Nhà rộng hơn, nhưng tình thân lại xa hơn
1. Đợt trước, vợ chồng chị Nga gom góp xây lại căn nhà cấp 4 đã quá hư dột. Vợ chồng chị một phòng, hai đứa con mỗi đứa một phòng riêng, thêm một góc nhỏ để làm việc chung. Sau chừng nửa năm chuẩn bị, gia đình chị Nga dọn về chỗ ở mới rộng rãi thoáng mát, cả nhà đều vui mừng. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, chị Nga bỗng thấy có gì đó không đúng cho lắm.
Đó là cảnh mỗi cuối ngày, ngôi nhà tưởng đâu là tổ ấm bỗng vắng vẻ, khi mạnh ai nấy rúc vào không gian riêng của mình. Chồng chị cũng hay làm thêm buổi tối, rồi có hôm ngủ lại ở chỗ phòng làm việc. Muốn gặp con, chị phải gõ cửa, đợi chúng bước ra. Lắm khi cậu con trai lớn lười biếng chỉ hỏi vọng ra rằng “có gì không mẹ”.
Vài lần như vậy, chị Nga bỗng thấy, sao mẹ con vốn thân thiết chợt như người xa lạ. Đứa con gái nhỏ cũng vậy, bới một tô cơm và mang lên phòng, bảo để vừa ăn vừa học bài lớp cuối cấp. Chị Nga biết, đấy chỉ là cái cớ để con có thể thoải mái vừa ăn vừa chat với bạn, việc mà bình thường không được phép.
2. Gia đình anh Hòa trước đây sống ở chung cư, lúc tụi nhóc còn nhỏ xíu. Sau đó, khi con lớn hơn, anh chị dành dụm được chút đỉnh, nên mua được căn nhà phố xinh xinh. Dọn “xuống đất” chưa được bao lâu, anh cũng chưng hửng khi nhận ra, con cái ngày càng cách xa, lắm khi cả ngày không thấy mặt. Cứ đi học về là chúng rúc vào phòng riêng, muốn gặp con cũng khó.
Vốn là một người giàu tình cảm, rất quan trọng sự gắn kết gia đình, càng muốn cùng con trải qua ấu thơ một cách trọn vẹn, nên sau rất nhiều cân nhắc, cuối cùng vợ chồng anh Hòa quyết định bán ngôi nhà, tiếp tục sinh sống ở chung cư. Vì diện tích nhỏ, nên có cái lợi là lũ trẻ không thể “trốn” đi đâu, ra vô thấy mặt, đụng chạm tay chân thân thiết, bữa cơm gia đình sẽ được duy trì đều đặn.
Chưa kể không gian sinh hoạt chung cũng sẽ thường xuyên được sử dụng. Anh Hòa hài lòng với lựa chọn của mình, tin rằng đó cũng là cách tốt nhất khi muốn con cái được nuôi dưỡng tình yêu thương chan hòa, biết xem trọng tình thân, gia đình.
3. Sau đợt đi du lịch kiểu “Ngày hội gia đình” với cơ quan, một ông bố đã chia sẻ: “Lâu lắm mới có dịp ở chung trong một căn hộ nhỏ xíu được đơn vị sắp xếp. Tôi thấy vừa xúc động, vừa nhớ lại cái thời có thể ôm mấy đứa trẻ trước khi đi ngủ, trò chuyện với chúng, tiếp xúc nhiều trong mấy ngày liền. Cả nhà cùng chơi mấy trò vận động thật vui. Chứ bình thường, con cái lớn lên, có phòng riêng là mất hút… Chắc sau này, nhà tôi phải thường xuyên tham gia mấy hoạt động như này mới được”!
Mọi người thích thú khi một người phụ nữ may mắn kể rằng, con tui nay cao bằng mẹ rồi, nhưng vẫn thích được mẹ xoa lưng, vỗ về mỗi tối. Đó là cái nếp nhà mà chị cố gắng duy trì, với mong mỏi có thể gắn kết giữa cha mẹ và con cái càng lâu càng tốt.
4. Các câu chuyện tương tự thật không phải hiếm gặp hay cá biệt gì trong thời buổi hiện nay, khi chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao và tình thân đôi khi trở nên rời rạc, xa cách, nhạt nhòa sau cánh cửa phòng riêng đóng chặt. Những đứa trẻ lớn lên, trốn vào thế giới của chúng với những bận tâm riêng cùng các mối quan hệ bạn bè thật và ảo.
Cha mẹ trở thành “khác biệt thế hệ” và các mâu thuẫn giận hờn tưởng vụn vặt hay được nâng quan điểm lên thành “không hiểu con”. Lũ trẻ chỉ cảm thấy thoải mái, bộc lộ bản thân khi tiếp xúc với những người hợp cạ, cùng trang lứa chẳng hạn. Không cho cha mẹ khoác vai hoặc ôm hôn, những cử chỉ thân thiết trở nên khó khăn, trong nỗi tiếc nuối và cả tiếng thở dài khó hiểu của cha mẹ. Có cậu nhóc mỗi ngày ở nhà lẳng lặng không nói chuyện, cạy miệng cũng chỉ là mấy từ cụt ngủn, dạ, rồi, chưa, không… thật buồn.
Khi được nhắc nhở, thằng bé trả lời là mình “hướng nội”, ba mẹ không biết hay sao còn hay trách cứ! Thế nhưng, khi ở giữa đám bạn thân của mình, thì cậu như cá gặp nước, nói cười, giỡn hớt sôi động. Người mẹ từ khó hiểu chuyển sang thất vọng và hoài nghi bản thân: chắc mình chưa đủ kiên nhẫn, không tâm lý nên con cái mới xa cách đến vậy. Phải làm sao đây!?
Như chị Nga, cuối cùng cũng tìm ra cách để giải bài toán “gắn kết gia đình”. Lấy lý do cần giảm chi phí điện, nước, chị đề xuất mỗi tuần sẽ có 2 ngày ngủ tiết kiệm điện. Tức là cả gia đình tập trung lại căn phòng lớn, trải thêm chăn nệm, để tắt bớt đèn và máy lạnh. Ban đầu các con chị càm ràm, muốn phản đối, nhưng dần dà cũng phải chịu khuất phục khi chị tuyên bố, ba mẹ không kham nổi chi tiêu trong nhà nữa, có thể phải cho thuê bớt phòng để trang trải. Chị Nga nói, mình đã thành công bước đầu khi có cơ hội gần gũi con hơn.
Dần dà từng chút một, các ông bố bà mẹ “lắm chiêu” cố gắng níu tay con cái vào vòng tròn quan tâm của mình. Dù thật sự chẳng dễ dàng gì, như nhiều người trong cuộc đã ngậm ngùi lưu ý: nếu nhà mà càng rộng, thì những bậc phụ huynh chúng ta sẽ càng cô đơn…
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nha-rong-hon-nhung-tinh-than-lai-xa-hon-post728018.html