Nhà thờ họ Phạm: Bảo tồn, phát huy giá trị dòng họ trên đất Long An
Bảo tồn, gìn giữ giá trị truyền thống của dòng họ, tổ tiên là nét đẹp truyền thống từ bao đời nay của dân tộc. Tại Việt Nam, họ Phạm là một trong những dòng họ có từ lâu đời. Trên địa bàn tỉnh Long An, nhiều người là con cháu họ Phạm từ nhiều nơi trong nước đến lập nghiệp, sinh sống. Vào tháng 4/2022, Nhà thờ họ Phạm tỉnh Long An đã được khánh thành, là nơi thờ các bậc tiền hiền và kết nối, lưu giữ truyền thống dòng họ cho con cháu đời sau.
Nhà thờ họ Phạm tỉnh Long An tọa lạc ấp 6, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng họ Phạm tỉnh Long An - Phạm Thanh Phong thông tin, nơi đây, vào giữa thế kỷ XVIII, Đức ông Phạm Văn Y từ Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi cùng một số bà con lưu dân đến lập nghiệp theo dòng người khai mở đất phương Nam, kể cả ở nhiều địa phương khác trong tỉnh đều có người họ Phạm đến khai cơ, lập nghiệp, sinh sống, kết nối hình thành các chi tộc theo huyết thống, có nhà thờ họ, hàng năm tổ chức cúng Việc lề để con cháu tập hợp về tri ân, tưởng nhớ tổ tiên.
Được biết, có những chi tộc lập nên gia phả đến nay là 10 đời hậu duệ. Trải qua hàng trăm năm gian khổ của tiền nhân, các chi tộc vượt qua khó khăn, đoàn kết, giúp nhau trong lao động, sản xuất, khai hoang, mở đất, chống chọi với thiên nhiên, chống giặc, lập làng, lập ấp, chăm lo cuộc sống, nuôi dưỡng con cháu học hành. Nhiều người trong dòng họ giữ trọng trách ở địa phương, kể cả Trung ương. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, rất nhiều người của dòng họ là liệt sĩ, thương, bệnh binh, bị tù đày, gia đình có công với nước, Mẹ Việt Nam Anh hùng,… đã góp phần vào truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” của quê hương Long An.
Thể theo nguyện vọng của các chi tộc, dòng họ đề nghị tỉnh nên có một nhà thờ để thờ Thượng Thủy tổ Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu - vị tướng đứng đầu quan võ nhà Tiền Lý, có công lớn giúp vua Lý Nam Đế đánh tan giặc nhà Lương ở phương Bắc xâm lược, giải phóng đất nước, dựng nước Vạn Xuân (nước Việt Nam ta ngày nay) vào thế kỷ thứ VI. Ông sinh ngày 10/3 năm Bính Thân (476) tại xã Quang Liệt, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thân phụ là ông Phạm Thiều, thân mẫu là bà Lý Thị Trạch.
Năm 544, nhà nước Vạn Xuân ra đời thì nhà Lương đem quân sang xâm chiếm nước ta một lần nữa. Để bảo vệ đất nước, ông cầm gươm ra trận, chỉ huy chiến đấu đánh tan quân xâm lược và anh dũng hy sinh tại trận tiền ngày 20/7 năm Ất Sửu (545), hưởng thọ 69 tuổi. Ông được dòng họ Phạm cả nước tôn vinh là “Thượng Thủy tổ”. Vua Lý Nam Đế sắc phong là “Đô Hồ Đại Vương” - vị tướng có chức vụ cao nhất trong quân đội lúc bấy giờ, nhân dân phong ông là “Thần hoàng bổn cảnh”, hiện đền thờ tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Năm 2018, Thường trực Hội đồng Họ Phạm Long An đã rước chân linh của ông về an vị tại nhà thờ chi tộc Họ Phạm Rạch Rích (xã Tân Bửu, huyện Bến Lức). Đây cũng là nơi đầu tiên an vị chân linh Thượng Thủy tổ Họ Phạm trên đất Long An.
Trong lễ cúng Việc lề ngày 01/3/2019, các chi tộc thống nhất xây dựng nhà thờ Thượng Thủy tổ và các bậc tiền hiền họ Phạm của các chi tộc trong tỉnh, kể cả các chi tộc cùng huyết thống ngoài tỉnh. Nhà thờ được khởi công xây dựng từ ngày 10/10/2020 trên nền đất 500m2 của dòng họ, do con cháu chi tộc họ Phạm Rạch Rích quản lý. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với dòng họ Phạm cả nước nói chung và Long An nói riêng, là nơi ghi nhớ những đóng góp của các bậc tiền hiền, thể hiện tấm lòng tri ân của con cháu đời sau với tổ tiên cũng như kết nối các thế hệ trong dòng họ Phạm, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Hàng năm, ngày 20/7 Âm lịch, nơi đây cũng tổ chức Giỗ tổ Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu - Thượng Thủy tổ của dòng họ./.