Nhà thầu cao tốc vẫn gặp khó vì thiếu đá

Trong bối cảnh nhiều dự án cao tốc phải hoàn thành trong năm 2025, nguy cơ thiếu nguồn vật liệu đá vẫn thường trực. Ở nhiều địa phương, dù giá đá tăng cao hơn nhiều so với dự toán, nhà thầu cũng không có để mua.

Nguồn khan hiếm, giá mua tăng cao

Tại dự án Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, thời gian về đích của dự án chỉ còn khoảng nửa năm. Tuy nhiên, lo lắng nhất hiện nay là nguồn vật liệu đá phục vụ thi công bê tông nhựa.

Thi công lớp móng mặt cao tốc đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Thi công lớp móng mặt cao tốc đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Với hạng mục cấp phối đá dăm, nhà thầu có thể tận dụng đá nghiền để làm. Song, đá làm bê tông nhựa phải mua 100%.

Theo tính toán, khối lượng bê tông nhựa thi công hơn 23km tuyến chính do doanh nghiệp đảm nhận khoảng 220.000 tấn, nhu cầu đá cần tập kết 140.000m3. Đến nay, nhà thầu mới tập kết được 35.000m3 (đạt khoảng 25%).

Đáng nói, đá ở khu vực Bình Định không đáp ứng tiêu chuẩn do độ thấm bám không đạt, nhà thầu phải mua tận Nhơn Hội (Quảng Ngãi) hoặc Cam Lâm - Khánh Hòa với cự ly vận chuyển 110-350km, chi phí đội lên rất lớn.

Trước đó, từ cuối năm 2024, cũng tại dự án cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn, việc khó huy động đá cũng được Tập đoàn Phúc Lộc đề cập. Theo đại diện nhà thầu, đơn vị phải ra các tỉnh khác để tìm nguồn đá, trong đó có khảo sát các mỏ tại Quảng Bình và Khánh Hòa.

Trên 7km tuyến chính đảm nhận thi công, Phúc Lộc cần khoảng 100.000m3 đá, dự toán kinh phí ban đầu khoảng 300.000 đồng/m3 (ở khu vực Bình Định).

Thế nhưng, phương án thay đổi, đá phải mua từ Khánh Hòa, đơn giá đến chân công trình của 1m3 tăng lên ngưỡng 600.000 - 700.000 đồng. Dù có thể chịu lỗ, song, nhà thầu vẫn chấp nhận mua để đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Có tiền cũng không dễ mua

Thiếu hụt đá do không tận dụng được vật liệu từ công tác đào hầm (thay đổi địa chất so với thiết kế), khối lượng cần mua thương mại tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến kế hoạch thi công của nhà thầu tại cao tốc đoạn Chí Thạnh - Vân Phong và Quảng Ngãi - Hoài Nhơn chưa được như kỳ vọng.

Nhà thầu cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn phải mua đá giá cao hơn từ 30-50% so với đơn giá dự thầu để có đá thi công.

Nhà thầu cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn phải mua đá giá cao hơn từ 30-50% so với đơn giá dự thầu để có đá thi công.

Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, tại dự án Chí Thạnh - Vân Phong, tổng nhu cầu đá của nhà thầu này thực hiện là 530.000m3. Do thay đổi địa chất hầm so với thiết kế, lượng đá mua thương mại phát sinh tăng khoảng 200.000m3.

Ở dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, tổng nhu cầu khoảng 1,93 triệu m3. Thay đổi địa chất hầm so với thiết kế dẫn đến lượng đá mua thương mại phát sinh tăng 760.000m3.

"Chúng tôi đang phải mua đá với mức giá cao hơn từ 30-50% so với đơn giá dự thầu. Thực trạng trên đòi hỏi cơ quan chức năng cần đẩy nhanh thủ tục cấp phép khai thác các mỏ đá mới, tăng công suất các mỏ hiện hữu", ông Nam nói.

