Nhà sáng lập Wikipedia: AI hiện tại như một 'mớ hỗn độn'

Nhà sáng lập Jimmy Wales chia sẻ với Euronews Next về giai đoạn 'khủng khiếp' của OpenAI như một bài học cho toàn bộ doanh nghiệp trong ngành…

ChatGPT, công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) phổ biến đến từ OpenAI, hiện đang tự biến mình thành "mớ hỗn độn" khi được sử dụng để viết bài trên Wikipedia, nhà sáng lập nền tảng Jimmy Wales nói với Euronews Next.

Ông nhận định, một bài đăng trên Wikipedia được viết bởi phiên bản GPT-4 là "khủng khiếp" và "không hiệu quả chút nào", bởi vì công cụ này "thực sự đã bỏ lỡ rất nhiều điều và đã mắc sai lầm, và khiến mọi thứ sai theo một cách hợp lý. Công cụ tự tạo ra các nguồn mới và đó là một mớ hỗn độn".

Ông thậm chí còn dự đoán rằng AI có thể phải mất ít nhất 50 năm nữa mới đạt được mức độ “siêu phàm" như kỳ vọng.

Mặc dù nhiều chuyên gia tin rằng AI có thể vượt qua khả năng con người trong tương lai xa, nhưng đa số đều cảm nhận AI chỉ là công cụ hỗ trợ hoạt động trí tuệ.

Startup giá trị nhất Hoa Kỳ, OpenAI, tạo nên cơn sốt trong ngành với chatbot ChatGPT vào năm ngoái. Công nghệ tiếp nhận câu hỏi và trả lời bằng phản hồi giống như con người dựa trên nguồn thu thập trực tuyến. ChatGPT có thể được sử dụng để viết bài luận, sáng tác nhạc hoặc thậm chí đưa ra lời khuyên sức khỏe, mặc dù rất nhiều lần công cụ mang tới thông tin sai lệch, được gọi là "ảo giác".

Mới đây, OpenAI đã rơi vào tình trạng hỗn loạn khi quyết định sa thải CEO kiêm đồng sáng lập Sam Altman nhưng rồi lại đưa ông trở về vị trí chỉ vài ngày sau đó khi hầu hết nhân viên đe dọa hội đồng quản trị sẽ nghỉ việc hàng loạt và theo chân nhà cầm quyền cũ.

Ông Wales cho biết thật "đáng lo ngại" khi công ty có tầm ảnh hưởng lại xử lý tình huống thiếu chuyên nghiệp như vậy nhưng sự việc "cũng có thể trôi qua như chưa từng có chuyện gì xảy ra". Công ty rồi sẽ ổn định lại trật tự và đó là "một bài học tốt cho các startup thuộc mọi lĩnh vực”. “Bạn thực sự phải suy nghĩ ngay từ giai đoạn đầu về cách thức quản trị, và tầm quan trọng của việc ra quyết định."

WIKIPEDIA TẬN DỤNG AI NHƯ THẾ NÀO?

Bất chấp những chỉ trích đối với mô hình AI hiện đại, nhà sáng lập Wales vẫn không loại trừ khả năng trí tuệ nhân tạo được sử dụng cho Wikipedia.

Ông cho biết nếu công cụ được xây dựng để tìm ra lỗi trong bài viết trên Wikipedia bằng cách so sánh các nguồn thu thập, thì có thể phát hiện điểm không chính xác.

Ông thậm chí còn tiết lộ với Euronews Next rằng sẽ xem xét liên doanh Wikipedia với một công ty AI nguồn mở, nhưng không nói rõ về thỏa thuận công việc cụ thể. Tất nhiên, quyết định cần thời gian suy nghĩ và tính toán cẩn thận.

“Hầu hết doanh nghiệp, không chỉ tổ chức phi lợi nhuận như chúng tôi, luôn rất cẩn thận khi quyết định đặt công nghệ do bên ngoài kiểm soát vào trung tâm doanh nghiệp bởi vì nếu nhà cung cấp công nghệ đi sai hướng, toàn bộ hoạt động kinh doanh chắc chắn gặp rủi ro", ông bày tỏ.

Do đó, vị lãnh đạo cần suy nghĩ cẩn thận về bất kỳ mối quan hệ hợp tác nào nhưng nói thêm rằng ông sẵn sàng đón nhận một số chương trình thí điểm và mô hình thử nghiệm.

Mặt khác, Wikipedia cũng rất cần thiết cho AI tạo sinh vì công nghệ này lấy thông tin được xuất bản trực tuyến để tạo ra nội dung. Những nguồn tài liệu bách khoa toàn thư trực tuyến phải chính xác và không gây thiên vị, nhưng thật không may đây là vấn đề mà cả AI và Wikipedia đều đang mắc phải.

