Nhà thờ Đức Bà Paris và lời hứa 5 năm
Hơn 5 năm qua, nước Pháp đã huy động lượng lớn chuyên gia, kỹ sư, nghệ nhân và khoản lớn tiền của để chuẩn bị cho ngày Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa trở lại một cách huy hoàng sau vụ cháy kinh hoàng năm 2019.
Cuối tuần qua, Nhà thờ Đức Bà Paris chính thức mở cửa trở lại sau hơn 5 năm tu sửa và tôn tạo. Buổi lễ đón sự tham dự của lãnh đạo nhiều nước, tổ chức quốc tế và đông đảo người dân. Tuy nhiên, để đi đến được thời khắc đáng nhớ này, nước Pháp và đội ngũ những người làm công tác trùng tu trải qua một quá trình dài.
Lời hứa 5 năm
Suốt hơn 5 năm qua, cuộc đua mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà Paris không dừng lại. Trên thực tế, nó đã diễn ra ngay từ thời điểm đám cháy bùng phát vào đầu buổi tối ngày 15-4-2019.
Vài giờ sau khi đám cháy được dập tắt, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên truyền hình và cam kết sẽ xây dựng lại nhà thờ trong vòng 5 năm, thậm chí làm cho địa điểm này đẹp hơn trước. Theo tờ The Wall Street Journal, tuyên bố tái thiết nhà thờ của ông Macron nhanh chóng được người dân ủng hộ.
Chỉ vài ngày sau vụ hỏa hoạn, chính quyền Pháp ghi nhận khoản quyên góp lớn từ nhiều người để trùng tu nhà thờ.
Tuy nhiên, song song với sự ủng hộ từ nhiều người, dự án tái thiết nhà thờ cũng vấp phải nhiều tranh cãi khi một số chuyên gia cho rằng việc tái thiết nhà thờ trong khoảng 5 năm là khó có thể làm được, mà cần mất khoảng từ 15 đến 20 năm. Bên cạnh đó, thời điểm vụ cháy xảy ra, nước Pháp cũng đối mặt nhiều vấn đề, trong đó có làn sóng biểu tình áo vàng.
Suốt quá trình tái thiết, nhiều biến cố đã xảy ra.
Khoảng một năm trước khi Nhà thờ Đức Bà Paris được mở cửa trở lại, vị tướng người Pháp được giao nhiệm vụ giám sát quá trình tái thiết nhà thờ – ông Jean-Louis Georgelin đã biến mất.
Khi ấy, ông Georgelin đang tham gia một kỳ nghỉ đi bộ đường dài. Tuy nhiên, vào tối 18-8-2023, ông Georgelin đã không quay về nơi trú ẩn. Sau quá trình tìm kiếm, cảnh sát đã tìm thấy thi thể của ông Georgelin trên sườn núi Mont Valier - một ngọn núi của Pháp gần biên giới Tây Ban Nha.
Thảm kịch đã giáng một đòn nặng nề vào nước Pháp và lời hứa của ông Macron, khi việc phục dựng nhà thờ là một trong những cam kết lớn của tổng thống Pháp. Sau vụ việc, ông Macron quyết định chọn ông Philippe Jost – kỹ sư trong Bộ Quốc phòng Pháp – đảm nhận vị trí của ông Georgelin.
Ông Jost cho biết vào thời điểm đó, không có Tướng Georgelin, công việc của ông trở nên khó khăn gấp bội.
"Chúng tôi không biết liệu chúng tôi có thể tiếp tục với tốc độ hiện có hay không và điều đó sẽ tạo ra những bất ổn gì" – ông Jost nói.
Tuyên bố hoàn thành việc tái thiết Nhà thờ Đức Bà trong 5 năm cũng đặt những áp lực không nhỏ lên vai những người làm công tác tái thiết như Tướng Georgelin hay ông Jost.
Khi tiếp nhận dự án, ông Jost phải giám sát khoảng 250 công ty tham gia vào quá trình tái thiết Nhà thờ Đức Bà. Công việc của ông thì rất nhiều. Đó có thể là giám sát những công nhân dọn dẹp bên trong nhà thờ, theo dõi quá trình lắp đặt lại các bộ phận quý giá, theo dõi các nhóm sử dụng cần cẩu để treo ngọn tháp trang trí công phu. Ông cũng giám sát quá trình xây dựng lại mái nhà thờ.
