Nhà thơ Hoài Vũ: Lặng lẽ cùng dòng sông
Ở tuổi gần 90, nhà thơ Hoài Vũ vừa được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức chương trình giới thiệu tuyển tập thơ 'Hoài Vũ và Thì thầm với dòng sông'. Tuyển tập là những tác phẩm chọn lọc một đời thơ của Hoài Vũ và cũng là dịp để bè bạn, đồng nghiệp, hậu thế có cái nhìn rõ hơn về cuộc đời văn chương của ông. Một con người tài hoa nhưng lặng lẽ, khiêm nhường.
1.Nhiều người nói rằng nhắc tới Hoài Vũ là nhớ tới dòng Vàm Cỏ Đông, nơi bài thơ được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc đã ăn sâu vào tâm trí nhiều thế hệ người dân Việt Nam với những ca từ như: “Ở tận sông Hồng em có biết/Quê hương anh cũng có dòng sông/Anh mãi gọi với lòng tha thiết/Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông…”.
Về hoàn cảnh ra đời bài thơ này, nhà thơ Hoài Vũ kể lúc đó năm 1963, khi chiến tranh chống Mỹ đang bước vào giai đoạn khốc liệt, ông cùng nhà thơ Giang Nam vượt qua nhiều nguy hiểm và sự truy quét gắt gao của quân địch để tới căn cứ kháng chiến nằm ở đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông (hiện nay là nơi giáp ranh giữa tỉnh Tây Ninh và Long An).
Tại đây, cả hai nhà thơ đều viết những tác phẩm về sông Vàm Cỏ Đông và được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Tới năm 1966, bài thơ của Hoài Vũ được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc và lập tức tạo ra sức lan tỏa lớn. Do một thời gian dài gắn bó với vùng đất đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông (cũng là nơi Trung ương cục đặt căn cứ kháng chiến khi đó) nên Hoài Vũ có nhiều tác phẩm nhắc tới dòng sông này. Và có lẽ, cũng nhờ những ca từ của Hoài Vũ và âm nhạc chắp cánh mà dòng Vàm Cỏ Đông trở thành cái tên quen thuộc với nhiều người, ở nhiều thế hệ, dù đây chỉ là một dòng sông nhỏ.
Nhưng không chỉ có Vàm Cỏ Đông, hầu hết trong những tác phẩm của Hoài Vũ đều thấp thoáng có bóng dáng của một dòng sông nào đó. Như một bài thơ nổi tiếng khác là “Hoàng hôn yên lặng” sau được nhạc sĩ Thuận Yến lấy cảm hứng và phổ nhạc thành bài hát “Chia tay hoàng hôn”. Mở đầu bài thơ và bài hát là những ca từ rất hay, mượt mà: “Anh phải về thôi xa em thôi, hoàng hôn yên lặng cũng theo về…”. Nếu chỉ nghe những giai điệu ấy, rất ít người nghĩ rằng tác phẩm được ra đời trong thời gian chiến tranh, khi tác giải đang sống trong lòng địch và thường xuyên đối mặt với những càn quét nguy hiểm.
Về bài hát “Chia tay hoàng hôn”, nhiều người sau này sử dụng đều “bỏ quên” tác giả lời thơ là nhà thơ Hoài Vũ. Không thể phủ nhận rằng âm nhạc đã đưa thơ Hoài Vũ đi xa hơn, vào sâu trong tâm trí khán giả nhưng việc nhạc phẩm nổi tiếng không ghi tác giả lời bài hát cũng là một thiếu sót lớn.
Nhưng, chưa bao giờ Hoài Vũ lên tiếng về những thiếu sót này, dù bản thân ông từng là nhà báo (từng giữ chức Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng), có đủ điều kiện để đòi quyền lợi chính đáng dành cho mình. Nhưng không, như bản thân ông sinh ra là vậy, ông chọn cho mình một cuộc đời lặng lẽ. Bởi ông coi những tác phẩm đó, dù là thơ hay nhạc chỉ đơn giản là để làm đẹp cho cuộc đời, không phải để làm đẹp, đánh bóng tên tuổi cho tác giả. Có lẽ, chỉ những ai từng gặp gỡ, tiếp xúc và hiểu về Hoài Vũ mới cảm nhận được lối sống giản dị của ông.
Tôi đã đọc bài thơ “Hoàng hôn lặng lẽ” của Hoài Vũ và nghe nhiều lần bài hát “Chia tay hoàng hôn” của Thuận Yến và nhận thấy rằng, dù không lấy nguyên văn những câu thơ để đưa vào nhạc phẩm nhưng những gì hay nhất, hồn cốt nhất, cái không gian hoàng hôn, tình yêu, chia xa, yên lặng… đều được nhà thơ Hoài Vũ vẽ lên, trước khi âm nhạc đưa nó đi xa hơn. Sau này, nhạc sĩ Thuận Yến còn phổ nhạc thêm vài bài thơ khác của Hoài Vũ, nhưng có lẽ nhạc phẩm nổi tiếng nhất vẫn là “Chia tay hoàng hôn”.
