Đ thì nhận được thư của Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Miền Trần Đình Xu cho biết là cần sử dụng gấp sơn pháo trong công tác đột xuất.
Sáng 2-10, tại cuộc họp chỉ huy, Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân sự Miền Trần Văn Trà giao nhiệm vụ: “Để bẻ gảy từng bước âm mưu tấn công khiêu khích hậu phương lớn miền Bắc, bảo vệ vùng giải phóng miền Nam, trả thù cho đồng bào ta ở Giồng Sắn, đồng thời xây dựng truyền thống của pháo binh, nay căn cứ địa hình và sơ hở của địch, căn cứ vào trình độ tác chiến và lực lượng pháo binh của ta, Bộ Chỉ huy quyết định dùng hỏa lực tập kích phá hủy phần lớn sân bay Biên Hòa…”.
Thiếu tướng Lương Văn Nho, Phó tư lệnh Quân khu 7 mất năm 68 tuổi khi đang miệt mài công việc biên soạn công trình tổng kết chiến tranh.
Đã nghiên cứu toàn bộ hồ sơ về sân bay quân sự hiện đại nhất vùng Đông Nam Á do biệt động thị xã Biên Hòa cung cấp cả hai ngày trước đó, nên Đoàn phó U80 nắm khá rõ về sân bay có diện tích đến 40km2. Hai Nhã đặc biệt chú ý đến việc bố phòng cực kỳ nghiêm ngặt với 15 lớp hàng rào thép gai với hệ thống báo động, đèn pha chiếu sáng, cứ cách 100m có lô cốt do 1 tiểu đội lính canh gác… được Mỹ rất tự hào xem là căn cứ bất khả xâm phạm.
Đoàn phó Hai Nhã phân công tổ điều nghiên đi thực địa. Theo kế hoạch, kể cả đi và về là 12 ngày. Nhưng đến ngày thứ 13, toàn tổ mới về tới và báo cáo là đã vào được hàng rào cuối cùng để quan sát sân bay, nhìn thấy tận mắt cách bố phòng, mục tiêu đếm được 36 chiếc B57 Mỹ vừa đưa từ Philippines sang, còn AD6 và trực thăng nhiều như cá trong rổ. Đo cự ly 2 trận địa pháo tương đối chính xác, còn sử dụng cây độc mộc làm hướng chuẩn và đài quan sát hiệu chỉnh đạn trong khi tập kích.
Hai Nhã nhận định khả năng bí mật vào tận nơi tập kích và bắn chính xác thì được. Còn vấn đề rút lui của phân đội hỏa lực thì thật phức tạp. Đoàn phó Hai Nhã quyết định chọn con đường bảo đảm an toàn nên ông tiếp tục cử tổ trinh sát. Tổ trinh sát báo tin rất bất lợi: Không có con đường nào khác, mà cây độc mộc được chọn làm tiêu điểm hướng khai hỏa cho trận địa chính còn bị đồng bào cưa sắp ngã.
Ngày 16-10-1964, Bộ Chỉ huy quân sự Miền triệu tập phiên họp bất thường kéo dài suốt nhiều giờ tìm phương án giải quyết. Sau cùng, Hai Nhã đề xuất: “Theo tôi, ta có thể bớt phân đội DKZ, chỉ dùng cối 81, giảm số người mang đạn, tăng trọng lượng mang đến mức tối đa có thể được, bảo đảm đủ tập kích 2 khu vực chính: B57 và AD6, bỏ các khu vực khác. Vượt sông, pháo kích và trở về đường cũ. Dùng cao xạ yểm trợ đoạn vượt sông”.
Không còn sự chọn lựa nào khác. Đoàn phó Hai Nhã trở về đơn vị tổ chức huấn luyện cấp tốc cho lực lượng sắp tham chiến.
18 giờ ngày 28-10-1964, Đoàn phó U80 Hai Nhã trực tiếp chỉ huy đơn vị hành quân đến điểm tập kết và triển khai việc phân công lực lượng; từ phân đội đánh hướng chủ yếu, hướng thứ yếu đến bộ phận yểm trợ rút lui, bộ phận làm nhiệm vụ áp chế trận địa pháo 105 của chi khu Tân Uyên, bộ phận DKZ chiếm lĩnh đoạn rừng chặn tàu địch từ Tân Uyên lên để bảo vệ bến vượt sông, bộ phận cao xạ 12 ly 8 thiết bị trận địa phòng không để yểm trợ các đơn vị vượt sông trở về. Ngoài ra còn có bộ phận đào công sự và làm bè chuối giấu sẵn hai bên bờ sông đề phòng trường hợp vượt sông phải chiến đấu…
Lúc 19h ngày 31-10, toàn bộ lực lượng tham gia chiến dịch đều qua sông an toàn.
