Nhà sáng chế chỉ học đến lớp 5
Những máy móc sử dụng năng lượng xanh do anh Phạm Văn Bình (thôn Hưng Hà, xã Phú Cần) sáng chế đã góp phần thay đổi cách thức sản xuất truyền thống của nông dân ở vùng 'chảo lửa' Krông Pa (tỉnh Gia Lai). Điều đặc biệt là người 'kỹ sư chân đất' này mới chỉ học đến lớp 5.
Giải phóng sức lao động cho nông dân
Gia đình anh Kpă Del (buôn Ia Rnho, xã Đất Bằng) có hơn 2,5 ha mì. Mỗi khi phun thuốc diệt cỏ cho rẫy mì, anh khá vất vả, lưng đeo bình phun nặng, còn tay liên tục kéo cần bơm. Có lần phun thuốc suốt ngày dưới trời nắng nóng, anh bị ngất xỉu. Được mọi người giới thiệu, anh đặt mua chiếc máy phun thuốc gắn trên xe máy hoàn toàn sử dụng năng lượng mặt trời. Anh Del phấn khởi cho biết: “Máy vận hành khá đơn giản. Hai bình chứa dung tích 60 lít treo hai bên xe gắn máy, cứ 1 giờ mình phun xong 1 ha. Thay vì mất 2-3 ngày như trước, giờ mình chỉ mất 2 giờ là phun xong đám mì. Chạy xe phun thuốc giúp mình tránh hít phải chất độc hại”.
Chiếc máy anh Del nói chính là sáng chế nông nghiệp đạt giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh lần thứ IX-2019 của anh Phạm Văn Bình. Máy có kết cấu đơn giản nhưng hiệu quả mang lại rất lớn. Máy có thể phun tại chỗ hoặc vừa chạy xe vừa phun, đồng thời có thể lắp trên những chiếc máy cày để thuận tiện hơn khi sử dụng. Đặc biệt, máy còn có hệ thống nâng đẩy béc phun cao tự động, đảm bảo đối với cả cây trồng có tán cao 1-5 m và có thêm cuộn dây tự động để phun ở những nơi khó tới được. Chỉ cần cầm một đầu dây và kéo đến chỗ cần phun, cuộn dây này sẽ tự động thả ra, phun xong chỉ bật công tắc là dây tự động thu về.
Sáng chế của anh Bình có những ưu điểm nổi bật cùng tính ứng dụng cao, nhất là sử dụng năng lượng mặt trời để bảo vệ môi trường và hạ giá thành sản xuất. Mỗi chiếc máy có giá khoảng 1,5-5 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với các loại máy móc trên thị trường. Từ năm 2019 đến nay, anh Bình đã bán được hơn 300 chiếc cho nông dân trong huyện và các tỉnh: Phú Yên, Đak Lak, Ninh Thuận...
Sinh ra trong gia đình gốc gác nông nghiệp, anh Bình hiểu rõ những cực nhọc của công việc nhà nông. Thành công với sáng chế đầu tay sử dụng năng lượng mặt trời càng thôi thúc người nông dân này nghĩ xa hơn, đó là tiếp tục tạo ra máy móc, nông cụ giải phóng sức lao động cho con người.
Không ngừng tìm tòi, sáng chế
Trong năm 2020 và 2021, anh Bình tiếp tục trình làng những sáng chế nông nghiệp hữu ích. Đó là máy phun thuốc bảo vệ thực vật điều khiển từ xa và máy chặt hom giống mì tự động. Cả 2 loại máy đều sử dụng nguồn năng lượng xanh để tiết giảm chi phí, bảo vệ môi trường và sức khỏe người sử dụng.
Anh Bình chia sẻ: “Chiếc máy sáng chế năm 2019 chỉ hữu dụng trên diện tích đất rộng vài héc ta. Còn trên diện tích nhỏ trồng rau màu, nông dân vẫn phải đeo bình thuốc để phun thủ công vì xe gắn máy khó di chuyển tới nơi. Từ thực tế ấy, tôi nảy ra ý tưởng sáng chế chiếc máy phun thuốc điều khiển từ xa. Bà con có thể đứng xa 300-500 m vẫn có thể điều khiển máy hoạt động”. Anh Bình tìm tòi, thử nghiệm và hoàn thành chiếc máy này vỏn vẹn trong 7 ngày và chính thức trình làng cuối tháng 12-2020.