2.Nhạc sĩ có nhiều bài hát phổ thơ Hoài Vũ nhất chính là Phan Huỳnh Điểu. Với khoảng 20 bài hát được lấy tư liệu từ thơ Hoài Vũ, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điều đã có những bài hát rất hay như “Anh ở đầu sông em cuối sông” lấy từ lời bài thơ “Gửi miền hạ” của Hoài Vũ. Bài thơ và bài hát đều nhắc tới dòng Vàm Cỏ Đông, như một định mệnh gắn chặt với tên tuổi của Hoài Vũ vậy.
Dù chưa có thống kê chính xác nhưng Hoài Vũ là một trong những nhà thơ có nhiều tác phẩm nhất được chuyển thành bài hát. Với cả thảy khoảng 100 bài hát được lấy từ ca từ thơ của ông. Trong số đó, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có lẽ là người sử dụng nhiều thơ Hoài Vũ nhất. Và hầu hết những bài ca ấy đều có sức sống bền bỉ, mãnh liệt. Nếu ai đã từng đọc thơ Hoài Vũ sẽ thấy những tác phẩm của ông thường khá dài, dù chưa bao giờ ông viết trường ca. Nhưng có điều lạ lùng, những câu mở đầu luôn rất hay, gợi mở và thường đi vào lòng người như: “Ở tận sông Hồng em có biết, quê hương anh cũng có dòng sông” hay “Anh phải về thôi, xa em thôi, hoàng hôn yên lặng cũng theo về”… có lẽ sẽ còn sống rất lâu nữa.
Nhiều người từng nói rằng, hầu hết các tác phẩm nổi bật của Hoài Vũ được sáng tác trong thời gian bom đạn chiến tranh khốc liệt nhưng ở đó những giai điệu lại hết sức mượt mà, nhẹ nhàng và êm đềm, tha thiết. Nó cũng có chút khác biệt với nhiều tác phẩm sinh ra cùng thời khác khi thiên về cổ vũ, sôi sục, hào hùng. Điều đặc biệt hơn, sau hơn nửa thế kỷ, người ta vẫn có thể nghe, cảm nhận và da diết với những điều Hoài Vũ viết
. Sức sống bền bỉ ấy, có lẽ đến từ tình yêu con người, quê hương đất nước một cách chân thành nhất. Sinh năm 1935 ở huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) nhưng từ nhỏ Hoài Vũ đã tập kết ra Bắc, theo học ở Trường Thiếu sinh quân, có một thời gian ngắn đi Trung Quốc du học. Nhưng phần lớn cuộc đời sáng tác của ông lại ở vùng đất đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông bởi như đã nói, ông đã quay trở vào Nam hoạt động sáng tác văn nghệ kiêm người chiến sĩ cách mạng. Thậm chí với nhiều sáng tác dành cho vùng đất Nam bộ này mà nhiều người coi Hoài Vũ là một người con của vùng đất Nam bộ.
Sự nghiệp sáng tác của Hoài Vũ không chỉ có những bài thơ mà ông còn là một nhà báo, nhà văn và dịch giả. Ngay từ khi hoạt động kháng chiến trong lòng địch ông đã viết những bản tin, bài báo, tác phẩm văn học gửi về miền Bắc phản ánh cuộc sống đồng bào miền Nam trong chiến tranh. Sau khi đất nước thống nhất, ông tiếp tục theo con đường hoạt động nghệ thuật sáng tác.
Ông có nhiều năm làm ở báo Sài Gòn Giải phóng, giữ chức Phó Tổng biên tập. Ngoài tuyển tập thơ “Thì thầm với dòng sông” được gom nhặt từ nhiều tập thơ trước đó trong suốt cuộc đời sáng tác của mình, Hoài Vũ còn để lại nhiều tập truyện ngắn có giá trị như: “Tiếng sáo trúc”, “Rừng dừa xào xạc”, “Quê chồng”, “Bông sứ trắng” hay “Vườn ổi”… Ngoài ra, ông cũng dịch nhiều truyện ngắn từ tiếng Trung Quốc được gom thành tập “Hoa trong tuyết” khá đầy đặn.
Tôi gặp nhà thơ Hoài Vũ nhiều lần, hầu hết ở chỗ đông người. Lúc nào ông cũng lặng lẽ, cười hiền lành như sống trong thế giới riêng của mình. Thế giới của những câu thơ và dòng sông vẫn luôn mải miết chảy…
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nha-tho-hoai-vu-lang-le-cung-dong-song-5724462.html