Nhà Thơ Anh Ngọc: 'Bạn văn của tôi là một trời thương nhớ'
Dẫu trải qua những thăng trầm của cuộc đời, mỗi chúng ta, khi nhìn lại quá khứ hẳn có nhiều kỷ niệm buồn vui. Người làm thơ càng thế bởi sự đa mang, đa sầu đa cảm. Nhà thơ Anh Ngọc – một giọng thơ thiết tha mà hào sảng đã có nhiều nỗi niềm chia sẻ về khoảng lặng ấy trong những ngày xuân cận kề...
- Thưa nhà thơ Anh Ngọc, khi buồn ông thường nghĩ về điều gì, làm gì?
+ Không biết tự bao giờ tôi yêu những buổi chiều cuối đông buồn bã. Bầu trời u ám, xám xịt một màu chì. Mặt đất xác xơ, lạnh lẽo, lá rụng như mưa dưới mỗi bước đi. Ngoài kia, sông Hồng nằm thiêm thiếp sau màn sương khói. Con thuyền vắng chủ cũng đã gối đầu lên bãi cát ngủ mơ màng. Không gian như hiện về từ một áng thơ Đường. Còn thời gian thì như không còn vận động, là lúc con người chỉ còn nhìn thấy chính hồn mình, chỉ còn đối diện với chính mình.
Tôi đã thấy gì ở tâm hồn tôi vào những buổi chiều đông như thế. Tôi đã sống ra sao trong cái phần đời được Tạo Hóa ban cho ấy? Đấy, những buổi chiều mùa đông cuối năm vẫn thủ thỉ vào tai tôi những lời như vậy. Buồn bã lắm, phải không? Nhưng nếu không như thế thì đã không phải là mùa đông.
Trên cái nền xám xịt ấy, chúng ta ngồi tính sổ một năm qua, dự định thì nhiều mà thực hiện được thì quá ít, giơ tay lên với lấy tờ lịch cuối cùng, 365 ngày đã trôi đi, mang theo mất hút một mẩu đời của ta không cách gì níu lại. Tôi đã trải lòng mình ra trên trang giấy. Trước thiên nhiên tôi không giấu nổi một điều gì. Trên cõi đời này không có gì thực buồn, không có gì thực vui.
Tế Hanh, nhà thơ hồn nhiên và ít triết lý nhất trong số các nhà thơ Việt Nam, đột nhiên có hai câu sâu sắc lạ lùng: “Những ngày buồn nghĩ lại thấy vui vui/ Những ngày vui nhớ lại thấy bùi ngùi”. Đấy thật không phải là triết lý, mà chính là cuộc đời đang nói. 3.000 câu thơ của Truyện Kiều liệu có được mấy dòng hoan hỉ, mà sao cả dân tộc này ngâm ngợi suốt mấy trăm năm. Thơ Đường lại càng buồn: “Tiền bất kiến cổ nhân, hậu bất kiên lai giả... Nhật mộ hương quan hà xứ thị...”. Những câu ca dao thấm thía nhất cũng vậy: “Rồi mùa toóc rã rơm khô/ Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm”...
Có thể nói không ngoa: Bởi biết buồn nên tôi đã đến với thơ. Đối với nỗi buồn cũng như đối với cái chết, có hai cách để chống lại, tức cũng là để chung sống: hoặc là lờ nó đi, hoặc là luôn nhìn thẳng vào nó. Tôi đã chọn cách thứ hai. Tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ viết được một bài thơ ưng ý về cái chết, như đã viết được những bài thơ về nỗi buồn. Và biết đâu, đấy lại chẳng là bài thơ vui nhất của đời tôi. Bởi nếu phải viết về cái chết, cũng chỉ vì yêu cuộc sống vô vàn.
- Suốt những năm tháng làm công việc biên tập thơ ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ông được gặp gỡ nhiều bạn bè văn chương, họ để lại ấn tượng gì với ông?