Anh Phạm Văn Bình: “Krông Pa có lượng bức xạ nhiệt lớn trong năm nên tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời rất lớn. Những sáng chế của tôi vận hành dựa vào nguồn năng lượng xanh này sẽ giúp người nông dân giảm đáng kể chi phí sản xuất, sức lao động, nhất là không bao giờ lo thiếu hụt nguồn điện trong quá trình vận hành”.
Máy có kết cấu gồm một tấm pin mặt trời, bình ắc quy 12 V, bộ điều khiển tắt/mở từ xa, bộ cuộn dây, mô tơ bơm thuốc, can nhựa 30 lít, bộ sạc bình ắc quy 12 V. Ưu điểm là máy nhỏ gọn, di chuyển dễ dàng trên chiếc xe rùa. Tấm pin có nhiệm vụ hấp thụ năng lượng mặt trời nạp vào bình ắc quy, tích điện cung cấp cho mô tơ để máy hoạt động. Bà Nguyễn Thị Đây (tổ dân phố 9, thị trấn Phú Túc) nhận xét: “Việc nhà nông vốn rất nặng nhọc, vất vả cũng làm giảm tuổi thọ con người. Đây là sáng chế rất ý nghĩa đối với bà con nông dân”.
Đầu năm 2021, anh Bình tiếp tục trình làng chiếc máy cắt hom mì sử dụng năng lượng mặt trời và lập tức tạo nên “cơn sốt” bởi đánh trúng vào nhu cầu của nông dân. Mì là cây trồng chủ lực của huyện Krông Pa với khoảng 90% hộ nông dân trồng loại cây này. Trước khi vào vụ, bà con phải chặt hom mì bằng tay, tai nạn lao động luôn thường trực. “Với chiếc máy này, tốc độ cắt nhanh gấp 10-20 lần so với làm thủ công”-anh Bình cho biết. Máy có kết cấu gồm 1 bộ khung sắt, tấm pin năng lượng mặt trời 50 W, bình ắc quy 12 V, 10 lưỡi cưa lọng gỗ, một bộ nắn dòng từ pin mặt trời thành điện 12 V để nạp vào ắc quy. Máy mang lại hiệu quả cao về thời gian, công sức, chi phí, giữ cho hom mì nguyên vẹn.
Anh Phạm Văn Toàn (thôn Hưng Hà, xã Phú Cần) cho hay: Gia đình anh trồng 2 ha mì. Từ ngày mua máy cắt hom mì của anh Bình, hiệu quả công việc cải thiện rõ rệt. Điều anh tâm đắc nhất là máy sử dụng năng lượng xanh, thân thiện với môi trường. Mua máy cắt hom mì chỉ tốn chi phí ban đầu vì hoàn toàn sử dụng năng lượng từ tự nhiên. Còn ông Hoàng Văn Vững (cùng thôn) thì phấn khởi: “Trước nay, việc cắt hom mì thủ công rất mất thời gian. Vì vậy, bà con trong thôn độ chế máy mài, máy cắt đá, cắt sắt để cắt hom mì cho nhanh nhưng dễ xảy ra tai nạn. Vừa rồi có người bị cắt cả mấy ngón tay. Chiếc máy cắt hom mì của anh Bình đã giúp người nông dân giải phóng sức lao động rất lớn. Tôi cắt 200 bó hom mì chỉ mất 2-3 tiếng đồng hồ”.
Anh Bình cho biết: “Tôi chưa thấy có loại máy nào hỗ trợ người dân cắt hom mì hoạt động 100% bằng điện năng lượng mặt trời. Năm nay, do dịch bệnh, tôi không có điều kiện tham gia hội thi để giới thiệu rộng rãi cho nhiều nông dân trong tỉnh, trong nước biết. Tôi thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn mà người nông dân trải qua trên đồng ruộng nên càng muốn sáng chế máy móc, nông cụ giúp ích cho bà con”. Anh Bình khẳng định sẽ chỉ sử dụng năng lượng xanh trong tất cả những sáng chế để bảo vệ môi trường. “Cha đẻ” của những sáng chế hữu dụng này cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ, góp ý thêm của các nhà khoa học, chuyên gia và sớm được hướng dẫn thủ tục, hồ sơ đăng ký bản quyền sáng tạo.
Ông Nguyễn Đình Nhung-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pa-đánh giá: “Các sáng chế của anh Bình đã được nhiều nông dân ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, giải phóng sức lao động, tăng năng suất. Điều này càng có ý nghĩa khi giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hơn nữa, các loại máy sử dụng pin năng lượng mặt trời còn rất phù hợp với địa bàn huyện Krông Pa, vùng đất ít mưa nhiều nắng”.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/744/202112/nha-sang-che-chi-hoc-den-lop-5-5760531/