Nhà sản xuất, nhập khẩu chính thức thực hiện trách nhiệm tái chế

Các nhà sản xuất, nhập khẩu pin, ắc quy,…sẽ phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu sau khi người tiêu dùng thải bỏ.

Từ hôm nay (1/1/2024), các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin, ắc quy, dầu nhớt và bao bì thương phẩm của một số sản phẩm sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ, quy cách tái chế bắt buộc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm hướng đến Kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững.

Đại diện Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo tỷ lệ tái chế bắt buộc trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được doanh nghiệp đưa ra thị trường hoặc nhập khẩu.

Theo đó, tỷ lệ tái chế bắt buộc cho 3 năm đầu tiên đối với săm lốp là 5%; các loại pin sử dụng cho phương tiện giao thông (như Li, NiMH) và pin sử dụng cho các thiết bị điện-điện tử là 8%; tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với ắcquy từ 8-12%, tùy từng loại (trong đó ắcquy chì 12%, ắcquy các loại khác 8%).

 Trách nhiệm tái chế bao bì bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024

Trách nhiệm tái chế bao bì bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024

Tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với bao bì là từ 10-22%, tùy từng loại (như giấy carton là 20%, bao bì giấy hỗn hợp 15%, bao bì nhôm 22%, bao bì nhựa PET là 22%, bao bì sắt và kim loại khác 20%); chai, lọ, hộp thủy tinh 15%...

Theo quy định, đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì là các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm: Thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, ximăng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế.

Riêng các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có tổng doanh thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng hoặc có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng thì không phải thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì.

Về quy cách tái chế bắt buộc, theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn nhiều giải pháp tái chế. Đơn cử như đối với săm lốp, doanh nghiệp có thể áp dụng các giải pháp tái chế như làm lốp dán công nghệ cao hoặc cắt, thu hồi bột cao su làm cốt liệu hoặc chưng phân đoạn thành dầu.

Đối với pin sạc, doanh nghiệp có thể áp dụng giải pháp tái chế như sản xuất kim loại dạng phôi hoặc hóa chất công nghiệp; sản xuất hạt nhựa tái sinh hoặc các sản phẩm phụ từ nhựa như hóa chất thương phẩm, dầu nặng, khí tổng hợp làm nguyên, nhiên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp…

Đối với dầu nhớt, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có thể áp dụng các giải pháp tái chế như chưng thu hồi dầu gốc hay loại dầu khác, hoặc chưng thu hồi dầu các phân đoạn. Với bao bì, doanh nghiệp có thể áp dụng các giải pháp tái chế khác nhau tùy thuộc loại bao bì (như bao bì giấy, giấy carton có pháp tái chế là sản xuất bột giấy thương phẩm hoặc các sản phẩm giấy như giấy vệ sinh, giấy bìa, hộp giấy).

Với bao bì nhôm, các doanh nghiệp có thể áp dụng giải pháp tái chế là sản xuất phôi nhôm hoặc sản xuất các sản phẩm khác; bao bì nhựa có thể tái chế sản xuất hạt nhựa tái sinh, sản xuất sản phẩm khác như dầu, xơ sợi…

Theo quy định, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn một trong hai phương thức thực hiện trách nhiệm tái chế. Phương thức thứ nhất là tự tổ chức tái chế (tự mình tái chế hoặc thuê đơn vị tái chế hoặc ủy quyền cho một bên khác tổ chức tái chế ) và phương thức thứ hai là nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.

Tuy nhiên, riêng với các sản phẩm điện, điện tử, theo lộ trình, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sẽ thực hiện trách nhiệm tái chế bắt buộc từ ngày 1/1/2025 và các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ôtô và xe máy) sẽ thực hiện trách nhiệm tái chế bắt buộc từ ngày 1/1/2027.

Thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp các bộ, ngành có liên quan hoàn thành các quy định, thiết chế liên quan để thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) như: Thành lập Hội đồng EPR quốc gia, Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia; trình Thủ tướng Chính phủ định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì (gọi tắt là Fs); xây dựng Quy chế quản lý, sử dụng tiền đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải, xây dựng Cổng thông tin EPR quốc gia.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng hệ thống đăng ký, kê khai, báo cáo trực tuyến, từ hệ thống này các nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ thực hiện đăng ký, kê khai, báo cáo trên Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia mà không phải gửi bản giấy về Bộ; tổ chức các lớp phổ biến, tập huấn cho các nhà sản xuất, nhập khẩu, nhà tái chế trên cả nước.

Các chuyên gia, nhà quản lý lĩnh vực môi trường cho rằng, để việc thực hiện EPR có hiệu lực, hiệu quả, bền vững ở Việt Nam, Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện tốt trách nhiệm của mình.

Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia cần tăng cường trao đổi, chia sẻ, giải đáp các vấn đề liên quan của các hiệp hội và doanh nghiệp trong thực hiện quy định chi tiết về trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất, nhập khẩu như: Ðối tượng, hình thức thực hiện, lộ trình, đăng ký, kê khai và báo cáo kết quả tái chế, chế tài xử lý vi phạm, tham vấn đề xuất định mức tái chế (Fs)... Qua đó, giúp các doanh nghiệp nắm bắt rõ hơn về trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải trong suốt vòng đời của sản phẩm từ khâu thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ.

Thanh Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nha-san-xuat-nhap-khau-chinh-thuc-thuc-hien-trach-nhiem-tai-che-295385.html