Nhà thơ Dương Kỳ Anh - 'cha đẻ' cuộc thi Hoa hậu Việt Nam qua đời
8h30 ngày 25/2, nhà thơ Dương Kỳ Anh qua đời tại Bệnh viện Hữu Nghị, do bệnh hiểm nghèo. Sự ra đi đột ngột của nhà thơ nổi tiếng, cũng là người sáng lập cuộc thi Hoa hậu Việt Nam khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, tiếc thương.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh qua đời ở tuổi 77. Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam
Ông Trần Hữu Việt - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cho biết nhận tin buồn từ gia đình nhà thơ. Trước khi mất, nhà thơ Dương Kỳ Anh mắc bệnh ung thư, điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh tên thật là Dương Xuân Nam, SN 1948, tại Xuyên Cẩm (nay là thôn Trần Phú), xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là Nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Năm 1972, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp ngành Ngữ Văn, ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam, là sĩ quan điều khiển tên lửa. Năm 1975, ông về công tác tại Báo Tiền Phong cho đến lúc nghỉ hưu.
Ông là một trong những nhà thơ, nhà báo hiếm hoi của Việt Nam được ghi tên trong từ điển "Danh nhân Văn hóa Thế giới" (khu vực châu Á - Thái Bình Dương).
Trong sự nghiệp văn chương, nhà thơ Dương Kỳ Anh từng đoạt giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1988, Giải thưởng bài thơ hay do Báo Nhân Dân tuyển chọn 1988, Giải đặc biệt giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Du với tiểu thuyết Xuyên Cẩm năm 2005.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh từng xuất bản nhiều tác phẩm như: Và anh đợi (1987); Đi qua thời gian (1992); Bông hoa lạ (1994); Bài phóng sự (2000); Miền ký ức (2001); Bức ảnh thứ hai (2001); Chị Huệ làng Tảo Trang (2003) Xuyên Cẩm (2004); Thơ Dương Kỳ Anh (2005); Thổ địa (2006); Cõi Ta Bà (2008) Hoa hậu và những chuyện bên lề các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam (1998); Những chuyện ít được kể giữa lòng châu Âu (2000); Ai là người giàu nhất Việt Nam (2006),…
Không chỉ là một nhà thơ, nhà báo nổi tiếng, ông còn được biết đến là người tiên phong khởi xướng, đưa cuộc thi sắc đẹp danh tiếng dành cho phụ nữ đến với Việt Nam. Do đó, ông còn được gọi là “cha đẻ” của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam - cuộc thi hoa hậu lâu đời và quy mô nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Nhiều năm Báo Tiền phong tổ chức cuộc thi nhan sắc này, ông đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban tổ chức, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi. Năm 2007, ông xuất bản cuốn Hoa hậu Việt Nam - Những điều chưa biết, tiết lộ nhiều "thâm cung bí sử" cuộc thi, đính chính một số tin đồn về các người đẹp.
3 ngày trước khi rời cõi tạm, nhà thơ Dương Kỳ Anh khoe trên trang cá nhân bài thơ "Đợi em trong hội" được đăng báo. Tác phẩm được ông viết tại nhà vườn ở Sóc Sơn, Hà Nội. Ông nhận được nhiều lời khen từ bạn bè, độc giả bởi những ký ức xưa cũ ùa về.
Sự ra đi đột ngột của nhà thơ Dương Kỳ Anh khiến nhiều người không khỏi tiếc thương. Sinh thời, nhà thơ Dương Kỳ Anh nói ông làm thơ, viết văn "từ sự thúc bách từ nội tâm, như một cách trả nợ đời". "Những người làm thơ rồi viết tiểu thuyết có lợi thế là tiểu thuyết của anh ta có chất thơ trong từng câu văn. Thường người làm thơ khi viết tiểu thuyết thì chi tiết và cốt truyện cũng chắt lọc hơn", ông bày tỏ.
Trong một bài viết gần đây về nhà thơ Dương Kỳ Anh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng chia sẻ: “Những người yêu quý ông vì ông là một nhà báo uy tín và là nhà thơ đầy lòng trắc ẩn chứ đâu phải vì ông trao vương miện hoa hậu cho cô này hay cô nọ… Nếu tôi nhớ không nhầm, ông đã 10 lần đặt vương miện hoa hậu lên đầu các cô gái đẹp của xứ này. 9 cô gái đẹp trước đó cũng chẳng làm nên tên tuổi ông nhưng cô thứ 10 lại làm ông phải phiền muộn”.
Nhà thơ Văn Công Hùng cũng nhận xét, thơ của nhà thơ Dương Kỳ Anh rất kiệm lời, chắt chiu ý, chặt chẽ và súc tích đầy chất chiêm nghiệm nên đọc phải cùng tâm thế.