Nhà thờ Hồi giáo xây từ đá và gỗ tuyết tùng, đẹp lộng lẫy bên bờ Đại Tây Dương
Nằm trên một mỏm đá nhìn ra vùng nước trong xanh của Đại Tây Dương, nhà thờ Hồi giáo Hassan II ở thành phố Casablanca, Morocco có thể chứa 105.000 tín đồ với 25.000 người ở trong và 80.000 người bên ngoài cùng lúc.
Nhà thờ Hồi giáo Hassan II nằm trên một mỏm đá nhìn ra vùng nước trong xanh của Đại Tây Dương toát lên vẻ hùng vĩ và sang trọng. Nhờ lớp móng sâu và hệ thống đê chắn cao vững vàng, toàn bộ đền thờ có thể nằm hiên ngang bên bờ biển.
Nhà thờ Hassan II nằm ở thành phố Casablanca (Morocco), là Thánh đường Hồi giáo lớn thứ 7 thế giới.
Khánh thành vào năm 1993, nhà thờ được thiết kế bởi ông Michel Pinseau, xây dựng bởi Bouygues.
Đây là một trong những nhà thờ Hồi giáo lớn nhất ở Châu Phi. Nó có thể chứa 105.000 tín đồ với 25.000 người ở trong và 80.000 người bên ngoài.
Nổi bật tại đây là ngọn tháp minara cao 60 tầng (210m) với đèn laser ở đỉnh, chiếu về hướng thánh địa Mecca.
Năm 1986, khoảng 6.000 thợ thủ công giỏi nhất Morocco tới Casablanca để xây dựng công trình này. Các vật liệu thượng hạng từ khắp đất nước như gỗ tuyết tùng từ dãy núi Middle Atlas, đá cẩm thạch từ Agadir trên bờ biển phía nam Đại Tây Dương được vận chuyển đến.
Tất cả đều phải làm việc cật lực để đảm bảo tòa nhà được hoàn thành vào 30/8/1993, đêm trước sinh nhật của nhà tiên tri Muhammad.
Công trình đã mất 7 năm để xây dựng và hoàn thành. Khi tham quan, du khách sẽ thấy những ví dụ điển hình nhất về nghề thủ công của Morocco xuất hiện ở đây.
Các cổng được làm từ đồng thau và titan, và đài phun nước rửa tội ở tầng hầm có hình hoa sen khổng lồ, được chạm khắc từ đá cẩm thạch địa phương.
Bước vào trong lòng thánh đường, tấm thảm lớn dẫn lối những du khách đến sảnh chính nơi có thể đón khoảng 25.000 tín đồ cầu nguyện cùng lúc.
Sảnh đường hướng về phía thánh địa Mecca được trang trí cầu kỳ nhất. Phần mái có thể mở bằng hệ thống động cơ để đón ánh sáng và gió.
Nhà thờ Hassan II là một trong hai thánh địa Hồi giáo ở Morocco mở cửa cho người không theo đạo Hồi vào tham quan, cầu nguyện.