Góp mặt trong nhóm dự án về đích năm 2025, dự án Hòa Liên - Túy Loan cũng đang đối diện nguy cơ chậm tiến độ do nguồn đá chưa đáp ứng yêu cầu.

Đứng đầu liên danh nhà thầu thi công dự án, đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, theo tính toán, nhu cầu đá của đơn vị khoảng gần 200.000m3. Qua một thời gian dài triển khai, hiện khối lượng tập kết mới đạt khoảng 30%.

"Sau quá trình làm việc với các bộ, ngành chức năng và các nhà thầu, TP Đà Nẵng đã đồng ý nâng công suất một số mỏ nhưng thủ tục cũng rất phức tạp.

Tại khu vực thi công dự án, các chủ mỏ không mặn mà cung cấp đá thi công cao tốc do yêu cầu kỹ thuật cao hơn. Phương án mua đá ở Huế, Quảng Nam cũng được tính đến. Tuy nhiên, giá thành lại đội lên rất lớn do khoảng cách xa", đại diện Trường Sơn thông tin.

Không chỉ khan hiếm nguồn cấp, nhà thầu thi công cao tốc Hòa Liên - Túy Loan cũng gặp trở ngại lớn khi việc thông báo giá vật liệu tại mỏ của địa phương chưa sát với giá thực tế trên thị trường.

Đơn cử, giá vật liệu đá D37 theo hợp đồng chỉ 152.000 đồng/m3, theo thông báo giá của địa phương là 182.000 đồng, giá thực tế mua được của chủ mỏ là 236.000 đồng nhưng cũng không có để mua.

Xác định cụ thể nhu cầu

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, dự kiến năm 2025 sẽ có khoảng 1.188km đường bộ cao tốc hoàn thành thuộc 28 dự án.

Trong đó, các dự án khu vực phía Bắc và miền Trung đã cơ bản đảm bảo nguồn vật liệu đá, đáp ứng tiến độ thi công. Các dự án khu vực phía Nam còn gặp nhiều khó khăn như: Cần Thơ - Cà Mau, Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TP.HCM, Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Nhu cầu đá của 4 dự án nêu trên khoảng gần 14 triệu m3. Hiện, các nhà thầu đã huy động được 3,45 triệu m3. Khối lượng còn lại cần phải huy động khoảng 10,25 triệu m3.

Nguồn đá trong khu vực chỉ có ở một số địa phương như: An Giang, Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, mỏ đá Antraco ở An Giang có chất lượng rất tốt nhưng đã dừng khai thác từ tháng 6/2024 do hết thời hạn, đến nay chưa được khai thác trở lại.

Tỉnh Đồng Nai là địa phương có trữ lượng đá có khả năng cung ứng cho các dự án lớn nhất trong các tỉnh tại khu vực. Song, khả năng cung cấp còn nhiều hạn chế do phụ thuộc vào thời gian chờ vận chuyển, công suất khai thác thực tế của từng mỏ.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã tham mưu Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khó khăn về nguồn vật liệu đá. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc trực tiếp với tỉnh Đồng Nai để hướng dẫn giải quyết các vướng mắc về thủ tục khai thác mỏ.

Ngày 13/2/2025, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì đoàn công tác trực tiếp làm việc với tỉnh An Giang để hướng dẫn tỉnh tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc cấp phép khai thác trở lại mỏ Antraco, dự kiến tỉnh sẽ hoàn thành thủ tục trong tháng 2.

Bộ GTVT cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư xác định cụ thể nhu cầu đá của từng dự án, đề xuất các mỏ phù hợp và đăng ký nhu cầu sử dụng với tỉnh Đồng Nai để cung ứng cho các dự án theo tiến độ thi công.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, dự kiến năm 2025 sẽ có khoảng 1.188km đường bộ cao tốc hoàn thành thuộc 28 dự án (17 dự án với 889km do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản, 11 dự án với 299km do địa phương làm cơ quan chủ quản).

Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nha-thau-cao-toc-van-gap-kho-vi-thieu-da-192250217223802061.htm