Nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất châu Âu giảm kế hoạch đầu tư

Công ty Statkraft - nhà sản xuất năng lượng lớn nhất châu Âu - đang cắt giảm kế hoạch xây dựng các nhà máy điện gió và điện mặt trời mới, do giá điện giảm mà chi phí lại tăng...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Theo tờ báo Financial Times, CEO Birgitte Vartdal của Statkraft - người vừa lên cầm quyền vào tháng 4 năm nay - đã cam kết đưa ra một chiến lược “sắc bén” để ứng phó với môi trường kinh doanh ngày càng khó khăn hơn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

“Cuộc dịch chuyển từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo đang tăng tốc ở châu Âu và phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, điều kiện thị trường của toàn ngành năng lượng tái tạo đang ngày càng trở nên thách thức hơn”, bà Vartdal nói với Financial Times.

Tuy Statkraft chưa niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, diễn biến giá cổ phiếu năng lượng tái tạo gần đây đã cho thấy sự suy giảm nhu cầu đối với các loại năng lượng này.

Chỉ số S&P Global Clean Energy Index đo giá cổ phiếu của các công ty niêm yết trong lĩnh vực năng lượng sạch, như các nhà sản xuất turbine gió và tấm pin năng lượng mặt trời, đã giảm 25% kể từ tháng 7 năm ngoái tới nay. Ngoài ra, các quỹ đầu tư cổ phiếu ESG đã bị rút vốn ròng 28 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay - theo ngân hàng Barclays.

Statkraft, công ty thuộc sở hữu của Chính phủ Na Uy và chủ yếu sản xuất năng lượng từ các nhà máy thủy điện, vào ngày 27/6 đã công bố kế hoạch giảm tốc độ tăng trưởng công suất. Công ty đặt ra mục tiêu lắp đặt công suất 2-2,5 GW điện gió ngoài khơi, điện mặt trời và pin lưu trữ mỗi năm từ năm 2026 trở đi. Lượng điện này đủ cung ứng cho khoảng 2,5 triệu hộ gia đình.

Trước khi kế hoạch được điều chỉnh, mục tiêu của Statkraft là tăng công suất năng lượng tái tạo thêm 2,5-3 GW mỗi năm từ năm 2025 và 4 GW mỗi năm từ năm 2030.

Về điện gió, công ty hiện đặt mục tiêu đến năm 2040 đạt tổng công suất 6-8 GW, giảm từ mục tiêu trước đó là 10 GW.

“Chúng tôi vẫn tin tưởng mạnh mẽ vào điện gió ngoài khơi và sẽ duy trì trong lĩnh vực này, nhưng chúng tôi đang giảm bớt một phần tham vọng”, bà Vartdal nói. Năm ngoái, Statkraft mua lại công ty năng lượng tái tạo Enerfin của Tây Ban Nha với giá 1,8 tỷ euro.

Statkraft là một trong số nhiều công ty tiện ích ở châu Âu công bố giảm kế hoạch tăng trưởng trong vòng 1 năm trở lại đây. Công ty Orsted của Đan Mạch, nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, đã giảm hơn 10 GW công suất mục tiêu cho năm 2030 sau khi gặp khó khăn trong các dự án ở Mỹ.

Công ty EDP của Bồ Đào Nha cũng cắt giảm mục tiêu tăng trưởng hàng năm vào tháng 5 năm nay, với lý do “giá điện giảm và môi trường lãi suất cao kéo dài”.

Những động thái này diễn ra bất chấp các chính trị gia đẩy mạnh nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo. Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 vào năm ngoái, các quốc gia đã nhất trí nỗ lực đến năm 2030 tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo toàn cầu.

“Các dự án đã trở nên khó khăn hơn nhiều và lợi nhuận thấp. Tôi cho rằng đây không phải là một điều tuyệt vời cho cuộc chuyển đổi năng lượng. Có nhiều câu hỏi đang đặt ra đối với tốc độ của cuộc chuyển đổi này”, trưởng bộ phận năng lượng tái tạo của công ty tư vấn Rystad Energy, ông Vegard Wiik Vollset, phát biểu.

Về năng lượng hydrogen, Statkraft cắt giảm mục tiêu đối với công suất mới từ mức 2 GW mỗi năm trong thời gian từ nay đến năm 2030 xuống còn 1-2 GW mỗi năm trong thời gian đến năm 2035.

Năng lượng hydrogen được nhiều quốc gia xem là có tầm quan trọng đặc biệt đối với các mục tiêu phi carbon hóa, nhưng đòi hỏi sự hỗ trợ của nhà nước để thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng cũng như nhu cầu tiêu thụ.

Engie, công ty tiện ích quốc doanh của Pháp, đã hoãn kế hoạch phát triển các dự án hydrogen với tổng công suất 4 GW từ năm 2030 sang năm 2035, cho rằng “sự phát triển và cấu trúc của thị trường là chậm hơn so với những gì được dự báo cách đây 1 năm”.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nha-san-xuat-nang-luong-tai-tao-lon-nhat-chau-au-giam-ke-hoach-dau-tu.htm