Đúng 23h57 đêm 31-10-1964, một loạt tiếng nổ thật lớn vang dội thị xã Biên Hòa và đô thành Sài Gòn. Tiếp đó là những cột lửa bốc cao. Trận pháo kích kéo dài đến 15 phút, sau đó trong sân bay cháy nổ liên tục.
Hạ gục “tượng đài chiến thắng”
Xác định sông Lòng Tàu là “con đường vận chuyển chiến lược” trong việc phục vụ hậu cần chiến tranh cho toàn miền Nam, Mỹ nhanh chóng thiết lập 6 quân cảng từ đầu đến cuối sông Lòng Tàu.
Đoàn trưởng T10 Hai Nhã, người từng được mệnh danh là “vua pháo kích” vốn chỉ quen chỉ huy tác chiến trên mặt đất có trận địa pháo vững chắc, còn rừng Sác đất ngập mặn mênh mang sông nước, chơ vơ bãi sình lầy quả là thách thức không hề nhỏ trước nhiệm vụ mới quá nặng nề.
Anh hùng, đại tá Lê Bá Ước, nguyên Chính ủy Trung đoàn 10, một người từng gắn bó máu thịt với rừng Sác suốt thời đánh Mỹ, kể: “Đồng chí Hai Nhã quả là chỉ huy thao lược. Vừa vào T10 là đi thị sát sông Lòng Tàu rồi trực tiếp chỉ đạo đánh 2 trận vang dội, rúng động Lầu Năm Góc”.
Chiến công vang dội nhất do Đoàn 10 Đặc công rừng Sác lập nên chỉ sau chưa đầy 3 tháng hình thành đơn vị là trận thủy lôi chiến ở vàm ngã Bảy trên sông Lòng Tàu ngày 23-8-1966.
Trước đó khoảng một tuần, Đoàn 10 nhận được tin tình báo là có chiến hạm mang tên “Thần tượng Chiến thắng Baton Rouge” với thủy thủ đoàn gồm 45 sĩ quan, binh lính Hải quân Mỹ chở 100 xe thiết giáp M113 vừa xuất xưởng, 3 máy bay phản lực cùng nhiều khí tài quan trọng khác đã rời quân cảng San Francisco ngày 8-8-1966 đang trên hải trình đến Sài Gòn.
Đoàn trưởng Hai Nhã liền lập phương án đánh. Qua trực tiếp điều nghiên, ông nhận thấy mỗi khi có tàu hàng quân sự di chuyển trên sông Lòng Tàu, lực lượng Hải quân Mỹ phối hợp cùng hải quân ngụy cho tàu quét mìn đi trước mở đường, bố trí tàu hộ tống hai bên và phía sau. Vì thế, các vũ khí thông thường của du kích, bộ đội rừng Sác gần như vô hiệu trước sự phòng thủ vô cùng chặt chẽ này.
Vốn là người chỉ huy rất giỏi trong việc khai thác yếu tố bí mật và bất ngờ, sắp đến giờ G hành động, Hai Nhã cho phối kiểm lại tin tình báo để xác định chính xác là cho đến giờ phút đó địch vẫn chưa đánh hơi ra loại vũ khí tuyệt mật của mình, rồi mới cho tháo mấy cái thùng sắt mà cả hai tháng nay ông chỉ thị phải giữ thật an toàn trước những trận càn, ném bom ác liệt của địch. Ngay đến những cán bộ chủ chốt của T10 cũng không biết trong những thùng sắt bí mật đó là 4 trái thủy lôi K5 hay còn gọi là thủy lôi sừng chạm. Đích thân Đoàn trưởng Hai Nhã hướng dẫn cho tổ chiến sĩ đặc công thủy dùng bè chuối đưa trái K5 nặng 1.075kg lẳng lặng kéo ra đặt vào chỗ tàu quét mìn vừa đi qua. Trận đánh thật ngoạn mục. Chiến hạm có trọng tải 10 ngàn tấn tan xác…