+ Với tôi, bạn văn là một trời thương nhớ. Tôi gặp họ trên trang sách, ngoài cuộc đời. Có những bạn văn chưa bao giờ gặp nhưng tác phẩm của họ là sợi dây kết nối. Tôi trân trọng họ bởi tài năng, nhân cách. Ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế ngày ấy là địa chỉ quen thuộc của văn nghệ sĩ. Họ đến tạp chí để gặp gỡ, trao đổi, thân tình ấm áp lắm. Đời sống ngày ấy tuy nghèo khó nhưng tình người ắp đầy, sự chia sẻ, quan tâm luôn dành cho nhau.
Bây giờ, về hưu, tôi ít có cơ hội gặp họ, khi nghe tin một bạn văn qua đời vì tuổi già, bệnh tật, tôi buồn lắm. Buồn như một cái bóng lặng im. Có nhiều lần đi đám tang bạn, tôi lại nghĩ về lẽ mất còn trong đời, ai rồi cũng phải đến nơi ấy nhưng sao mà xót xa. Tôi vẫn nhớ về họ, trong tâm tưởng. Tuổi già thường sống với ký ức, tôi nhớ lại những ngày tháng tuổi trẻ với văn chương, với bạn bè muôn phương. Đó là quãng đời thật đẹp, hào sảng và tươi sáng.
- Nhà thơ Anh Ngọc thân quý ai nhất trong số ấy?
+ Lưu Quang Vũ – Đó là một người bạn thơ mà tôi kính trọng và yêu quý. Hồi ấy, tôi và Lưu Quang Vũ gặp nhau không nhiều, nhưng rất đỗi quý nhau. Tôi còn nhớ vào khoảng năm 1967, tôi và nhà báo Hồ Xuân Sơn đến thăm Lưu Quang Vũ tại nhà riêng, lúc bấy giờ Vũ đã in tập thơ “Hương cây – Bếp lửa” (in chung với Bằng Việt). Tôi đến khoe mấy bài thơ mới tôi vừa viết xong, trong đó có bài “Hương sắc hoa xoan”. Tôi đưa cho Vũ xem, đọc xong Vũ cười bảo: “Tôi đã có hương cây rồi, ông lại còn hương xoan. Đổi tên đi, hoa xoan cũng được”. Và tôi nghe theo đổi luôn.
Lần khác, Vũ đạp xe đến Tạp chí Văn nghệ Quân đội chơi với bọn tôi, vui lắm. Tôi ấn tượng với câu nói của Vũ, Vũ bảo rằng: “Thơ là sự ngạc nhiên trước cuộc sống”, thơ phải là cái gì đó luôn luôn mới tinh, cái tài của nhà thơ là ở chỗ, ở cái nơi không thay đổi gì cả mà luôn luôn cảm thấy cái mới. Nếu không có cái phát hiện đó thì làm thơ làm gì.
Thêm một câu đúc kết của Vũ nữa mà tôi không bao giờ quên: “Tôi khao khát đưa được nhiều cái mình vào trong thơ”. Cái mình là cái tôi đấy. Đúng quá, vì lúc bấy giờ thơ ca chủ yếu tập trung vào cái Ta dân tộc, ít ai viết về cái tôi, mà Lưu Quang Vũ gọi là cái mình đấy. Tôi ngạc nhiên quá đỗi khi đọc “Vườn trong phố” in trên báo Văn nghệ, lập tức tôi thuộc ngay, đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in.
Cách đây 2 năm tại Nhà hát Lớn, đêm thơ nhạc tưởng nhớ Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh, tôi đọc lại mà cảm xúc vẫn nguyên vẹn “Nước da nâu và nụ cười bỡ ngỡ/ em như cầu vồng bảy sắc hiện sau mưa”. Cái nhìn của Vũ bằng con mắt tâm hồn thì hình ảnh nước da nâu quả là độc đáo, không phải ai cũng viết được như thế. Đó là cái riêng, cái độc đáo, rất Vũ. Hay như câu “Dưa hấu bổ ra thơm suốt ngày dài/ Em cũng mát lành như trái cây mùa hạ” hay hình ảnh “ẩm ướt những làn môi”, “trong triệu người có em của ta”… tất cả đều ám ảnh tôi bởi cái tứ thơ đẹp đẽ ấy.
