Nhà tắm có thứ bẩn hơn cả bồn cầu
Ai cũng nghĩ rằng, bồn vệ sinh là thứ bẩn nhất trong phòng tắm, nhưng thực tế có thứ bên trong phòng tắm còn bẩn hơn và là nơi tích tụ vi khuẩn gây hại cho da và phổi.
Nhà vệ sinh hay nhà tắm là căn phòng không thể thiếu trong mọi gia đình. Các vật dụng thiết yếu chắc chắn luôn có nhà vệ sinh bao gồm bồn cầu, bồn rửa mặt, vòi nước hay các dụng cụ vệ sinh cá nhân như bàn chải, khăn mặt… Nhiều người cho rằng, bồn cầu sẽ là nơi chứa nhiều vi khuẩn nhất. Tuy nhiên, trên tờ The Mirror của Anh, bác sĩ Scott Walter cảnh báo bộ phận bẩn nhất trong phòng tắm chính là vòi hoa sen, nơi có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và dẫn tới việc tạo ra các "màng sinh học" nguy hiểm.
Theo bác sĩ Scott Walter, con người tìm đến vòi hoa sen để làm sạch cơ thể, nhưng cũng chính thứ này nếu không được làm sạch thường xuyên sẽ có nguy cơ gây tổn thương da và phổi của người sử dụng.
Walter cho biết “màng sinh học” là nơi tập trung các vi khuẩn phát triển thành từng đám và trở thành một lớp màng không thể xuyên thủng bên trong vòi hoa sen.
“Màng sinh học” thường tạo thành những lớp chất nhầy nhụa, rất khó loại bỏ và không thể bị phá hủy bằng cách rửa đơn giản - chúng cần được cọ rửa và khử trùng để loại bỏ.
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Anh, lớp màng này có ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe cộng đồng vì có thể dẫn đến một số bệnh truyền nhiễm và nhiều loại bệnh nhiễm trùng.
Với đủ lượng vi khuẩn gây bệnh hiện diện và tích tụ theo thời gian, lớp vi khuẩn này có thể dẫn đến các tình trạng về da và các vấn đề về hô hấp, đặc biệt đối với những người có hệ miễn dịch yếu hoặc đã bị tổn thương bao gồm những người hút thuốc và những người mắc bệnh phổi.
Bác sĩ cho biết: "Khi tắm, những vi khuẩn, nấm men sẽ được khí dung hóa, chuyển thành dạng xịt mịn. Những thứ đó có thể xâm nhập vào phổi của bạn, chúng có thể ảnh hưởng đến da và các nơi khác trên cơ thể".
Cụ thể, vi khuẩn được tìm thấy trong “màng sinh học” của vòi hoa sen có thể dẫn đến các bệnh về da và các tình trạng khác bao gồm: Malassezia gây hại da đầu; Acanthamoeba gây hại mắt; Pseudomonas gây hại tai; M. avium gây nguy hiểm cho đường tiêu hóa; Lehoonella/Mycobacteria tác động xấu đến phổi, gây viêm nang lông và nhiễm trùng sau phẫu thuật...
Vi khuẩn mycobacteria trong danh sách là một loại vi khuẩn có nhiều tập hợp con khác nhau. Loại phổ biến nhất dẫn đến bệnh lao, loại khác gây bệnh phong, trong khi những loại khác nữa vẫn gây nhiễm trùng khiến những người tiếp xúc bị rối loạn tự miễn dịch hoặc các bệnh lý có sẵn khác.
Để làm sạch vòi hoa sen và loại bỏ màng sinh học, Walter khuyên các gia đình nên tháo vòi hoa sen ra và ngâm trong bát giấm trắng ít nhất bốn giờ để tiêu diệt mọi vi khuẩn trên khắp thiết bị một cách hiệu quả. Sau các công đoạn trên, người dùng cần rửa sạch, lau khô hoàn toàn vòi bằng khăn khô để ngăn nước vôi hóa.
Lưu ý khi làm sạch vòi hoa sen
Nên làm sạch định kỳ, tùy vào tình trạng nguồn nước sử dụng có đảm bảo chất lượng hay không, người dùng cần có thời gian vệ sinh định kỳ phù hợp, trung bình khoảng 1 tháng 1 lần
Hạn chế dùng hóa chất tẩy rửa vì hóa chất có thể ăn mòn các loại vòi có thành phần từ kim loại hoặc gây hại cho sức khỏe người dùng. Với các vòi hoa sen từ đá cẩm thạch, các gia đình nên cẩn trọng khi vệ sinh với giấm để không phá hủy bề mặt đá. Với vòi hoa sen có chất liệu đặc biệt như mạ vàng hoặc niken, đồng thau, khi vệ sinh vòi chỉ được ngâm tối đa 30 phút với giấm.
Chọn mua sản phẩm vòi hoa sen tại những đơn vị uy tín, có chất lượng tốt nhằm tăng thời gian sử dụng và không bị mất nhiều công sức khi làm vệ sinh.