Nhà thờ họ

Dù quy mô khác nhau, nhưng nhà thờ các dòng họ đều có một điểm chung nhất; đó là 'mái nhà chung' của mỗi dòng họ, là nơi lưu giữ anh linh các bậc Tiên tổ; nơi in dấu bàn tay của lớp lớp các bậc tiền nhân gầy dựng đắp bồi sự nghiệp, dắt dìu con cháu tiến bộ trưởng thành. Tre già măng mọc, uống nước nhớ nguồn, nhớ ơn Tiên tổ... là một phần đạo lý Việt, nhân ái Việt, tạo nên sức mạnh trường tồn.

Ông Ngô Đức Bá là người được Ban Bảo tộc Nhánh 1, Phái 1, Chi 5 họ Ngô Trảo Nha phân công đọc Chúc văn mỗi lần tế Tổ. Lần này, ông có một cảm xúc đặc biệt. Bởi, Lễ Tế lần này nhân kỷ niệm 20 năm xây dựng Nhà thờ và khánh thành trùng tu, tôn tạo Lăng mộ tổ.

Ngày cuối cùng của tháng 3 năm 2021, nhằm ngày 18 tháng 2 Tân Sửu, nắng bắt đầu hào phóng với người Nghệ. Dẫu gió Phơn (gió Lào) năm nay về muộn, nhưng cũng đủ nhận ra giọt mồ hôi trên từng khuôn mặt họ hàng.

Người họ Ngô đến lập nghiệp trên đất Trảo Nha xưa (nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đã hàng mấy trăm năm. Nhà thờ Đại tôn, nơi thờ tự Tào Quận công Ngô Phúc Vạn – đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, cũng đã có hàng trăm năm. Riêng Phái 1, khi tôi lớn lên, chỉ còn nhìn thấy nền Thượng điện. Chiến tranh hủy diệt làm Phái 1 mất nơi thờ tự tiên tổ.

Nhà thờ Tổ Nhánh 1, Phái 1, Chi 5 theo các cụ tiền bối truyền lại, được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, tọa lạc trên một khuôn viên rộng lớn khoảng 3 sào Trung Bộ; nhưng thăng trầm cùng lịch sử. Năm 1954, các vị bô lão đã bàn nhau xây dựng lại, đã mua gạch đá chuẩn bị trùng tu, xây dựng lại thì cuộc cải cách ruộng đất nổ ra…Rồi chiến tranh chống Mỹ, bị đạn bom đốt cháy chỉ còn sót lại chiếc bình hương bằng sứ bị nứt vỡ. Chiến tranh, con cháu li tán khắp mọi miền...và phải chờ mãi đến năm 1986 mới được các bô lão bàn đến. Đất nước khó khăn, dòng họ khó khăn và ngược lại. Mãi sau 15 năm đổi mới, năm 2001, một gian thờ Tiên tổ mới được dựng lên...

Tôi nhớ mãi, khi xây dựng được gian thờ đó, ngay trên đất hương hỏa hiến cho dòng họ, bố tôi hàng ngày ra ngồi ngắm. Ông với tư cách là Trưởng phái 1, nhận về phần mình phần trách nhiệm. Vì thế mà cha tôi hiến đất. Vì thế mà khi làm xong gian thờ, dù khiêm tốn, lòng ông bớt tủi.

Cũng khi tôi lớn lên, biết được nhiều dòng họ lớn ở làng Nam Sơn (nay là khối phố Nam Sơn) đã có nhiều dòng họ như Nguyễn Viết, Nguyễn Duy, họ Bùi, họ Phan – những dòng họ lớn, có nhà thờ, tuổi đến hơn trăm năm. Nhà thờ họ Phan là nơi, mẹ tôi dắt tay đi học mẫu giáo lớn, dự bị cho “Lớp 1 ơi, lớp 1”. Cô Khai là cô giáo đầu tiên. Lớp ghép, được kê sơ sài bên chái nhà thờ họ Phan. Có lẽ vì ký ức ấy, đến nơi nào tôi cũng hay để ý đến nhà thờ các dòng họ. Nhìn nhà thờ biết lịch sử, biết vị thế, thậm chí cả tiềm lực kinh tế của hậu thế mỗi thời kỳ.

Dù quy mô khác nhau, nhưng nhà thờ các dòng họ đều có một điểm chung nhất; đó là “mái nhà chung” của mỗi dòng họ, là nơi lưu giữ anh linh các bậc Tiên tổ; nơi in dấu bàn tay của lớp lớp các bậc tiền nhân gầy dựng đắp bồi sự nghiệp, dắt dìu con cháu tiến bộ trưởng thành. Tre già măng mọc, uống nước nhớ nguồn, nhớ ơn Tiên tổ... là một phần đạo lý Việt, nhân ái Việt, tạo nên sức mạnh trường tồn.

Trước Thượng điện Nhà thờ có một cây Đại, bốn mùa nở hoa thơm ngát. Đây chính là nơi khi cha tôi còn sống, ông hay ra ngắm nhà thờ.

...

Hoa đại rơi trắng cả chiều buông

Con nhặt chùm hoa lặng lẽ

nghe nghìn năm vọng về vẫn thế

đất quê nhà lựng gót chân xa...

(Hoa đại nhà thờ tổ)

Đây là khổ cuối bài thơ “Hoa đại nhà thờ tổ” tôi viết năm 2016. Nhà thờ họ đối với mỗi gia tộc luôn là nơi vô cùng linh thiêng, lưu trữ gia phả, văn tự cổ, bài vị, bàn thờ cùng những điển tích về dòng họ. Đó chính là nơi giúp con cháu hiểu hơn về cha ông mình từ xưa đến nay. Nơi mà, vào ngày giỗ, con cháu về tụ họp đông đủ tại nhà thờ, thắp hương tưởng nhớ những người đã khuất. Nhà thờ họ luôn có ý nghĩa văn hóa tinh thần rất lớn, vì vừa là nơi tiến hành nghi lễ truyền thống để con cháu thể hiện lòng biết ơn các bậc sinh thành, vừa là nơi các thành viên họ tộc gặp gỡ, quây quần bên nhau.

Suốt chiều dài lịch sử, trên đất nước Việt Nam, các dòng họ đều như thế.

Người nào cũng có gốc sinh ra. Nước có nguồn, cây có cội. Biết ơn Tiên tổ, biết ơn các thế hệ đi trước đã đặt móng xây nền cho “ngôi nhà chung” của dòng họ, tôi nhận ra tình cảm thiêng liêng khi từng nén hương được dâng, từng đôi tay thắp vái...

Đại tá Ngô Trọng Kim, một bác sỹ Quân đội, Trưởng ban Bảo tộc, rưng rức: “Chúng ta có nghĩa vụ cùng nhau giữ gìn, củng cố để ngôi nhà đó ngày càng bền vững, ngày càng đẹp đẽ hơn, bằng cách đoàn kết phấn đấu, lao động, học tập không ngừng, để nâng cao đời sống tinh thần và vật chất, nhằm theo kịp với xu thế phát triển của đất nước và xã hội hôm nay và mai sau”.

Nhìn lên trời, tôi có cảm giác Can Lộc xanh cao hơn. Thế giới của tâm linh, rất gần, rất xa, vừa hư vô, vừa hiện hữu.

Hà Tĩnh, ngày 26/5/2021

NĐH

Tản văn của Ngô Đức Hành

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nha-tho-ho-a3026.html