Nhà thiết kế gốc Việt phá bỏ định kiến về nam giới châu Á
Hung La cho biết nhãn hiệu của anh tập trung vào sức mạnh nam tính châu Á, loại bỏ tư tưởng rằng họ là những người 'mọt sách, nhút nhát và ẻo lả'.
"Vào đỉnh điểm của đại dịch Corona mùa hè năm 2020, trong khi nước Mỹ chìm trong một loạt cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc bùng lên bởi vụ giết hại George Floyd - người đàn ông Mỹ gốc Phi, nhà thiết kế thời trang Hung La bắt đầu tự đặt câu hỏi về danh tính người Mỹ gốc Á của mình", SCMP mở đầu.
Hung La và nửa kia của anh, Leá Dickely, là những đồng sáng lập nhãn hiệu quần áo nữ sang trọng Kwaidan Editions, bị mắc kẹt ở London (Anh), xa gia đình đang ở Mỹ.
Từng từ chối bản sắc châu Á
Trong cuộc phỏng vấn gần đây từ London, giữa những cuộc nói chuyện về chủng tộc, bản sắc và các nền văn hóa thiểu số đang diễn ra vào thời điểm đó, Hung La đã "khao khát được kết nối lại với cội nguồn của mình".
Hung La lớn lên ở ngoại ô Washington DC (Mỹ), là một người Mỹ thế hệ đầu tiên sinh ra với cha mẹ Việt. Khi còn trẻ, anh đã từ chối bản sắc châu Á của mình.
"Tôi nhớ khi còn là đứa trẻ và tôi muốn đi trại hè. Tôi không muốn đi nghỉ cùng bố mẹ ở châu Á". Anh bắt đầu thực hành thiền định và nhận ra nhiều điều. Hung La muốn nói rằng bản sắc văn hóa châu Á có cộng đồng, có "chúng ta". Những câu chuyện về nền văn hóa cần được kể và kỷ niệm.
Phá vỡ định kiến
Hung La đã có mặt trong lĩnh vực thời trang khá lâu. Anh từng đầu quân cho Balenciaga dưới sự chỉ đạo của Nicolas Ghesquìere và Céline thời Phoebe Philo, trước khi đồng sáng lập thương hiệu Kwaidan Editions.
Hung La nhận thấy rằng trong suốt sự nghiệp, công việc của anh dựa trên sự độc quyền và phục vụ cho một nhóm khách hàng, những người phụ nữ có gu ăn mặc hoàn hảo không gây được tiếng vang lớn với thế giới nói chung.
Những phản ánh này là điểm khởi đầu cho bước đột phá đầu tiên của Hung La vào trang phục nam giới: Lu'u Dan. Đây là thương hiệu có nhiều yếu tố tự truyện phong phú và mở ra ý tưởng mới lạ về sự nam tính châu Á.
"Tôi thực sự muốn nói về những câu chuyện châu Á có chiều sâu, tập trung vào thái độ và sức mạnh. Một trong những hình mẫu tôi muốn phá vỡ là người đàn ông châu Á mọt sách, nhút nhát, ẻo lả, bởi sự nam tính châu Á có rất nhiều điểm mạnh", anh chia sẻ.
Hung La giải thích rằng cái tên "Lu'u Dan" là một câu nói của người Việt mà anh học được từ cha mình. Nghĩa đen của nó là "viên lựu đạn" và dùng để chỉ người đàn ông nguy hiểm, "hơi nhếch nhác và xã hội đen, thích đánh bạc".
Các nguồn cảm hứng của Hung La trải dài từ loạt phim tội phạm Hong Kong những năm 1990 Young and Dangerous, kể về bộ ba trẻ trong thế giới ngầm của thành phố, cho đến các băng đảng Nhật Bản.
Ngoài ra, các tác phẩm ban đầu của nhà thiết kế tiên phong như Kenzo, Kansai Yamamoto và Yohji Yamamoto, người mà Hung La gọi là "tổ tiên tinh thần", nuôi dưỡng sức sáng tạo của anh.
"Đó là thời trang, chúng tôi không ngại lấy mật mã từ các băng đảng xã hội đen hoặc điện ảnh châu Á. Chúng tôi muốn thể hiện sự tôn trọng, không phải thương mại hóa nó, nhưng cố gắng làm điều đó với tính xác thực. Đó là thách thức của chúng tôi với tư cách là những nhà thiết kế trong việc làm cho mọi thứ trở nên hiện đại", Hung La chia sẻ.
Những bộ quần áo toát lên vẻ nam tính rắn rỏi đặc trưng của streetwear. Song Hung La cũng chỉ ra điểm đặc biệt trong sản phẩm của mình: Thiết kế hoa trên nền áo lụa hồng là bản sao bức tranh của người bà 95 tuổi của anh. Bà lấy cảm hứng từ Nhật Bản để vẽ chúng.
Mỗi chi tiết trên trang phục đều được cân nhắc kỹ lưỡng và có câu chuyện đằng sau nó. Chẳng hạn, các họa tiết hình mèo con đại diện cho ý tưởng về một con hổ trong lồng thoát ra, một cảm giác mà Hung La tin rằng nhiều người đàn ông Mỹ gốc Á có thể liên tưởng đến.
Là người sáng lập một nhãn hiệu, Hung La tin rằng việc xây dựng thương hiệu mạnh mẽ là điều tối quan trọng để nổi bật trong thị trường đông đúc. Anh đã tìm ra thị trường ngách mà ngành công nghiệp này từ lâu đã bỏ quên và đặt sứ mệnh sử dụng thời trang để làm nhiều việc hơn là chỉ tung ra quần áo.