Nhằm chống lại thông tin sai lệch, Wikipedia có đội quân "Wikipedians" riêng, hầu hết là biên tập viên tình nguyện. Các thành viên Wikipedia có thể phân biệt trang web giả mạo và dễ dàng nhận biết được văn bản đó có phải do con người viết hay không.

Nhưng sự thiên vị khó giải quyết hơn nhiều vì đôi khi nó mang tính lịch sử; chẳng hạn, có ít nhà khoa học nữ hơn vào thế kỷ 19 và không nhiều bài viết về họ vào thời điểm đó, đồng nghĩa với việc đội ngũ Wikipedia không có nhiều thông tin để đăng bài. Hoặc đó đơn giản là thành kiến vô thức, như thành viên Wikipedia 28 tuổi đam mê công nghệ sẽ có những sở thích khác so với bà nội trợ 55 tuổi.

Sự đa dạng là chìa khóa trong nỗ lực chống lại sự thiên vị, mục tiêu mà công ty đang phấn đấu đạt được.

Ông nói: “Đó là một vấn đề thực sự và chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm nặng nề khi thế giới phụ thuộc vào Wikipedia hay các mô hình AI phụ thuộc vào Wikipedia. Chúng tôi không muốn trí tuệ nhân tạo có thành kiến".

TRẬN CHIẾN VỚI ELON MUSK

Thông tin sai lệch cũng là nguyên nhân dẫn đến xung đột giữa ông chủ Wikipedia và tỷ phú Elon Musk, người đề nghị mua lại Wikipedia với giá 1 tỷ USD và có ý định đổi tên thành "Dickipedia" .

Lời đề nghị trị giá 1 tỷ USD được đưa ra sau khi ông Wales chỉ trích nhà lãnh đạo X (trước đây là Twitter) khi sa thải nhóm nhân viên kiểm duyệt tại X. Người đứng đầu Wikipedia nhận định hành vi này làm gia tăng phân biệt chủng tộc nghiêm trọng trên nền tảng và ảnh hưởng đến doanh thu quảng cáo.

Ông Wales chia sẻ: “Bạn không thể vừa điều hành một nền tảng độc hại vừa mong đợi các nhà quảng cáo chi tiền”.

Ông cho biết vẫn sử dụng X nhưng đã xóa ứng dụng khỏi điện thoại, điều này “tốt hơn nhiều” vì ông có thể dành thời gian cho những công việc khác ít độc hại hơn.

NỀN TẢNG TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI MỚI

Được biết, nhà lãnh đạo Wikipedia đã ra mắt nền tảng mạng xã hội riêng mà theo ông tuyên bố là có cách tiếp cận "hoàn toàn khác" so với X.

Tuần trước tại Hội nghị thượng đỉnh Web Summit, ông Wales đã công bố phiên bản thử nghiệm của dự án có tên Trust Cafe, cộng đồng trực tuyến mới sẽ trao quyền cho thành viên đáng tin cậy nhất.

Lần đầu tiên tiết lộ vào tháng 9, ông mô tả đây là thử nghiệm nền tảng truyền thông xã hội nguồn mở thân thiện và không quá coi trọng chuyện kinh doanh.

Ông gọi đây là sự kết hợp giữa X và Reddit, nơi người dùng có thể thảo luận về một số chủ đề nhất định nhưng không bị giới hạn ký tự và không có chủ sở hữu duy nhất của cuộc thảo luận.

Nhà sáng lập khẳng định: “Reddit có cả mặt tốt và mặt xấu. Trong khi đó, chúng tôi thực sự đang theo đuổi mô hình mang tính quản trị cao hơn”.

Mặc dù thừa nhận những thông tin độc lại sẽ luôn xảy ra ở môi trường trực tuyến nhưng ông vẫn lạc quan về mô hình.

"Luôn có những người lý trí và những người nói năng không suy nghĩ cùng tồn tại. Sẽ luôn có một số cuộc tranh luận ‘xấu xí’. Đó chỉ là bản chất con người", ông Wales nói thêm. "Nhưng miễn là bạn có thể duy trì động lực xây dựng kênh giao lưu lành mạnh thì loại nền tảng mở này sẽ trở nên thực sự thú vị, nơi mọi người tương tác và đưa ra ý tưởng cùng nhau".

Bảo Ngọc

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nha-sang-lap-wikipedia-ai-hien-tai-nhu-mot-mo-hon-don.htm