- Còn với nhà thơ Xuân Quỳnh, vợ của Lưu Quang Vũ, ông có kỷ niệm nào không?
+ Hồi Xuân Quỳnh làm ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới (nay là nhà xuất bản Hội Nhà văn) cùng với Ý Nhi, tôi có đem thơ sang in và quen Quỳnh từ dạo đó. Ấn tượng với Quỳnh có lẽ là đức tính rất cởi mở, hồn nhiên, hài hước. Bất cứ chỗ nào có Quỳnh đến, nơi ấy đầy tiếng cười. Quỳnh đẹp mặn mà, dịu dàng, giàu nữ tính lắm, cộng với tính dí dỏm, pha trò ấy nên rất thiện cảm, ai cũng yêu quý cô.
Tôi nhớ có lần trước khi tôi và nhà thơ Bằng Việt sang Liên Xô công tác, cô ấy dặn Bằng Việt là: “Em nhờ anh mua hộ em cái nồi áp huyết” (đó là cái nồi áp suất (cười). Về chuyện tình yêu của Vũ và Quỳnh, bạn bè văn chương ai ai cũng rất ngưỡng mộ.
Riêng tôi thì tôi cảm phục tình yêu của hai người ấy, dẫu Quỳnh hơn Vũ 6 tuổi, thế mà họ yêu nhau vô cùng, họ thường đạp xe song song trên phố đi dạo mỗi chiều, gặp người quen thì vẫy tay chào hỏi. Hình ảnh ấy bình dị nhưng đẹp quá. Thêm nữa, trong cuộc sống hay sự nghiệp, Quỳnh luôn kề vai sát cánh cùng chồng.
Có lần, Quỳnh cầm tập bản thảo trường ca “Đất nước đàn bầu” của Vũ sang Tạp chí Văn nghệ Quân đội và bảo tôi: “Ông in cho anh Vũ tập này với nhé”, nói rồi cười vang. Nhắc đến chồng, bao giờ Quỳnh cũng vui, mắt lấp lánh. Chính điều đó đã khiến bạn bè văn chương rất nể phục và yêu mến đôi vợ chồng ấy.
Đến bây giờ, khi nhắc đến cái chết thương tâm của vợ chồng Vũ – Quỳnh và đứa con trai chung của họ, lòng tôi vẫn nhói đau, một sự mất mát quá lớn.
Tôi còn nhớ hôm ấy, tôi đang đạp xe đến cơ quan, trên đường tôi gặp anh Hữu Vinh -Tổng biên tập Báo Thể thao - Văn hóa, anh hoảng hốt vẫy tôi lại, bảo vừa nhận tin Quỳnh - Vũ bị tai nạn mất rồi. Tôi choáng váng cả người và vội vã đạp xe lên cơ quan và gặp ngay nhà văn Như Trang, bạn thân của Quỳnh đang khóc. Mọi người quá đau xót, tiếc thương. Sau đó, nhà văn Ngô Thảo cùng với 2 người nữa xuống Hải Phòng để đưa họ về.
Đám tang của họ tổ chức ở 51 Trần Hưng Đạo, tôi không nghĩ là đông như thế, mọi người lặng lẽ đến thắp hương, tiếng khóc như xé ruột gan. Họa sĩ Doãn Châu, người cùng đi trên chuyến xe ấy với Vũ - Quỳnh, bị gẫy chân, được các bạn dìu đến đưa tiễn họ lần cuối. Ông òa khóc trước 3 linh cữu. Tôi thực sự bị ám ảnh mãi, thương xót vô cùng.
Cho đến hôm nay, khi kể lại những kỷ niệm về họ, tôi vẫn nguyên vẹn tình cảm trân quý, ngưỡng mộ và tiếc thương vô hạn. Họ là những người bạn lớn của tôi.
- Trân trọng cảm ơn nhà thơ Anh Ngọc.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nha-tho-anh-ngoc-630099/