Nhà thơ Đoàn Văn Mật: Chọn lối sống chậm

Nhà thơ Đoàn Văn Mật là tác giả các tập thơ 'Giữa hai chiều thời gian', 'Bóng người trước mặt,' 'Sóng trầm biển dựng', vừa qua, anh ra mắt tập thơ mới 'Ngoài mây trời đầy trống vắng'. Đoàn Văn Mật đến với văn chương bằng phong vẻ của một người quê an phận, của sự lãng mạn từ văn hóa quê nhà…

Nhà thơ Đoàn Văn Mật.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật có một tuổi thơ đầy ắp sự thương yêu từ cha mẹ, anh em và họ mạc. Chính tình yêu ấm áp ấy đã mang đến cho anh kí ức thật đẹp từ tuổi thơ. Cha của Mật là một nông dân nhưng ông luôn có cách dạy con thật đặt biệt. Ông chưa bao giờ cha dạy con bằng roi vọt, mỗi lần anh mắc một lỗi lầm, ông thường khuyên can, chỉ bảo, lấy ví dụ, điều này nên làm, điều kia thì không được. Sau này, mỗi lần vấp ngã anh đều đứng lên bằng kí ức, với tình yêu thương của người thân dành cho mình.

Quê hương của Mật là một vùng đất nghèo (Nam Cường, Nam Trực, Nam Định) nhưng lại có nhiều lễ hội. Người quê quanh năm dù chân lấm tay bùn mà luôn giàu có về tình cảm và văn hóa. Người dân quê anh sống với nhau theo đúng nghĩa tối lửa tắt đèn, rách lành đùm bọc lấy nhau theo một tình cảm, mà đến giờ anh vẫn khó giải thích.

“Tôi nghĩ cái nghèo, liên kết với tình cảm trong mỗi người dân quê tôi đã tạo nên một thứ cảm xúc của sự lãng mạn. Sự lãng mạn ấy đôi lúc nằm ở cái phong vẻ an phận thủ thường, nghèo lắm mà vẫn luôn lạc quan với đời sống của mình”, nhà thơ Đoàn Văn Mật chia sẻ.

“Khi người ta nghèo, người ta sẽ luôn mơ ước là mình sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, mơ ước ấy đã ăn vào suy nghĩ của nhiều người và trở thành một thứ lãng mạn tưởng xa vời. Đình đám hội hè nhiều cũng tạo nên một sự lãng mạn về văn hóa tinh thần. Mùa xuân quê tôi ở đâu cũng thấy hội, cũng thấy lễ, hội Viềng, hội chùa, hội đền, hội phủ… chính không khí của lễ hội cũng đã tạo nên vẻ đẹp lãng mạn riêng cho vùng đất và cho con người”. Cũng vì vậy, gia đình và quê hương đã góp phần vô cùng quan trọng để Đoàn Văn Mật đến với văn chương.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật sinh năm 1980. Hiện làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Giải thưởng:

- Giải Ba cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2008 -2009

- Giải thưởng Văn học nghệ thuật, báo chí 5 năm (2014 -2019) của Bộ Quốc phòng cho tập trường ca “Sóng trầm biển dựng”

- Giải thưởng văn học về Biên giới, Hải đảo của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2020

Năm 2005, khi ấy đã 25 tuổi, Đoàn Văn Mật bắt đầu lên Hà Nội học.

Vào tuổi ấy, bạn bè anh nhiều người đã lập gia đình cũng như bắt đầu có sự nghiệp. Vì thế, anh tập trung và thấy mình cần cố gắng hơn trong học tập và sáng tác. Là một sinh viên... không còn trẻ, Đoàn Văn Mật có được sự bình thản để lựa chọn cho mình một cách sống, một lối viết mà anh thấy phù hợp để theo đuổi.

Đoàn Văn Mật tự nhận anh là một người sống chậm. Lối sống này được hình thành từ thơ bé, và cũng ảnh hưởng khá nhiều đời sống của anh. Nhà thơ Lữ Mai, vợ của anh thì hoàn toàn ngược lại: Ráo riết, làm gì cũng cố gắng cao nhất có thể. Anh nói: “Có lẽ vì thế mà trong gia đình tôi luôn có sự bù trừ cho nhau, làm cho cuộc sống gia đình được thăng bằng hơn. Cũng phải nói thật là làm văn chương đôi khi rất cần sự điềm tĩnh vì khi chúng ta càng đi sâu vào thế giới văn chương càng thấy mình bé nhỏ, càng thấy văn chương thăm thẳm mà mình thì chẳng là ai và chẳng thấm vào đâu. Sự điềm tĩnh cũng là để cho mình khỏi bị đi lạc trong văn chương, đồng thời nhìn thấy rõ nhất với văn chương. Nghĩa là tránh sự hoang tưởng đối với mình”.