Dù nhiều việc là vậy nhưng càng gần đến ngày nhà thờ mở cửa trở lại, ông Jost càng tự tin. Ông biết rằng công việc của ông sẽ giúp được nhiều người có thể quay lại chiêm ngưỡng công trình này.
Kết quả không ngờ
Quá trình hoàn thành công trình nhà thờ Đức Bà Paris cần rất nhiều công sức từ rất nhiều người.
Phải mất gần 2 năm, ông Jean-Louis Bidet và đội thợ mộc tay nghề cao của ông mới có thể biến 1.300 cây sồi thành hệ thống kèo cột của Nhà thờ Đức Bà Paris. Trong quá trình đó, những người thợ mộc này chỉ sử dụng rìu và không sử dụng bất kỳ công cụ hiện đại nào để lắp ráp và lắp đặt khung gỗ khổng lồ đỡ mái nhà thờ, giúp nó gần giống hệt với bản gốc được xây dựng vào thế kỷ XIII.
"Chúng tôi đã làm mọi thứ bằng tay, giống như họ đã làm vào thời trung cổ" – ông Bidet cho biết.
Tuy nhiên, ở phần trên của nhà thờ, các kỹ sư đã lắp đặt một số thiết bị hiện đại, bao gồm hệ thống phòng cháy chữa cháy, các camera cảm biến nhiệt và vòi phun chữa cháy cảm biến.
“Công nghệ ngày nay tốt hơn nhiều so với công nghệ có vào đêm xảy ra hỏa hoạn” – ông Eric Lazzari, Giám đốc điều hành tại công ty sản xuất thiết bị chữa cháy DEF, cho biết.
Sự kết hợp giữa truyền thống và đổi mới này được xem là điểm đặc trưng trong quá trình khôi phục nhà thờ. Dự án này có sự tham gia của khoảng 2.000 công nhân. Theo tờ Financial Times, nhiều người trong số họ đến từ các doanh nghiệp nhỏ chuyên về nghề thủ công của Pháp.
Nhà thờ được tái thiết nhờ khoản quyên góp trị giá 840 triệu euro từ nhiều nguồn. Đối với nhiều người ở Pháp, số này là điều xứng đáng để giúp phục hồi một kiệt tác kiến trúc cổ, vốn là nhân chứng cho nhiều sự kiện lịch sử quan trọng tại Pháp.
“Nhà thờ Đức Bà là một tượng đài, là nơi kể vô số câu chuyện về lịch sử chung của chúng ta. Mỗi khi người Pháp muốn tìm lại sự thống nhất, họ lại tụ họp tại Nhà thờ Đức Bà Paris” – Hạ nghị sĩ Pháp Jérémie Patrier-Leitus nói.
Câu chuyện về quá trình tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris cũng là minh chứng cho một trong những mối quan hệ đối tác không thể ngờ tới. Đó là sự hợp tác giữa nhà nước và các nhà tài trợ tỉ phú, giữa các viên chức nhà nước và người lao động, bất chấp những xung đột gay gắt về tầm nhìn, quan điểm giữa họ.
Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là dự án này không chỉ sửa chữa thành công những hư hại do vụ cháy gây ra, mà còn mang lại cho Nhà thờ Đức Bà Paris một sức sống mới.
Trước vụ hỏa hoạn, chính quyền đã lên kế hoạch cải tạo nhà thờ với kinh phí 150 triệu euro nhưng vẫn chưa thể thực hiện. Vào thời điểm đó, phần mái nhà thờ cũng đã hư hại nhiều.
"Trước vụ hỏa hoạn, về cơ bản chúng tôi đã từ bỏ việc khôi phục nội thất, vì nó sẽ chỉ gây ra một vòng xoáy chi tiêu. Chúng tôi chỉ tập trung giải quyết dần những phần quan trọng nhất ở bên ngoài. Nhưng nhờ các khoản quyên góp, chúng tôi đã có thể thực hiện một chương trình khôi phục toàn diện. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chúng tôi sẽ tiến xa đến vậy" – ông Philippe Villeneuve, kiến trúc sư trưởng của Nhà thờ Đức Bà từ năm 2013, cho biết.
Nguồn PLO: https://plo.vn/nha-tho-duc-ba-paris-va-loi-hua-5-nam-post824018.html