Nhà thám hiểm nữ xuống nơi sâu nhất đại dương
Phi hành gia Kathy Sullivan, 68 tuổi và cũng là một nhà hải dương học, đã lặn xuống vực thẳm Challenger - điểm sâu nhất trong các đại dương trên Trái đất. Sự kiện này đưa bà trở thành người đầu tiên trên hành tinh vừa đi bộ trong không gian, vừa đến nơi sâu nhất đại dương.
Bà Sullivan và nhà thám hiểm Victor L. Vescovo đã mất một tiếng rưỡi để hoàn thành quãng đường dài 11 km và đến được nơi sâu nhất trong rãnh Mariana, nằm cách đảo Guam hơn 321 km về phía tây nam.
Khi đến đáy vực, 2 người thực hiện cuộc gọi lịch sử, kết nối với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Ở dưới đáy, áp suất nước khoảng 1.086 bar, gấp 1.000 lần so với áp suất khí quyển tiêu chuẩn ở mặt nước biển. Trong khi bên ngoài ISS, áp suất rất thấp, gần như bằng 0.
"Chúng tôi đã thực hiện một chuyến đi lịch sử, tôi có thể kết nối 2 nơi đặc biệt trên Trái đất", Victor Vescovo nói.
"Là một phi hành gia và một nhà hải dương học, đây là một ngày phi thường, một trải nghiệm hiếm có trong đời khi tôi có thể quan sát được cảnh tượng ở vực thẳm Challenger", bà Sullivan chia sẻ.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bà Kathy Sullivan và ông Victor Vescovo dùng tàu ngầm quay lại đảo Guam, dự kiến họ sẽ tới nơi vào ngày 15/6.
Hai nhà thám hiểm Don Walsh và Jacques Picard là những người đầu tiên xuống tới vực Challenger năm 1960. Năm 2012, đạo diễn nổi tiếng James Cameron cũng xuống được đáy vực. Đến nay, bà Sullivan trở thành người thứ 8 xuống được đến đáy vực Challenger.
Năm 1978, bà Sullivan tham gia vào NASA như một thành viên trong nhóm các phi hành gia Mỹ đầu tiên có nữ giới. Ngày 11/10/1984, bà trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên đi bộ trong không gian. Cùng với sự kiện vừa diễn ra, bà trở thành người đầu tiên trên hành tinh vừa đi bộ trong không gian, vừa đến nơi sâu nhất đại dương.
Nữ phi hành gia này cũng có niềm say mê với việc khám phá đại dương. Bà từng tham gia vào một trong những nhóm đầu tiên sử dụng tàu lặn để nghiên cứu về quá trình phun trào núi lửa tạo nên lớp vỏ đại dương.
Vực thẳm Challenger được tàu HMS Challenger của Anh phát hiện trong chuyến ra khơi từ năm 1872-1876. Kể từ đó, nhiều chuyến thám hiểm đã nỗ lực tìm cách đo lường chiều sâu của khe hẹp này, làm nổ ra những tranh cãi không chỉ về sự chính xác của các số liệu mà còn về việc ai thực sự là người đầu tiên đặt chân đến điểm sâu nhất hành tinh.