Ngoài 30 tuổi, nhà thơ Đoàn Văn Mật mới bắt đầu gây dựng sự nghiệp, nên đời sống với anh cũng không dễ dàng gì: “Có nhiều thời điểm, tôi phải để sáng tác sang một bên để dành thời gian cho công việc và kiếm tiền. Tất nhiên, tôi cũng chẳng phải là người giỏi giang gì để có thể làm được ra tiền”.

Anh tâm sự: “Đời sống văn chương và đời sống ngoài văn chương của tôi không có nhiều sự khác biệt, ngoại trừ: Sáng sẽ cùng vợ con đi chợ, tối sẽ cùng vợ con đi bộ, cuối tuần cùng vợ con lang thang phố xá, hoặc lúc ăn, lúc ngủ thì còn lại đều liên quan công việc liên quan đến văn chương cả. Là người chậm sống chậm và nhiều đãng trí nên điều tôi muốn là mình cần sống nhanh hơn bản thân mình. Nhưng thay đổi được quả là cũng khó”.

Đoàn Văn Mật thường làm thơ về đêm: “Đêm đánh nhịp và gõ vào tâm hồn tôi những nỗi niềm chìm ẩn của đời sống, của kiếp người dằng dặc lo âu, buồn, vui thất vọng lẫn cùng hy vọng... mỗi bài thơ tôi viết là một lát cắt, một khoảnh khắc, hay một nỗi miên man về thân phận con người.

Khi làm thơ, khi xuất bản, tôi không có ý sắp xếp theo chủ đề mà thường sắp theo tâm trạng, theo nhịp cảm xúc, theo cách thức thể hiện của mỗi bài thơ. Sự ra đời của mỗi bài thơ với tôi luôn có sự kết hợp của cảm xúc, ý tưởng và thẩm mỹ. Khi cảm xúc đến thì ý tưởng cũng đồng thời xuất hiện, và tôi cố gắng thể hiện tốt nhất nhiều gì mình cần phải làm trong một bài thơ”.

Tập thơ mới “Ngoài mây trời đầy trống vắng” vừa ra mắt bạn đọc, mang nỗi buồn sâu hơn, chiều cô đơn dài hơn và dường như anh viết đau hơn. Với những bài thơ trong tập này, Đoàn Văn Mật đã cố gắng đi sâu vào những thân phận con người mà ở nó nỗi cô đơn, nỗi đau như một điểm nhấn làm nên trạng thái cho mỗi bài thơ. Mỗi bài thơ là một hoàn cảnh và anh thường viết khi thấy mình cần phải viết bài thơ ấy ra ngay lập tức.

Càng thêm trải nghiệm, Đoàn Văn Mật càng nặng lòng với những đến đi của mọi việc, hơn là nhẹ đi buông đi để thảnh thơi. “Khi có càng nhiều trải nghiệm, người ta càng muốn sống chậm với mình hơn, đặc biệt người ta càng muốn nhìn sâu vào con người mình để thấy chính mình”, Đoàn Văn Mật bày tỏ. “Tôi từng bị dẫn dắt bởi những bài thơ hay, có những bài thơ làm cho tôi thay đổi hành vi, lối sống hay một thứ nào khác nên tôi luôn hiểu mình cần mang đến cho bạn đọc điều gì. Một bài thơ có thể không thay đổi được số phận người đọc nhưng nó có thể làm lay động trong tâm trí họ một điều gì đó cần thay đổi, hoặc có thể giúp họ tìm ra một con đường khác, một câu chuyện khác, một cuộc đời khác ngoài mình. Đó chính là sức mạnh của ngôn ngữ thi ca”.

Về dự định sắp tới, Đoàn Văn Mật nói: "Tôi không có dự định trong sáng tác, mà chỉ có lúc nào đó cần viết thì sẽ ngồi viết và đến một thời điểm nào đó thì có thể xuất bản tác phẩm của mình”.

VIỆT QUỲNH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nha-tho-doan-van-mat-chon-loi-song-cham-5725834.html